Alcatraz là nơi giam giữ những tên tù khét tiếng nhất nước Mỹ và được coi là nơi không thể trốn thoát vì nằm trên một hòn đảo, bao quanh là vùng biển đầy cá mập. Vụ vượt ngục của anh em nhà Anglin đã khiến dư luận Mỹ chấn động. Số phận của ba tên tù vẫn là điều bí ẩn đến tận ngày nay.
Sau vụ vượt ngục, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) luôn chắc mẩm rằng hai anh em tên cướp đã chết đuối cùng đồng bọn là Frank Morris. Tuy nhiên, theo các tài liệu mới được giải mật, FBI từng được thông báo rằng hai anh em Anglin có thể đã sống bí mật ở Rio de Janeiro, Brazil từ năm 1965.
Bức ảnh được cho là chụp hai anh em Anglin ở Brazil.
|
Bằng chứng đã được gửi tới Giám đốc FBI khi đó là ông Edgar J. Hoover từ tùy viên pháp lý Mỹ tại Brazil và các đặc vụ FBI đã được phái tới Nam Mỹ để tìm chúng. Cảnh sát trưởng Mỹ đã đảm nhiệm vụ điều tra sau khi FBI đóng vụ án này. Ông này cũng nhận được thông tin từ một người phục vụ trong quán rượu ở Rio de Janeiro cho rằng đã nhìn thấy một trong hai anh em nhà Anglin.
Những người báo tin từ Brazil chỉ là một vài trong một loạt người cho biết đã nhìn thấy hai anh em khét tiếng này trong nhiều tuần, nhiều tháng và nhiều năm sau khi chúng trốn thoát. Có điều các đầu mối đều không dẫn tới đâu.
Hai năm sau vụ vượt ngục, một tòng phạm đã giúp anh em Anglin cướp ngân hàng ở Alabama năm 1958 nói với FBI rằng chúng đang sống ở Michigan với hai người đàn ông trong một khu nhà gần công ty sản xuất ngư cụ. Hắn nói Clarence đã nhuộm tóc đen và hai anh em lái xe Thunderbird đời 1963. Clarence dùng một cái tên nghe như là James Swatsie, còn John thì dùng tên John Swatsie. Tình hình tài chính của hai tên này khá ổn. Chúng không làm việc và thường ra ngoài vào buổi tối, không bao giờ ló mặt vào buổi sáng. FBI đã lần theo dấu vết các thông tin nhưng đầu mối này đã dẫn tới ngõ cụt. Họ không thể tìm ra dấu vết của người nào tên là Swatsie ở Michigan.
Tiếp đó, một nguồn tin đã gọi điện cho FBI năm 1967, nói rằng đã học cùng trường với Morris và biết hắn 30 năm. Người này kể rằng đã tình cờ gặp Morris ở Maryland. Morris lúc đó có râu quai nón và ria mép.
Năm 1969, FBI lại nhận được một bức thư từ một người đàn ông báo rằng nhìn thấy một người trông giống như tên tội phạm bị truy nã John Anglin đang làm việc ở khu nghỉ dưỡng khách sạn Grossinger ở New York, còn Clarence bị phát hiện tại một nhà hàng ở Georgia năm 1972.
Frank Morris, Clarence và John Anglin (từ trái qua).
|
Cho dù FBI khẳng định công khai rằng cả ba tên đã chết chìm khi vượt biển vào đất liền nhưng trong thực tế, họ vẫn lặng lẽ xem xét khả năng ít nhất hai tên còn sống. FBI còn nhận được một tài liệu đề ngày 12/6/1965, tức là ngày sau khi ba tên tù biến mất và để lại trên giường mặt nạ giấy bồi và tóc gom từ tiệm cắt tóc trong tù để đánh lừa cai ngục là vẫn đang ngủ. Theo đó, một chiếc bè đã dạt vào đảo Angel và đây có thể là phương tiện mà anh em nhà Anglin đã làm để chèo vào đất liền. Tài liệu còn nói có dấu chân trên bờ biển gần nơi chiếc bè dạt vào bờ. Tài liệu cho biết thêm quanh thời điểm đó, một chiếc xe Chevrolet đời 1955 đã bị đánh cắp và chạy tới Nam Mỹ.
Tùy viên pháp lý Mỹ tại Rio de Janeiro đã gửi tài liệu mang tên “Thư báo mật” cho rằng tên Clarence Anglin có thể đã tới đây ngày 20/1/1965 và sống ở Rio de Janeiro dưới cái tên giả là Legat. Lúc đó, Mỹ và Brazil không có hiệp ước dẫn độ nên Brazil là nơi trú ẩn an toàn với nhiều tội phạm chạy trốn. Trước đó, một thư báo tương tự về hành tung của Morris cũng được gửi tới Giám đốc FBI ngày 31/8/1964.
Bằng chứng từ gia đình
Trong vòng 5 năm, tổng cộng 18 kẻ bỏ trốn đã bị bắt ở khu vực Rio de Janeiro nhưng dấu vết hai anh em Anglin và Morris vẫn mơ hồ. Trong khi đó, trong một bộ phim tài liệu phát trên kênh History Channel, hai cháu trai của hai anh em Anglin là Ken và David Widner nói rằng Clarence và John vượt ngục thành công nhờ đào hầm thoát ra ngoài phòng giam bằng thìa mài sắc và làm một cái bè bằng áo mưa để vượt qua vùng biển đầy cá mập. Họ đã đưa cho các nhà làm phim một bức ảnh mà họ nói là hình hai anh em Anglin đang sống trong một trang trại ở Brazil năm 1975 và có thể vẫn còn sống tới ngày nay.
Theo Ken và David, bức ảnh chụp hai người đàn ông đeo kính đen do một người bạn của gia đình là Fred Brizzi chụp. Brizzi nói tình cờ gặp John Anglin trong một quán rượu ở Rio de Janeiro. Trong thực tế, các điều tra viên cho rằng Brizzi có thể là người giúp hai anh em Anglin vượt vịnh San Francisco. Khi gặp gia đình Anglin, ông ta khẳng định mình là người duy nhất biết Clarence và John vẫn còn sống. Sau khi tình cờ gặp ở Rio de Janeiro, Brizzi nói mình đã được mời tới nông trại và chụp ảnh hai anh em Anglin, được nhờ trao bức ảnh cho gia đình để trấn an rằng mình vẫn còn sống khỏe mạnh. Brizzi đã trao bức ảnh cho gia đình Anglin năm 1992.
Ngoài ra còn có bưu thiếp mà gia đình Anglin cho rằng do chính Clarence và John gửi khi đã trốn tù. Tuy nhiên, theo Frank Ahearn, tác giả cuốn “How to disappear” (Cách biến mất), ông đã đề nghị trả 20.000 USD để được xem bưu thiếp nhưng gia đình Anglin không đồng ý. Ông cho rằng hai tên cướp không đủ tình cảm, quan tâm tới gia đình đến mức gửi bưu thiếp cho họ.
Về khả năng trốn thoát và sống thoải mái ở Brazil, ông Ahearn cho rằng để làm được điều đó chúng phải có tiền. Mà trong tù Alcatraz, tù nhân không được phép có tiền. Ông phân tích: “Khi ai đó trốn tù và không có tiền, chúng phải phạm tội. Frank Morris là tay tội phạm khét tiếng và sẽ phạm tội vì không có tiền. Nếu điều này là đúng thật thì thật tuyệt vời. Tôi chỉ nghĩ là khi đã bằng này tuổi rồi, tại sao hai ông không bước ra vì người ta có thể sẽ không đưa hai ông vào tù trở lại”.
Bình luận (0)