Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Bí ẩn về những cơn bão sét điên rồ trên sao Mộc đã có lời giải!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Bão sét thì có gì lạ? Tại sao chúng lại bị coi là bí ẩn? Mọi chuyện sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Trong hệ Mặt trời, sao Mộc là hành tinh lớn nhất. Dù chỉ là một tinh cầu khí, nhưng khối lượng của nó bằng tổng khối lượng của tất cả các hành tinh khác trong Thái dương hệ cộng lại.
Tuy nhiên, sao Mộc không chỉ nổi tiếng vì kích cỡ, mà còn nhờ những khí hậu được đánh giá là cuồng loạn. Khí quyển của hành tinh này có tốc độ gió lên tới 360km/h, có thể hình thành một cơn bão trong vài giờ đồng hồ, và càn quét cả một vùng hàng ngàn km đường kính sau 1 đêm. Đặc biệt kèm theo đó là sấm sét giật liên tục, nhấp nháy cả một vùng.
Vấn đề nằm ở chỗ, những cơn bão sét trên sao Mộc luôn được coi là bí ẩn, vì tần số nó phát ra là không thể bắt được.
Chớp sáng trên sao Mộc.
Chớp sáng trên sao Mộc.
"Không quan trọng bạn ở hành tinh nào, thì sấm sét luôn phát ra sóng radio khi chớp loé lên" – Shannon Brown, chuyên gia của NASA cho biết.
"Tuy nhiên từ trước đến nay, tín hiệu sấm chớp trên sao Mộc luôn không thể bắt được, vì tàu vũ trụ của chúng ta chỉ được trang bị radio với băng tần kilohertz".
Và nay, mọi bí ẩn đã được giải quyết, nhờ vào tàu thăm dò Juno được phóng lên từ năm 2011. Juno đã bắt được tín hiệu radio phát ra từ sấm chớp tại sao Mộc, và nó rơi vào tần số ngưỡng megahertz (1 megahertz = 1.000 kilohertz). Nghiên cứu được công bố trên 2 bản báo cáo khác nhau.
"Qua 8 chuyến tiếp cận, Juno đã xác định được tới 377 lần sấm sét nổ trên sao Mộc"– Brown, tác giả nghiên cứu đầu tiên chia sẻ.
"Chúng phát ra tần số ở ngưỡng megahertz, thậm chí là gigahertz (1000 megahertz). Lý do chúng ta xác nhận được việc này có lẽ là vì Juno đang tiếp cận sao Mộc ở khoảng cách gần nhất từ trước đến nay".
Dù là ở đâu, thì sấm sét vẫn phải phát ra sóng radio.
Dù là ở đâu, thì sấm sét vẫn phải phát ra sóng radio.
Tóm lại, trên sao Mộc có sấm sét – việc này đã được Juno chính thức xác nhận. Tuy nhiên, nó lại không giống Trái đất một chút nào. Brown cho biết, sấm sét trên sao Mộc thường tụ thành đám xung quanh 2 cực, và chẳng có tia sét nào ở xích đạo cả. Trong khi trên Trái đất, mọi chuyện diễn ra ngược lại.
Theo nhóm chuyên gia, nguyên nhân có thể nằm ở nhiệt độ. Trên Trái đất, xích đạo là nơi tiếp nhận nhiệt lượng từ Mặt trời nhiều nhất. Đó là lý do vì sao khí hậu xung quanh xích đạo thường là nóng ẩm, và có nhiều bão.
Còn với sao Mộc, khoảng cách giữa nó và Mặt trời lớn gấp 5 lần so với từ Trái đất, nên nhiệt lượng thu được cũng thấp hơn. Mức nhiệt trong khí quyển sẽ dàn đều, ngoại trừ 2 cực. Hệ quả, khí nóng sẽ dồn lên 2 cực, tạo ra những cơn bão khủng khiếp tại các khu vực này.
Sấm sét trên sao Mộc thường tụ thành đám xung quanh 2 cực
Sấm sét trên sao Mộc thường tụ thành đám xung quanh 2 cực.
Có một điểm thú vị là trên sao Mộc, bão sét xảy ra tại Bắc bán cầu nhiều hơn. Điều này thì khoa học chưa giải thích được.
Trong nghiên cứu thứ 2, các chuyên gia lại nhận thấy một điểm tương đồng giữa Trái đất và sao Mộc. Sau khi so sánh dữ liệu từ Juno và Voyager 1, họ nhận ra rằng mật độ sét tối đa trên sao Mộc là 4 lần/s, ngang ngửa với trên Trái đất.
"Những kết quả này giúp chúng ta hiểu hơn về khí hậu trên sao Mộc: thành phần, đối lưu và dòng năng lượng" – Brown chia sẻ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature và Nature Astronomy.
HT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)