Tại thung lũng Bada ở Indonesia có hàng trăm tượng cự thạch kỳ lạ được cho là đã hàng nghìn năm tuổi.
Thung lũng Bada có khung cảnh tuyệt đẹp của những cánh đồng lúa và đồng bằng xanh tươi, những con suối nhỏ và được bao quanh bởi những ngọn đồi thoai thoải và rừng rậm và núi đá. Sông Lariang chảy qua toàn bộ thung lũng và được bắc qua bởi ba cây cầu treo. Con sông này được tưới thành các dòng chảy nhỏ hơn chạy ngang qua các ruộng lúa bậc thang.
Thung lũng Bada nằm trong vườn quốc gia Lore Lindu ở Sulawesi, Indonesia, chứa hàng trăm tượng cự thạch. Mục đích tạo ra những tảng cự thạch và ai là người tạo ra chúng vẫn là câu hỏi đối với giới khảo cổ học.
Bức tượng hàng nghìn năm tuổi Palindo ở thung lũng Bada, Indonesia thu hút nhiều khách tham quan mỗi ngày.
Những tảng đá cự thạch ở thung lũng Bada, Indonesia lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1908. Mặc dù việc khám phá đã trải qua hơn 100 năm nhưng người ta vẫn biết rất ít về các vật thể này. Những cự thạch được chạm khắc tinh xảo được cho là có niên đại từ 1.000 – 5.000 năm tuổi nằm rải rác khắp thung lũng. Đây là một minh chứng bí ẩn nhưng tuyệt vời về một nền văn minh mà chúng ta hoàn toàn không biết gì về nó.
Không ai thực sự biết những cự thạch bao nhiêu tuổi. Câu trả lời phổ biến nhất của cư dân trong khu vực khi được hỏi về nguồn gốc của những bức tượng này là "chúng đã luôn ở đó".
Người dân địa phương có nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của những bức tượng này. Một số người tin rằng chúng đã được sử dụng trong việc thờ cúng tổ tiên hoặc có thể có liên quan gì đó đến việc hiến tế con người. Những người khác tin rằng những bức tượng này xua đuổi tà ma.
Một truyền thuyết kể rằng đây là những tên tội phạm đã bị biến thành đá và thậm chí còn có những câu chuyện kể rằng những bức tượng có thể biến mất hoặc di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Tuy nhiên, một khía cạnh gây tò mò nhất về những bức tượng này là chúng được làm từ một loại đá không tìm thấy ở bất kỳ đâu gần khu vực thung lũng.
Tảng đá cự thạch nổi tiếng nhất ở thung lũng Bada là Watu Palindo. Tượng đá lớn nhất trong khu vực cao gần 5 m được đặt tên là người giải trí. Người ta cho rằng Palindo có liên quan đến cái chết, bởi vì khuôn mặt tròn và đôi mắt to của tượng đá hướng về phía tây. Theo văn hóa Toraja, một vùng ở Nam Sulawesi, phía tây là hướng của cái chết.
Bức tượng đá có vẻ mặt vui vẻ và thân thiện này thu hút rất đông du khách tới tham quan mỗi ngày. Ngoài Watu Palindo, khu vực này còn có một tảng đá nổi tiếng khác có hình người phụ nữ tên là Langka Bulawa. Langka Bulawa có nghĩa là Nữ hoàng đeo vòng chân vàng. Vẫn chưa rõ nguồn gốc của nghệ nhân làm ra những tượng đá này.
Vĩnh Ngọc (theo dantri)
Bình luận (0)