Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Bị đuổi khỏi đàn, sư tử đực gầy trơ xương nằm chờ chết

Tạp Chí Giáo Dục

Con sư tử đực già yếu nằm gục trên bãi cỏ và chết đói lúc cuối đời trong công viên Nam Phi khiến nhiều người thương cảm.

Con sư tử đực gầy đến mức chỉ còn da bọc xương. Ảnh: Larry Anthony Pannell.

Con sư tử đực gầy đến mức chỉ còn da bọc xương. Ảnh: Larry Anthony Pannell.

Skybed Scar, con sư tử nổi tiếng trong công viên quốc gia Kruger, Nam Phi, bị trục xuất khỏi đàn và trở nên gầy gò sau khi mất đi sự bảo vệ và nguồn thức ăn từ gia đình nó, Long Room hôm qua đưa tin. Nhiếp ảnh gia Larry Anthony Pannell chụp loạt ảnh về Skybed Scar trong chuyến đi tới công viên.

Trên blog cá nhân, Pannell kể lại cuộc gặp gỡ với con sư tử khi trông thấy nó uống nước từ một đầm nước. "Uống nước xong, nó run rẩy tới mức hầu như không thể đứng vững. Điều đáng chú ý là cơ thể nó giống như chỉ có da bọc xương", Pannell cho biết.

Skybed Scar yếu đến mức không thể gượng dậy. Ảnh: Larry Anthony Pannell.

Skybed Scar yếu đến mức không thể gượng dậy. Ảnh: Larry Anthony Pannell.

Con sư tử kéo lê thân mình, thở khó nhọc sau vài bước đi. Sau khi lên tới con dốc, nó dần dần gục xuống đất, cuối cùng ngã quỵ, "bằng chứng nó chỉ có thể sống thêm vài ngày hay thậm chí vài giờ nữa", theo Pannell.

Một lúc sau, Pannell và bạn ông lái xe qua chỗ con sư tử nằm nghỉ. "Chúng tôi thấy nó nằm trên bãi cỏ, kiệt sức đến không thể di chuyển. Chúng tôi chỉ cách nó 1,5 mét trong khi nó nằm chờ chết dưới bóng cây. Bỏ máy ảnh xuống, chúng tôi nhìn sâu vào mắt nó. Tôi chỉ muốn nó biết nó sẽ không chết cô độc trong lúc nó chật vật hút thở, lồng ngực liên tục phập phồng. Tiếp đó, một bên tai co giật, sau hơi thở cuối cùng, nó chết. Chúa tể rừng xanh đã chết", Pannell chia sẻ.

Con sư tử đực sống lang thang sau khi bị đuổi khỏi đàn. Ảnh: Larry Anthony Pannell.

Con sư tử đực sống lang thang sau khi bị đuổi khỏi đàn. Ảnh: Larry Anthony Pannell.

Trong khi phần lớn các loài mèo lớn sống đơn độc trừ lúc nuôi con nhỏ, sư từ là loài mèo lớn duy nhất sống theo đàn có quan hệ gia đình. Cấu trúc xã hội trong đàn dựa trên quan hệ với sư tử cái. Những con đực nắm quyền thống trị và đi săn có trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ của đàn.

Ở khoảng 2 – 3 tuổi, những con sư tử đực trẻ tuổi rời khỏi đàn và cố gắng chiếm đàn của một con đực khác. Những cuộc tử chiến đôi khi nổ ra, sư tử đực thua cuộc thường bị buộc rời khỏi đàn và nhiều khả năng con sư tử trong loạt ảnh của Pannell phải chịu số phận đó. Sư tử bại trận còn sống thường đi lang thang và phải tự vệ bản thân nên sụt cân. Chúng ăn xác thối nhiều hơn là thức ăn tự săn khi trở nên già hơn.

Phương Hoa/ VNE

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)