Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Bi hài” các lớp liên thông

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể nói, chưa bao giờ cánh cửa giáo dục ĐH mở rộng như bây giờ: đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực, đa loại hình/hình thức đào tạo. Bên cạnh những hiệu quả tích cực như cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, đa dạng cho xã hội, nâng tầm phổ cập giáo dục cộng đồng, bức tranh giáo dục vẫn còn đó những gam màu chưa tròn vẹn. Ở những gam màu ấy, đã có biết bao câu chuyện “dở khóc dở cười”. Chẳng hạn như tại các lớp học liên thông…

Trong nhiều năm qua, số lượng người có nhu cầu học liên thông từ trình độ TC lên CĐ, hoặc từ trình độ CĐ lên ĐH rất lớn. Thế nên, giờ đây không chỉ các trường ĐH lớn tại thành phố mà các trường ĐH tỉnh cũng tham gia, hoặc tự xin mã ngành đào tạo (nếu có đủ năng lực như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và nguồn tài chính), hoặc đào tạo liên kết (đây là mô hình khá phổ biến, phổ biến đến nỗi dường như mất kiểm soát). Đặc thù của các lớp liên thông là học viên đều là các anh chị đã ra trường công tác nhiều năm. Và đây cũng là nguồn cơn của nhiều tình huống tế nhị. Không phải là nhiều, nhưng cũng không hề ít, các học viên bước vào lớp liên thông với tâm thế đi học cho có mặt, thái độ học tập chưa cao và thái độ giao tiếp chưa tốt. Dường như các anh chị chưa sẵn sàng “cởi bỏ” lớp áo khoác địa vị xã hội để bước vào lớp với chiếc áo người học giản dị. Vì vậy đã có những trường hợp người học nói năng thiếu chừng mực, có thái độ xem thường giảng viên đứng lớp. Chưa hết, nhiều học viên còn giao tiếp với chuyên viên giáo vụ như thể đang làm việc với nhân viên cấp dưới của mình: sai bảo hạch sách, lớn tiếng quát tháo… Đó mới chỉ là thái độ, ý thức học tập. Còn hành trang kiến thức, sự tiếp thu đối với sự học thì lại là những câu chuyện dài khác, cũng “bi hài” không kém. Do đó đã xảy ra không ít tình trạng tiêu cực làm dư luận xã hội bức xúc, phẫn nộ.

Nói đi cũng phải nói lại, ở một số nơi, công tác đào tạo liên thông còn nhiều thiếu sót, thậm chí có phần dễ dãi. Để rồi, dần dà, tạo ra cái nhìn chưa tốt trong nhận thức, sự đánh giá của xã hội đối với giáo dục liên thông nói riêng, và đối với hệ thống giáo dục nói chung. Khi xã hội không xem trọng, tâm thế người học cũng vì thế mà ảnh hưởng theo. Từ tâm thế xem thường giáo dục, xem hoạt động giáo dục cũng như một kiểu giao dịch mua bán đơn thuần, đã nảy sinh những suy nghĩ và hành động vi phạm các nguyên tắc giáo dục, vi phạm luật pháp. Nếu không quyết tâm siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý giáo dục (cả các cơ sở đào tạo, lẫn người học) thì hệ quả sẽ khó lòng thay đổi trong ngày một ngày hai…

Trn Xuân Tiến

 

Bình luận (0)