Dự kiến, chương trình Táo quân 2015 được ghi hình vào ngày 12.2, để phát sóng vào tối 18.2 (tức 30 Tết Nguyên đán) trên kênh VTV, nhưng đến giờ mọi thông tin về chương trình vẫn được giữ kín bưng.
Một cảnh diễn Táo quân 2014 – Ảnh: VFC
|
Theo kế hoạch, chương trình sẽ được ghi hình tại trường quay S14 với hệ thống ghế ngồi gồm 400 chỗ. Đại diện Trung tâm sản xuất phim truyền hình – Đài truyền hình VN (VFC) cho biết khán giả tham dự buổi ghi hình gồm toàn người của “nhà đài”, không có khán giả đại chúng. Ngay cả giới truyền thông cũng khá khó khăn tiếp cận với thông tin của Táo quân năm nay. Giới báo chí khó có cơ hội được tham dự buổi ghi hình, thông tin và hình ảnh có thể chỉ được gửi qua thông cáo báo chí sau khi chương trình đã được ghi hình. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải luôn từ chối khéo mọi câu hỏi liên quan đến chương trình. Ngay cả các diễn viên tham gia cũng nhận được “lệnh” không được hé lộ thông tin.
“Làm thế nào cho ngành của mình nhẹ nhàng đi một tí”
Những năm trước, khi chương trình Táo quân mới được ghi hình, còn chưa phát sóng, nội dung chương trình được chia sẻ khá chi tiết. Khán giả rất háo hức vì rất nhiều vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận của các ngành được đưa ra. Tuy nhiên, đến khi Táo quân lên sóng, không ít người xem thất vọng vì chương trình bị cắt khá nhiều những vấn đề góc cạnh như vậy, tiếng cười trào phúng của Táo quân bớt sâu cay. Không biết có phải do các táo bị nhắc nhở như một vị lãnh đạo VTV đã nói: “Thường mỗi dịp làm chương trình, bộ trưởng các ngành cũng tham gia trao đổi với đài làm thế nào cho ngành của mình nhẹ nhàng đi một tí”.
Khi được hỏi về những điểm mới, cũng như những vấn đề sẽ được đưa ra trong Táo quân, đạo diễn Đỗ Thanh Hải chỉ chia sẻ ngắn: “Chúng tôi đã lựa chọn thông tin, sự kiện được quan tâm của một năm đã qua, thể hiện dưới góc nhìn hài hước của các táo, rồi Ngọc Hoàng đánh giá. Định dạng là như vậy, nhưng khi làm chúng tôi sẽ còn điều chỉnh liên tục”.
Có nhiều lý do để một chương trình truyền hình như Táo quân được người dân mong đợi mỗi dịp tết đến xuân về.
Thứ nhất, chương trình dựa theo phong tục cúng ông Công ông Táo về chầu trời báo cáo chuyện thế gian rất gần gũi với đời sống văn hóa của nhân dân ta. Thứ hai, đã thỏa mãn, đáp ứng được yêu cầu của đời sống xã hội hiện đại. Thứ ba, đã có tác dụng tác động tích cực trong việc nhìn nhận lại những công việc của các bộ, ngành, của đất nước.
Lãnh đạo của Đài Truyền hình Việt Nam và những người thực hiện chương trình, từ đạo diễn cho tới các nghệ sĩ tham gia, đều mang ý thức công dân, lẫn ý thức nghề nghiệp. Vì vậy, các cơ quan quản lý như Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra yêu cầu giám sát nội dung chương trình có thể gây tác động không tốt, thậm chí đang không làm đúng chức năng của mình.
Tôi cho rằng một chương trình như Táo quân của VTV đã đóng góp vào mặt văn hóa đó. Chúng ta được cùng nhìn lại một năm, những mặt tốt thì phát huy, những mặt chưa được thì khắc phục. Chương trình còn mang đến những tiếng nói đại diện cho tầng lớp nhân dân, để những người đứng đầu các bộ ngành hãy nhìn vào đó để soi lại ngành bộ, ngành mình mà rút kinh nghiệm.
Phạm Xuân Nguyên
(Nhà phê bình, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội) |
TNO
Bình luận (0)