Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Bí ẩn Tà Xùa

Tạp Chí Giáo Dục

Các cô gái Mông thổi kèn lá trên đỉnh Tà Xùa
Nằm ở độ cao 2.000m so với mặt nước biển, cao nhất tỉnh Sơn La, đỉnh Tà Xùa (huyện Bắc Yên) nơi vợ chồng A Phủ dắt tay nhau chạy trốn trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ (tác giả Tô Hoài) vẫn còn hoang sơ và bí ẩn của vùng Tây Bắc…
Giữa “thiên đường” mây trắng
Buổi sáng, chiếc xe gắn máy ì ạch đưa chúng tôi rời thị trấn Bắc Yên trong làn sương mù giăng lối lên đỉnh Tà Xùa. Càng lên cao, sương mù càng mờ mịt, người đi trước cách người đi sau chỉ khoảng 1m không thể nhìn thấy rõ mặt. Những cung đường hẹp, đường vòng cung tay áo uốn lượn trắng xóa mây mù. Những cơn gió lạnh thổi thốc vào mặt rét buốt.
Đột nhiên, sương mù tan, những thửa ruộng bậc thang đẹp đến mê hồn hiện ra trong phút chốc rồi lại biến mất trong mây mù. Một nhóm thiếu nữ người Mông đang nghỉ chân bên vệ đường. Tiếng kèn lá du dương của cô gái tên Mùa Thị Xinh nghe như có tiếng rì rào của lá rừng, có tiếng suối róc rách, có lời yêu thương chan chứa của người con gái Mông gửi hết vào núi rừng.
Các cô gái Mông bảo: Tùy khung cảnh mà người thổi bày tỏ nỗi lòng mình trước thiên nhiên. Chúng tôi ngồi đó say sưa lắng nghe tiếng kèn du dương nhưng sôi nổi như mời gọi người khách lạ. Quang cảnh đẹp và huyền bí cứ như bước ra từ trong truyện cổ tích. Chúng tôi bỗng thấy như ẩn hiện trước mắt mình những nàng A Mỵ, chàng A Phủ trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài ngày nào…
Chỉ cách thị trấn Bắc Yên 15km, chúng tôi mất gần 2 tiếng vượt đèo mới đến được bản Tà Xùa. Mấy chục nóc nhà người Mông bên triền dốc ẩn hiện trong sương mù như vẽ ra một bức tranh Tây Bắc hết sức huyền ảo.
Trong kí ức chúng tôi chợt hiện rõ mồn một lời kể của bác Tô Hoài cách đây gần 60 năm sau khi giải phóng vùng Nghĩa Lộ rộng lớn (ngày đó có tên gọi khu Mèo 99) mở toang cánh cửa giải phóng cả vùng Tây Bắc. Cũng tại bản này, nhà văn đã may mắn gặp cặp vợ chồng trẻ khi đó có tên A Phủ mà theo nhà văn nhận xét: “Rất điển hình của người dân tộc Mông sớm giác ngộ cách mạng”. Cùng với lời kể của anh em du kích về cặp vợ chồng A Páo đã bị thống lí Ma Chờ La hành hạ cho đến chết tại vùng Mù Cang Chải (Mường La, Sơn La), nhà văn đã cho ra đời cặp vợ chồng A Phủ rất dũng cảm kiên cường.
Giữa “thiên đường mây trắng” và “không gian Mông”, Tà Xùa đã gây men cho nhà văn sau vài đêm không ngủ để rồi cho ra đời tác phẩm văn học được xem là hay nhất trong Truyện Tây Bắc.
Bản Mông cao 2.000m
Bản Mông vắng ngắt tuyệt nhiên không bóng dáng người lớn. Trước sân nhà chỉ có những đứa trẻ cùng nhau chơi đùa, vươn mắt tròn xoe nhìn người khách lạ. Anh Văn Định (cán bộ Xã đoàn), người có rất nhiều năm lăn lộn cùng ăn cùng ngủ với đồng bào Mông vùng này, cho biết: “Người Mông rất chăm chỉ, đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Muốn tìm gặp chỉ có thể ra đồi chè hoặc lên rẫy trong núi”.
Trên đồi chè, chúng tôi bắt gặp nhóm thiếu nữ Mông trong bộ váy áo sặc sỡ nhưng kín đáo đang nhanh tay hái những búp chè xanh. Tiếng cười nói ríu rít phá tan bầu không khí lạnh tê người.
Ở vùng Tây Bắc này, Tà Xùa ở độ cao 2.000m không chỉ nổi tiếng là “quê hương đầu tiên của vợ chồng A Phủ” mà chè còn được xem là thơm ngon nhất, lại được nấu bằng thứ nước suối trong vắt ngọt lịm, ai uống qua dù chỉ một lần cũng chẳng thể nào quên. Cô gái Lầu A Cóng (16 tuổi) cười bẽn lẽn nói tiếng Việt không rành: “Tụi mình tranh thủ hái chè thật nhiều để bồ thóc trong nhà luôn đầy mới không lo”.
Có một điều hết sức đặc biệt, đồng bào Mông rất đoàn kết, luôn sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, ngay cả những cánh đồng chè rất có giá nơi đây cũng xem như là của chung nên chẳng bao giờ xảy ra tranh giành quyền lợi. Anh Văn Định giải thích người Mông là thế, luôn chăm chỉ và đoàn kết nên thóc ngô lúc nào cũng dư dả, ít phải lo toan cái ăn cái mặc.
Cô giáo trẻ Hồng Thắm năm nay chưa đến 30 tuổi nhưng có đến 8 năm gắn bó với học trò Tà Xùa kể: Mùa đông năm ngoái, khắp vùng phủ tuyết trắng xóa, nhiệt độ xuống dưới âm độ, nấu một nồi nước sôi để tắm vừa nhấc ra khỏi bếp đã có thể nhúng tay vào mà chỉ còn âm ấm. Nói xong, cô chỉ vào nhiệt kế treo trên vách. Chúng tôi may mắn vì hôm nay trời đẹp, nhiệt độ chỉ 16 độ. Ở đây, nhà nào cũng thủ sẵn một cái nhiệt kế như thế để tự mình “dự báo thời tiết”. “Ngoài trời nhiệt độ còn thấp hơn. Quần áo ở đây phơi phải một tuần mới khô đấy!”, cô Thắm cười cho biết.
Hồi còn đi học, cô học trò Hồng Thắm quê ở Ninh Bình cũng chỉ biết Vợ chồng A Phủ qua những trang sách giáo khoa nhưng không ngờ tốt nghiệp ra trường lại có duyên, đặt chân lên đây rồi gắn bó với vùng đất kì lạ này lâu dài đến như vậy.
Cô Hồng Thắm cho biết nhiều lần cũng muốn về Hồng Ngài, nơi nghe nói khi vợ chồng A Phủ chia tay Tà Xùa về đấy sinh sống nhưng chưa từng có dịp vì đường sá quá cách trở.
“Việc dạy và học ở đây gian nan lắm. Mấy lần các anh ở huyện tạo điều kiện về thị trấn Bắc Yên dạy cho đỡ vất vả nhưng tôi nhất định ở lại đây gắn bó cùng bà con và học trò Mông. Cái tình của người Mông “trên quê hương A Phủ” lớn lắm nên khó mà rời xa được”, cô Hồng Thắm tâm sự.
Bài, ảnh: Nhã Uyên
Ở vùng Tây Bắc này, Tà Xùa ở độ cao 2.000m không chỉ nổi tiếng là “quê hương đầu tiên của vợ chồng A Phủ” mà chè còn được xem là thơm ngon nhất, lại được nấu bằng thứ nước suối trong vắt ngọt lịm, ai uống qua dù chỉ một lần cũng chẳng thể nào quên.
 

Bình luận (0)