Thời buổi giá cả leo thang, giá thuê phòng trọ cũng liên tục tăng, nên nhiều sinh viên (SV) chọn phương án ở ghép để san sẻ bớt tiền phòng. Nhưng đằng sau cái lợi trước mắt có không ít chuyện dở khóc dở cười.
Mâu thuẫn và bực bội
V.V.Dũng (SV năm 3, trường ĐH Luật TPHCM) tâm sự: “Mình ở chung phòng trọ với 8 người, do tiền phòng, tiền điện, nước chia đều nên hằng tháng chi phí mỗi người bỏ ra cũng nhẹ một chút. Nhưng được cái này lại mất cái kia. Vì ở chung với nhiều người nên thường xảy ra mâu thuẫn do bất đồng quan điểm và khác nhau về sở thích. Nhiều hôm học ở trường cả ngày, tối lại đi làm thêm nên về đến phòng chỉ muốn ngủ một giấc cho khỏe, nhưng ngặt nỗi các bạn trong phòng cứ chơi game, nghe nhạc và bật đèn sáng trưng đến khuya nên không sao ngủ được. Mình cũng góp ý hoài nhưng các bạn ấy không chịu thay đổi…”.
Không phải dễ tìm được một nhóm bạn hòa đồng, phù hợp như thế này để ở ghép
Còn Thi (SV năm 2, trường ĐH Kinh tế TPHCM) không giấu nổi bức xúc: “Trước đây em thuê phòng ở một mình nên rất tự do. Nhưng cách đây 2 tháng chủ nhà trọ tăng giá tiền, nên em phải kiếm thêm người vào ở ghép để chia bớt tiền phòng. Từ khi có H. vào ở chung thì mọi sinh hoạt của em bị đảo lộn hoàn toàn. Phòng trọ đã chật chội nhưng H. thường xuyên dẫn bạn bè về phòng chơi, gây ồn ào nên em chẳng học hành được gì cả. Đã vậy, cuối tuần H. còn rủ bạn bè đến tổ chức nấu ăn và ở lại cả ngày. Chưa kể quần áo, đồ đạc của bạn ấy thường vứt bỏ lung tung trong phòng trông rất luộm thuộm, nhếch nhác không chịu nổi…”.
Dễ bị mất cắp
Không ít trường hợp SV cho người vào ở ghép còn gặp phải những người có tính chôm chỉa nên đồ đạc trong phòng cứ lần lượt không cánh mà bay.
Thiện (SV năm 4, trường ĐH Nông Lâm TPHCM) nhớ lại: “Ba chị em ruột thuê phòng ở chung với nhau gần cả năm nay. Phòng khoảng 18m2, giá 1,5 triệu đồng/tháng nhưng do chủ nhà tăng giá tiền phòng lên 2,2 triệu đồng/tháng nên ba chị em phải tìm thêm một người vào ở ghép. Có thêm người vào ở thì mỗi tháng ba chị em đỡ được 550 ngàn đồng tiền phòng, nhưng kể từ đó đồ đạc trong phòng cũng thường xuyên bị mất cắp. Tụi em là SV nên chẳng có tài sản gì quý giá nhưng do hay mất những đồ lặt vặt, khi cần thì không có để dùng nên rất bực mình”.
Có nhiều trường hợp còn bị mất những thứ quan trọng như máy tính xách tay, điện thoại di động, tiền bạc… Trâm (SV trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM) bùi ngùi nhớ lại: “Ba người cùng quê ở chung với nhau cả năm trời không ai bị mất đồ đạc gì cả. Nhưng do chủ nhà tăng tiền phòng từ 2 triệu lên 2,5 triệu đồng/tháng nên tụi em tìm thêm một người ở chung để giảm bớt gánh nặng tiền phòng. Tụi em ở với nhau quen rồi nên tin tưởng nhau, nhiều khi có việc đi ra ngoài để quên điện thoại di dộng, máy tính xách tay trong phòng chưa kịp cất nhưng chẳng bao giờ bị mất. Vậy mà khi S. mới vừa đến ở chưa được 1 tháng thì chiếc điện thoại của em không cánh mà bay. Đến tháng thứ 2 thì một người bạn ở chung phòng bị mất một máy tính xách tay. Cuối cùng 3 đứa tụi em phải chuyển đi nơi khác để ở”.
Nguyễn Cao Cường (SV năm 2, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM) thì kể: “Gần phòng trọ của em có 2 bạn nữ (N. và H.) đều là SV của trường ĐH Kinh tế – Luật TPHCM ở chung với nhau. Ban đầu H. bị mất những món đồ lặt vặt nên chỉ nghe 2 bạn nói qua nói lại, có khi giận nhau một vài ngày rồi cũng làm hòa. Nhưng từ khi H. bị mất cái máy tính xách tay để trong phòng trọ thì xung đột giữa 2 bạn trở nên gay gắt hơn và kết cục là mỗi người một ngả”.
Theo kinh nghiệm của những người ở trọ, nếu tìm người ở ghép thì phải tìm hiểu thật kỹ về người đó, chẳng hạn như: bạn học cùng trường, cùng quê, bạn đồng trang lứa. Khi ở chung thì phải sòng phẳng về tiền bạc và phải tuân theo những nội quy chung. Đừng vì quen biết mà làm trái những nguyên tắc đã đặt ra, dễ dẫn đến mất lòng và khó sống chung với nhau lâu dài. Hơn nữa ở chung thì phải tôn trọng lẫn nhau, khi sử dụng đồ dùng của người khác phải hỏi ý kiến và được sự đồng ý của họ…
Theo Lê Thanh
(Thanh Niên)
Bình luận (0)