Số phận kỳ lạ
Khi đưa ra dự thảo về Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK), dư luận đã từng đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về việc tại sao môn ngoại ngữ không được nhắc đến trong dự thảo.
Sau đó, Bộ GD&ĐT cho biết Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (Đề án Ngoại ngữ 2020) cũng nằm trong Đề án đổi mới này. Chương trình mới thiết kế có dành thời lượng cho việc học ngoại ngữ theo đúng quy định của Đề án Ngoại ngữ 2020.
Như vậy, theo cách hiểu thông thường, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đại trà từ năm học 2020-2021, sách tiếng Anh chỉ cần điều chỉnh bản đã được Đề án Ngoại ngữ 2020 triển khai thí điểm trước đó. Thực tế, trong quá trình biên soạn chương trình mới, Ngoại ngữ là môn học duy nhất không sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới …
Năm học 2020 – 2021, 2021 – 2022, chương trình mới được triển khai ở lớp 1, lớp 2, dư luận băn khoăn khi không thấy bộ SGK tiếng Anh của Đề án Ngoại ngữ 2020. Trả lời vấn đề này, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ 2020 khẳng định SGK tiếng Anh của Đề án không có lớp 1, 2; chỉ có từ lớp 3 đến lớp 12, và đưa vào dạy học đại trà từ năm học 2021 – 2022 với lớp 6.
Tuy nhiên, thực tế năm học 2021 – 2022, vẫn không có bất cứ bộ SGK tiếng Anh nào được ra đời từ Đề án này. Năm học 2022-2023 các khối lớp 3, lớp 7, lớp 10 sẽ được áp dụng chương trình mới nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa được Bộ GD&ĐT trả lời chính thức về việc có hay không bộ SGK tiếng Anh của Đề án Ngoại ngữ 2020.
Nếu không có, Bộ giải trình ra sao trước Chính phủ và người dân về nhiệm vụ cùng kinh phí đã phân định rõ trong đề án cả chục năm qua? Còn nếu có, thì đó là SGK nào và người dân khi mua SGK được hỗ trợ từ tiền ngân sách ấy có được giảm chi phí về giá thành và yên tâm về chất lượng hay không? Bởi đây là bộ sách đã được biên soạn, thí điểm của chương trình ngoại ngữ 10 năm, theo chương trình mới. Đây cũng là SGK duy nhất được thử nghiệm bài bản nhiều năm trên cả nước.
Chính vì vậy, thời điểm này khi triển khai đại trà chương trình mới, bộ SGK này không thể biến mất một cách bí ẩn hoặc đánh đồng nó với tất cả các SGK xã hội hóa khác về giá thành và chất lượng. Vì khác với SGK các môn còn lại, tất cả các quy trình từ biên soạn chương trình, biên soạn sách, thẩm định, tập huấn, thí điểm… của sách tiếng Anh thí điểm do Đề án Ngoại ngữ 2020 chịu trách nhiệm đều do ngân sách nhà nước chi trả nên phụ huynh rất trông mong bộ sách này để giảm chi phí mua SGK.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ 2020 cho biết hiện nay sách tiếng Anh do Đề án biên soạn vẫn là sách thí điểm. Còn số phận của nó sắp tới như thế nào thì đang chờ Vụ Giáo dục phổ thông xin ý kiến lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Không có tên trong danh mục công khai
Đối với các khối lớp đã triển khai đại trà theo chương trình mới, tiếng Anh là môn học có số đầu SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt nhiều nhất. Cụ thể, ở lớp 3, lớp 7, lớp 10 đều có 5 cuốn tiếng Anh khác nhau.
Như vậy cả 3 lớp có tới 15 cuốn tiếng Anh. Trong bộ tiếng Anh lớp 7 mới áp dụng từ năm học này, SGK có tới có 8 cuốn của 4 nhà xuất bản (NXB), trong khi các môn học khác chỉ có 2 – 3 cuốn. Nhưng khi công bố giá sách của lớp 1, 2, 3; lớp 6, 7 và lớp 10 vừa qua, các đơn vị xuất bản đều không công bố giá SGK môn tiếng Anh.
Không những thế, từ khi SGK tiếng Anh lớp 1 của chương trình mới xuất hiện đã mang đến rất nhiều câu hỏi cho giới học thuật cũng như dư luận. Năm 2019, trong số 38 SGK các môn học, hoạt động giáo dục được Hội đồng thẩm định thông qua thì môn tiếng Anh chiếm ưu thế tuyệt đối khi tất cả 6 bản thảo SGK đều được đánh giá “đạt”.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chỉ phê duyệt 32 SGK của các môn và hoạt động giáo dục mà không có môn tiếng Anh. Nguyên nhân là do sau khi Hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” thì xảy ra vướng mắc về tính pháp lý bởi phần lớn bản thảo SGK tiếng Anh lớp 1 do các tác giả người nước ngoài biên soạn. Bộ đã yêu cầu các NXB bổ sung chủ biên sách là người Việt Nam, vì Thông tư 33 quy định người biên soạn SGK phải “có đầy đủ quyền công dân, phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt”.
Chính vì quy định này nên SGK tiếng Anh từ lớp 1, 2 đến lớp 3, 7, 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đang gặp phải sự thắc mắc của cả người dạy và người học khi “vỏ một đằng, ruột một nẻo”. Điển hình, sách tiếng Anh trong bộ SGK “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam, cuốn “Family and Friends (National Edition), “Student book” của tác giả Nao-mi Xim-mân (Naomi Simmons) (Nhà xuất bản Đại học Oxford, Anh).
Đây là sách được bán khá nhiều trên thị trường trước đó. Nhưng sau khi “thương thảo” xong thì hiện tại với bộ sách này, đội ngũ chủ biên là hai tác giả người Việt… Trong số các sách tiếng Anh lớp 1 trước khi có “sự thay tên đổi chủ” cho phù hợp thì chỉ có 1 cuốn duy nhất chủ biên người Việt Nam thuộc bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” của NXB Giáo dục Việt Nam là ông Hoàng Văn Vân.
Tuy nhiên, lại có dư luận cho rằng mẫu SGK duy nhất này chính là sản phẩm của Đề án Ngoại ngữ 2020. Nhưng phía đơn vị xuất bản cuốn sách khẳng định việc biên soạn SGK tiếng Anh lớp 1, 2 cũng được nhất quán với triết lý xuyên suốt của bộ SGK, nằm trong đề cương tổng thể của bộ SGK, chịu ràng buộc bởi các nguyên tắc, ma trận năng lực chung của các môn học trong một lớp và trong cấp học. Vì thế không có chuyện lấy sách của Đề án làm sách của doanh nghiệp.
Đề án Ngoại ngữ 2020 có tổng kinh phí là 9.378 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và một số nguồn khác, Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ trì. Đến năm 2017 đề án đã qua hai giai đoạn, chi phí hàng nghìn tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước cũng đã kết luận có sự lãng phí lớn trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án và kết quả vẫn còn quá xa so với kỳ vọng. Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án Ngoại ngữ 2020 trong đó cho tiếp tục thực hiện Đề án kéo dài đến năm 2025. |
Bình luận (0)