Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Bí ẩn trong não của một người bị đâm xuyên đầu

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi thanh sắt nhọn đâm xuyên qua đầu của một công nhân tại Mỹ, ông vẫn tự đánh xe về nhà và sống thêm 12 năm nữa.
Người bị dao xuyên đầu có thể tự về nhà?
Phineas Gage từng là công nhân đường sắt tại bang Vermont, Mỹ. Nhiệm vụ hàng ngày của ông là dọn sạch đá để đặt các thanh ray. Nếu hòn đá lớn đến mức không thể di rời bằng tay, Gage phải khoan lỗ rồi dùng thanh sắt nhọn nhồi thuốc nổ vào lỗ để phá đá, BBC cho biết.

Một bức chân dung của Phineas Gage được vẽ sau khi ông bị thanh sắt xuyên qua đầu. Ông cầm thanh sắt gây nên vụ tai nạn.
Nhưng vào ngày 13/9/1848, sự cố đã xảy ra sau khi Gage nhồi thuốc nổ vào lỗ một viên đá gần thị trấn Cavendish, bang Vermont. Thanh sắt của Gage vô tình rơi xuống mặt ngoài viên đá, tạo ra một tia lửa khiến khối thuốc nổ bùng lên. Vụ nổ khiến thanh sắt – dài khoảng một mét, đường kính 3 cm và nặng 6kg – găm thẳng vào đầu chàng trai 25 tuổi. Nó xuyên từ phía dưới mắt trái lên đỉnh đầu rồi rơi ở một vị trí cách viên đá 30m.
Theo Huffington Post, John Harlow, bác sĩ có mặt tại hiện trường khi đó kể lại rằng thanh sắt dài khoảng một mét, đường kính 3cm, nặng 6kg, "dính đầy máu và não". Nó đâm vào hộp sọ, xuyên qua các thùy não trái, phá vỡ một phần đáng kể não bộ và đẩy nhãn cầu ra khỏi hốc mắt Gage. Trước sự kinh ngạc của toàn bộ nhân chứng, viên đốc công sau thảm kịch vẫn tỉnh táo và nhanh chóng đứng dậy đi lại. Anh thậm chí còn tuyên bố 2 ngày nữa sẽ quay lại phá đá tiếp.
Trở về phòng khách sạn, Gage nằm lên giường cho Harlow xử lý vết thương. Vị bác sĩ cạo da đầu, cầm máu cho bệnh nhân. Ông gắp các mảnh xương nhỏ bị vỡ, đặt lại các mảnh xương lớn bị lệch vị trí do thanh sắt rồi quấn vết thương trên đầu Gage bằng dây đai dính. Đến 11h đêm, chàng trai ngừng chảy máu và đi ngủ.
Sáng hôm sau, Harlow cho phép gia đình vào thăm Gage. Bệnh nhân nhận ra mẹ cùng bác mình, đó là một dấu hiệu tốt. Thế nhưng, vài ngày sau, Gage rơi vào trạng thái bán hôn mê do não nhiễm nấm. Lo sợ điều xấu nhất xảy ra, gia đình anh chuẩn bị sẵn quan tài. Harlow lập tức phẫu thuật cho Gage để rút mủ ở vết thương ra qua đường mũi. Được vài tuần, tình trạng bệnh nhân ổn định hơn dù mất hoàn toàn thị lực bên trái. Tháng 1/1949, người đàn ông hồi phục hoàn toàn. Kể về quá trình chăm sóc Gage, Harlow khiêm tốn: "Chúa đã chữa lành cho anh ấy".
Minh họa vết thương của Gage.
Minh họa vết thương của Gage. 
Mặc dù vậy, tính cách của Gage lại thay đổi. Bác sĩ Harlow miêu tả "biểu hiện tâm thần" của chàng trai 25 tuổi như sau: "Những ông chủ vốn coi Gage là đốc công làm việc hiệu quả nhất nhận thấy thay đổi trong tâm trí anh nên từ chối thuê tiếp. Bệnh nhân trở nên thất thường, hỗn láo, thô tục, thiếu kiên nhẫn, do dự, vạch ra hàng loạt kế hoạch rồi ngay lập tức từ bỏ nếu thấy cái khác khả thi hơn. Sự cân bằng giữa trí tuệ và bản năng con vật của anh ấy dường như đã bị phá hủy. Tâm trí anh thay đổi đến mức bạn bè, người quen đều nhận xét Gage không còn là Gage nữa". Một vài báo cáo khẳng định chàng đốc công vĩnh viễn mất đi khả năng kiềm chế, cư xử không phù hợp trong nhiều tình huống xã hội, bạo lực và "không kiểm soát nổi" đến mức quấy rối trẻ em.
Bất đồng với quan điểm trên, nhà tâm lý học Malcolm Macmillan từ Đại học Deakin (Australia) tin sự thay đổi hành vi của Gage trên thực tế chỉ kéo dài một thời gian ngắn. "Trường hợp này đáng được ghi nhớ vì nó minh họa cho việc một câu chuyện nhỏ có thể bị thêu dệt thành bí ẩn khoa học như thế nào", ông viết trong cuốn An Odd Kind of Fame. Lập luận này bị chỉ trích mạnh mẽ. Trước Macmillan, tiến sĩ Henry Bigelow từ Đại học Harvard cũng cho rằng Gage "đã hồi phục cả về thể chất lẫn tinh thần". Ông kết luận não bệnh nhân hoàn toàn bình thường bởi anh vẫn đi lại, nói chuyện, nhìn và nghe được. Về sau, người ta phát hiện các bài kiểm tra Bigelow tiến hành trên Gage chỉ tập trung vào cảm giác và vận động nên chưa đủ thuyết phục.
Nhìn chung, các chuyên gia nhận định rất khó để xác nhận liệu nhân cách của Gage có thay đổi hay không bởi rất ít người hiểu anh rõ đến mức có thể chắc chắn về tính cách người đàn ông trước ngày gặp nạn. Mặc khác, câu chuyện nhiều khả năng bị phức tạp hóa do sự hạn chế kiến thức về chấn thương não thời bấy giờ.

Thanh sắt xuyên từ bên dưới mắt trái lên đỉnh hộp sọ của Gage. 
Đối với giới khoa học thời đó, vụ tai nạn của Gage là bằng chứng đầu tiên cho thấy tổn thương ở não có thể tác động tới hành vi và tính cách con người.Nhưng tới tận ngày nay, các chuyên gia thần kinh vẫn chưa giải thích một cách thỏa đáng về nguyên nhân khiến Gage không tử vong ngay sau khi thanh sắt xuyên thủng hộp sọ của ông.
Sức khỏe của Gage đột ngột sa sút nhanh chóng vào năm 1859. Ông chuyển tới thành phố San Francisco để sống cùng mẹ, em rể và em gái. Sau đó ông mắc chứng động kinh và qua đời năm 1860.
7 năm sau thi thể ông được đào lên theo yêu cầu của bác sĩ Harlow. Ngày nay cả hộp sọ và thanh sắt nhọn của ông đều được trưng bày trong khoa Y của Đại học Harvard tại Mỹ. Tên của ông xuất hiện trong nhiều giáo trình đại học và sách, tạp chí khoa học.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)