Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bi hài chuyện cưới ngày… ngập nước

Tạp Chí Giáo Dục

Chú rể cõng cô dâu ra xe hoa. Ảnh: Công an nhân dânQuần đùi, áo may ô, đi dép lê phóng xe máy vào khách sạn ASEAN (Chùa Bộc, Hà Nội) dự đám cưới sáng 1/11, anh Nam cắp theo bọc nilon trong đựng bộ comple cà vạt, bước nhanh vào toilet để thay đồ. Sáng kiến này là của vợ anh, đề phòng anh bị ướt nhẹp vì đi đường.

Cơn mưa kỷ lục mấy ngày qua ở Hà Nội đã ảnh hưởng đến không ít đám cưới của các đôi tân lang tân nương, bởi ngày đẹp đã định, họ không thể chuyển sang ngày khác. Nhiều đám cưới đã phải chủ động cắt bớt cỗ thậm chí lùi giờ để đáp ứng với số khách đến ít, nhưng vẫn bị ảnh hưởng.

Khó khăn nhất của các khách mời là làm thế nào để đến đúng giờ dự tiệc. Có ông anh họ cưới ở Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội hôm 1/11, Hoa phải bắt 2 chặng xe ôm mới tới được gần đó. Nhưng cách Cung 200 m, bác xe ôm nhất quyết từ chối dấn sâu thêm chút nữa, vì sợ quãng nước ngập mênh mông trước mặt. “Ai đời đi ăn cưới mà phải xắn quần tận bẹn để đi bộ tới nơi. Trông tôi chắc buồn cười lắm đấy, nhưng ai cũng thế cả, nên huề cả làng thôi”, cô kể.

Được mời vào Hà Đông để dự tiệc vui của bạn, trưa 2/11, Nguyệt cùng 3 cô bạn thân ở tập thể Thanh Xuân chủ động bắt taxi vì đoán rằng đường khá ngập. Tuy nhiên, lái xe chưa vào đến nơi đã vội quay ra vì thấy nhiều xe chết máy. Xe đi vòng nửa thành phố sang đường Giáp Bát vào ngõ nhỏ nhưng cũng không thể vượt nổi những đoạn ngập bánh xe. Bốn cô gái sau gần 2 tiếng lòng vòng đành phải quay về vị trí xuất phát để ăn mì tôm, sau khi tốn hơn 200.000 đồng tiền taxi. Đám cưới của cô bạn rút cục chỉ có gần 1/3 số khách như dự kiến.

Tình trạng vắng khách xảy ra với hầu hết các đám cưới diễn ra trong 3 ngày qua. Chị Lan (Cầu Diễn) cho biết trưa 31/10, ngày mưa to nhất trong đợt mưa vừa qua, chị tất tả đến đám cưới của người bạn cùng cơ quan ở Nhà hàng Vạn Tuế nắm trên đường Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm, vì sợ muộn, hóa ra vẫn là người đến sớm nhất. Cỗ cưới hôm đó chỉ có ít khách. Tương tự, Hương, một biên tập viên ở đường Kim Mã cũng không thể đến dự đám cưới bạn ở trên đường Huỳnh Thúc Kháng vì đường quá ngập. “Tôi thậm chí không thể nhờ ai gửi quà mừng cho bạn được, vì hỏi ra ai cũng bảo không thể đi được”, Hương kể.

Khách khổ đã đành, thân chủ các đám cưới còn bối rối khó xử gấp nhiều lần. Sáng 31/10, mắc kẹt đoạn giữa phố Nguyễn Lương Bằng, một chiếc xe cưới Mercedes sang trọng với hoa trang trí tơi tả cứ hết nhích lên lại thụt xuống vì lái xe sợ chết máy trong biển nước. Chú rể, bực vì muộn giờ, vì lo không thể đến được, quay ra hét trong điện thoại với người thân: “Tôi đã biết trước ngập nặng rồi, nhưng nhà cô dâu giục không thể đổi ngày được, giờ khổ thế này đây”.

Cũng chỉ vì phải tránh ngập mà nhà anh Ân ở Hà Tây, khi đi qua Hà Đông lên Hà Nội đón dâu đã chọn xe… 7 chỗ. “Tôi biết chẳng ai đón dâu bằng xe 7 chỗ bao giờ, trông kỳ quá, nhưng biết làm sao vì các xe nhỏ từ chối hết, họ bảo Hà Đông ngập nặng lắm”, bác ruột anh Ân phân trần.

Chưa đón được dâu đã khổ, đón được dâu về cũng không chắc đã “thoát nước”. Trưa qua, xe hoa của anh Hoàng khi đến trước cửa Đài Truyền hình Hà Nội trên đường Huỳnh Thúc Kháng thì phải dừng lại vì đoạn đường trước mặt như con sông nhỏ. “Hai vợ chồng tôi phải xuống xe chờ cho tài xế đi thám thính trước, cô ấy tay cầm hoa, tay xách váy, chân đi giày cao gót lập lập cập trong nước, trông tội lắm”, anh Hoàng kể.

Còn anh Tân thì phải hy sinh đôi giày chú rể khi đến đón cô dâu từ nhà ra đường lớn, bởi nhà cô dâu ở một ngõ nhỏ trong quận Hoàng Mai ngập nặng từ 2 ngày nay. “Cõng cô ấy ra đến xe, chân váy ướt sạch, quần của tôi cũng vậy. Cũng may chỗ ngập chỉ có khoảng hai chục mét, chứ hai trăm mét thì chắc tôi để cô ấy lên xe đạp rồi”, anh Tân cười nói. Tuy đã biết trước nhà cô dâu ngập, nhưng bố mẹ anh vẫn cương quyết không cho con trai mang theo giày dép “phòng hộ”, bởi sợ điều xui.

Đến sáng nay, nhiều xe cưới cũng vẫn phải chịu cảnh chờ đợi vài tiếng trong đám tắc đường trên phố Trường Chinh, một trong những đoạn ngập nặng ở Hà Nội.

Cõng cô dâu, xách váy cưới lội nước, đội mưa lên xe hoa, trễ giờ rước dâu, khách ướt lẹp nhẹp, “ế” cỗ…, nhưng nhiều người vẫn an ủi nhau rằng cưới trong mưa là may, nhiều “lộc”. “Chỉ tội trời cho lộc này hơi… quá tay thôi”, chị Hoa nói.

(Theo VnExpress)

Bình luận (0)