Nhan nhản dịch vụ học thuê
“Đảm bảo việc học đúng thời gian, đủ số buổi, đáp ứng đúng yêu cầu của các bạn. Giá cả thỏa thuận. Hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại…”. Những dòng quảng cáo dịch vụ học thuê này được công khai trên các trang web, các trang mạng xã hội, thậm chí được dán ở các điểm công cộng hay nơi tập trung đông sinh viên.
Quảng cáo học hộ, học thuê nhan nhản trên mạng và nơi công cộng. (Ảnh minh họa)
Thông thường, người thuê sẽ liên lạc trực tiếp với người đăng quảng cáo thỏa thuận giá cả, thông báo địa điểm, môn học, thông tin cá nhân. Sau đó, người học thuê chỉ cần đến lớp đúng giờ, điểm danh, kiên trì ngồi hết buổi học, thỉnh thoảng làm thêm một số bài kiểm tra mang tính chất điểm danh là chính… thế là tròn vai. Với giá từ 70.000 đồng – 100.000 đồng/ buổi, người thuê có “quyền” yêu cầu người học thuê có mặt tại bất kỳ lớp học nào từ trung cấp, cao đẳng đến đại học và thậm chí cả cao học.
Có kinh nghiệm học thuê ngay từ năm thứ nhất, Trần Ngọc Ninh, sinh viên khoa quản trị kinh doanh một trường CĐ cho biết lý do “đưa” Ninh đến với nghề học thuê khá tình cờ.
Trước đây, trong khu trọ, nơi Ninh ở có một anh đã đi làm ổn định nhưng do cơ quan yêu cầu anh này phải học thêm văn bằng 2 đại học Luật nên thỉnh thoảng đã nhờ Ninh đi học hộ vì bận. Ban đầu, vì cả nể, lại vào những ngày không phải lên lớp nên Ninh nhận lời đi điểm danh hộ. Thấy Ninh nhiệt tình, lại ghi chép đầy đủ nên anh này đã ngỏ ý thuê Ninh đi học với giá là 60.000 đồng/buổi.
Mới đầu, Ninh nghĩ có chút tiền bồi dưỡng cũng tốt, sau đó anh này tiếp tục giới thiệu cho Ninh một vài người bạn có cùng nhu cầu. Thấy công việc tương đối nhàn hạ, đến lớp chỉ ngủ gật và điểm danh mà cũng có tiền nên gần 2 năm nay Ninh đã gắn bó với công việc này. “Vì không kham nổi nên em đã rủ thêm một số người bạn khác cùng làm. Công việc nhàn hạ thật nhưng cũng mất thời gian vì có những hôm lịch học thuê trùng với thời gian lớp học chính khoá nên em phải chạy “xô” mệt tơi tả” – Ninh chia sẻ.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông giãi bày: “Bận việc cơ quan, lại còn con nhỏ, nhưng vì cơ quan bắt phải học thêm văn bằng 2 nên mấy tháng nay tôi phải nhờ đến dịch vụ học thuê. Đến ba đầu sáu tay cũng không kham nổi khi vừa phải hoàn thành việc cơ quan, vừa đi học và làm người vợ đảm”. Cũng theo chị Hạnh, chỉ hôm nào kiểm tra chị mới có mặt còn phần lớn thời gian trên lớp chị thuê một bạn sinh viên học thuê dài hạn. Ngoài số tiền 80.000 đồng/buổi, chị Hạnh còn trả thêm tiền điện thoại, tiền trợ cấp ăn trưa nếu học cả ngày.
Hệ lụy từ sự gian dối
Do quá ham kiếm tiền nên nhiều bạn sinh viên đã bỏ cả học chính để đi học thuê, khiến thời gian dành cho bài vở trên lớp chểnh mảng khi một mình chạy xô cho 3-4 người. Với lý do này thì việc bỏ học, bỏ tiết tất yếu xảy ra. Nhiều bạn còn đắn đo xem môn nào không quan trọng, thầy cô nào dễ tính… để bỏ học cho dễ. Kết quả là không ít bạn phải thi lại chỉ vì “mải” học thuê. Trần Thu Hà, sinh viên một trường ĐH đã gặp phải tình cảnh trớ trêu khi “chạm mặt” đúng thầy giáo của mình khi đi học thuê ở một lớp cao học. Khi điểm danh, thầy giáo đã nhận ra Hà là sinh viên của mình. Cuối buổi học, thầy giáo đã gặp riêng Hà để nhắc nhở. Thế là hợp đồng học thuê bị “huỷ”, còn người thuê học cũng bị “lộ” không được thi hết môn.
Bên cạnh dịch vụ học thuê còn có dịch vụ thi thuê với giá 1.000.000 – 1.500.000 đồng/môn. Tuy nhiên, những đối tượng đáp ứng dịch vụ thi thuê phải là những sinh viên có kiến thức về môn học đó và phải đảm bảo bài thi đạt điểm cao. Do yêu cầu khắt khe nên không phải sinh viên nào cũng đáp ứng được công việc này, chưa kể khả năng bị phát hiện “thi hộ” là khá cao, ảnh hưởng đến cả người thuê và người được thuê. Điều đáng nói là việc thuê người học hộ, thậm chí làm bài kiểm tra hộ, thi hộ mang đến nhiều hệ lụy. Hổng kiến thức, không nắm rõ lý thuyết cơ bản… là những hậu quả tất yếu sau một thời gian dài người học “thật” nhờ người “đóng giả” mình lên lớp.
Thạc sỹ Vũ Thu Nga – giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, tình trạng học thuê, thi thuê thường xảy ra ở những sinh viên theo học cao học hoặc văn bằng 2. Các lớp kiểu này thường đông hơn các lớp chính quy và các sinh viên theo học hầu hết là những người lớn tuổi đã có gia đình, việc làm. Lý do mà người học biện minh cho việc thuê học cũng rất đa dạng. Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì sinh viên không được nghỉ quá 20% số tiết học, nên giải pháp thuê người đi học đang được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, đối với dịch vụ học thuê, thi thuê ngoài trách nhiệm xử lý của các trường với sinh viên thì ý thức của người học cũng rất quan trọng bởi, chỉ có người học mới hiểu rõ giá trị kiến thức mà mình thu nhận. Và trước khi có kế hoạch theo học một khoá học nào đó người học nên sắp xếp thời gian và cân nhắc xem việc học ấy phục vụ cho công việc của mình đến đâu. Nếu chỉ vì có thêm tấm bằng cho bộ sưu tập bằng cấp của mình thì đó là việc làm không cần thiết.
Theo Ngọc Bảo (ANTĐ)
Bình luận (0)