Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bi hài chuyện sinh viên hễ thấy công an là…chuồn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trèo tường chạy trốn, nhờ người khóa trái cửa…may mắn "thoát nạn", còn nếu bị "sờ gáy" thì mới ngậm ngùi đi làm thủ tục khai báo tạm trú. Bao nhiêu chuyện hài hước như thế  vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều khu trọ sinh viên trên địa bàn Hà Nội.

Một công việc tưởng chừng đơn giản, dễ dàng và cần thiết đối với các bạn sinh viên ở trọ. Vậy nhưng phần nhiều lại quên mất cái nghĩa vụ, đồng thời là quyền lợi ấy của mình. Thế nên, mỗi lần các chú công an, dân phòng đi kiểm tra tạm trú, tạm vắng mới xảy ra vô số những câu chuyện chẳng biết nên vui hay buồn?
36 kế, chuồn là thượng sách
22h15, xóm trọ của Lê Diệu Phi, sinh viên năm 3, ĐHSP Hà Nội (khu vực Cầu Giấy) đèn điện trong 12 phòng vẫn sáng, nhạc vẫn được bật khá to. Một cú điện thoại gọi đến cho Phi, nghe giọng điệu có vẻ “khẩn cấp” lắm.

Dù biết là cần thiết, song nhiều bạn sinh viên vẫn chưa có ý thức đi đăng kí tạm trú tạm vắng khi lên Hà Nội thuê nhà trọ để học tập.
Nhoáng một lát, điện và nhạc đã được tắt. Xóm trọ im ắng đến lạ thường. 22h40, từ trên mái hiên, chỗ đặt bình nước tầng 3, Nghiêm Xuân Nam, sinh viên năm 1, CĐ Bách khoa mới nhè nhẹ tụt xuống.
Hóa ra để tránh việc bị kiểm tra tạm trú, tạm vắng, sau khi khóa cửa cho mấy anh chị các phòng khác, bạn trèo lên đó.
Không may mắn như xóm trọ của Phi và Nam, mấy nhà trọ bên cạnh vì “cửa giả” mở toang hoang nên vài người bị tạm thu chứng minh thư, thẻ sinh viên và phải ra điểm khai tạm trú, tạm vắng của phường ngay tối hôm sau. 
Thậm chí, có xóm trọ còn họp để..bàn cách đối phó với việc này. Và cuối cùng, xóm đi đến thống nhất sẽ thành lập…nhóm "tự vệ". Công việc của nhóm đơn giản là báo động cho nhóm ngay khi "có tình huống bất ngờ" để kịp thời khóa cửa, tắt điện chạy trốn.
May mắn có mấy người ở tầng đầu đã làm xong thủ tục khai báo tạm trú tạm vắng nên xóm trọ của Thành ở gần ĐH Bách Khoa, Hà Nội khá thảnh thơi. Mỗi lần có kiểm tra, mọi người lại trao "trách nhiệm cao cả" trong việc đối phó với tổ kiểm tra cho mấy người.
Trăm ngàn lí do không đi đăng kí tạm trú
Lạ là, khá nhiều bạn sinh viên biết đăng ký tạm trú, tạm vắng là rất cần mà vẫn “cố tình” tránh: “Xóm mình ở đây tách hẳn với nhà chủ. Chỉ khi nào cuối tháng mới thấy cô vào thu tiền phòng rồi để cho mọi người tự quản. Ít khi thấy cô nhắc chuyện làm tạm trú, tạm vắng”- Lương Thị Thắm, sinh viên năm 3, ĐHSPHN cười thật thà.

"Biết là vậy nhưng bọn mình đi học cả ngày, tôi muốn mới về phòng nên cũng ngại đi làm thủ tục khai báo tạm trú" – Thắng, sinh viên CĐ Bách khoa tâm sự.
Nguyễn Xuân Thắng, sinh viên CĐ Bách Khoa, ở tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội tâm sự: “Biết là cần nhưng bọn mình đi học cả ngày, tối muộn mới về phòng nên cũng ngại. Ngày trước bọn mình ở cùng nhà cô chủ, vừa đến ở là mấy chú công an phường đã đến tận nơi hướng dẫn các thủ tục đăng ký. Sau khi chuyển đến đây, mình đâm ra “nhác” chuyện ấy”.
“Một năm, các chú ấy đi kiểm tra hai, ba lần kiểm  tra nên mình đành đánh bài liều vậy. Nếu không may, bị phạt thì cũng đành chịu”- Nghiêm Văn Trọng, sinh viên khoa cầu đường, ĐHGTVT, ở tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, buông một câu chắc nịch sau tiếng thở dài ngao ngán.
Không thể "thoát nạn"
Vì “quên” chưa đi đăng ký tạm trú mà Ngọc Lam, sinh viên Học viện BC-TT đã để “tuột” mất đợt làm thủ tục kết nạp vào Đảng khi đang học hết năm 2. Theo quy định: ngoài các điều kiện như kết quả học tập tốt, tích cực tham gia vào các hoạt động trong và ngoài trường,…sinh viên ở trọ như Lam phải có sổ theo dõi tạm trú, tạm vắng và xác nhận của công an khu vực đó với thời gian ít nhất từ 6 tháng trở lên (tính đến trước ngày xét kết nạp).
Bị tạm thu chứng minh thư và thẻ sinh viên, Hà Dương, một sinh viên năm 3, đành ngậm ngùi ra công an phường nộp phạt 20.000 đồng và lấy giấy tờ về làm thủ tục cấp sổ tạm trú, rồi cứ…để đấy “từ từ làm có chết ai đâu”. Bẵng đi gần 2 tháng, cậu mới đem giấy tờ ra công an phường thì nhận được câu trả lời những giấy này đã bị “ngâm” quá lâu, phải nộp 25.000 đồng tiền giấy tờ cấp lại kèm theo mấy lời nhắc nhở.
Đó chỉ là một vài ví dụ “nho nhỏ” những phiền toái của việc không làm hoặc chậm làm đăng ký tạm trú. Rõ ràng, không khai báo tạm trú bạn sẽ “thiệt” rất nhiều nếu xảy ra trộm cắp. An ninh khu vực vì thế cũng bị ảnh hưởng. “Bài ca” kiểm tra, chạy, chẳng may bị “sờ gáy”, nộp phạt dường như vẫn chưa có hồi kết?!

Đăng ký tạm trú, lưu trú và khai báo tạm vắng được quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật Cư trú

Đăng ký tạm trú, theo quy định của Luật Cư trú, là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú và cấp sổ tạm trú cho họ. Cụ thể là, người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ nói trên, Trưởng Công an xã, phường, thị trấn phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an. Sổ tạm trú này có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn
Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình: Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác định của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu. Trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Đan Đan / Vietnamnet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)