Chuyện sinh viên (SV) đi buôn đã không còn lạ với giới trẻ. Ý tưởng có thể xuất phát từ nhiều nguồn và cũng mang những mục đích khác nhau, nhưng xung quanh đó, có không ít những buồn, vui mà các “tiểu thương SV” gặp phải.
Hình ảnh sinh viên bán hoa, quà ngày lễ quen thuộc ở đường phố thủ đô. |
Lãi như… đi buôn
Đơn giản chỉ là tìm cơ hội tăng thu nhập cho cuộc sống và việc học hành nơi đất khách, nhiều SV đã tìm đến với kinh doanh một cách khá tự nhiên.
Nguyễn Thị Hồng – sinh viên năm thứ 4 Khoa Xã hội học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) – cho biết, cô đã trải qua nhiều dịp lễ, kỷ niệm cùng với sạp hàng hoa ngay từ năm thứ nhất. Do gia cảnh nghèo, lại hai chị em cùng lên học ở HN nên khá tốn kém. Ngoài giờ học, Hồng và em còn mày mò tìm hiểu về kinh doanh và thị trường, nhưng chủ yếu là hoa và đồ lưu niệm. Không giống như Hồng, Nguyễn Thị Vi, quê ở TP. Hưng Yên – hiện đang học năm thứ 3, khoa Quản trị Kinh doanh (ĐH Kinh tế Quốc dân) – lại coi việc kinh doanh là dịp để cọ xát thực tế và tích lũy thêm kinh nghiệm cuộc sống. Cô SV 9X hào hứng kể về bảng thành tích “buôn bán” của mình ngay từ khi còn học phổ thông. Vi hào hứng: “Mình xác định sẽ theo con đường kinh doanh của gia đình, nên việc cọ xát lúc này là rất cần thiết. Lỗ lãi cũng chưa quan trọng”.
Do có nhiều kinh nghiệm, lại có duyên bán hàng, nên trong dịp mùng 8.3 năm ngoái, cô nàng đã có một mùa bội thu, bởi chỉ trong 3 ngày bán hoa, thiệp mừng, cô cùng nhóm bạn đã thu lãi được 2 triệu đồng/người. Đó là chưa kể nhiều tình huống phát sinh cũng như các chiêu thức chào hàng mới cô rút ra được sau các đợt bán hàng.
Dù không phải là dân kinh tế như Trang, song Lê Phượng – SV năm thứ 3, ngành Vật Lý (ĐH Giáo dục) – cũng tỏ ra khá… nghề trong buôn bán hàng hoa các dịp lễ. Cũng có lần thua lỗ, nhưng với Phượng, lỗ, lãi với cô không phải là vấn đề lớn nhất. “Đây là dịp để mình trải nghiệm với cuộc sống thực tế, đồng thời kiếm thêm chút thu nhập, dù có thắng hay lỗ, ấy là chuyện nhỏ thôi mà” – Phượng hóm hỉnh.
Đầy rủi ro và… cạm bẫy
Phi thương bất phú – đó là truyền đời của người xưa và lại càng đúng với nhiều bạn trẻ hiện nay. Song “thương trường như chiến trường”, nhiều SV khi đặt chân vào mảnh đất kinh doanh đều phải sẵn sàng ứng phó với những tình huống ngoài kịch bản.
Dù có nhiều năm kinh nghiệm về đi buôn, nhưng với Vi, thời gian đầu cũng thật nản chí, bởi theo cô: “Lúc đầu, vẽ ra cảnh cũng khả quan lắm. Nhưng khi bắt tay vào thì bung bét cả, đụng chỗ nào cũng thiếu, cũng sai”.
Tuy nhiên, với nhiều sinh viên, dù đã chuẩn bị tâm lý cũng như xác định mục đích chính của việc kinh doanh ngoài việc kiếm thêm thu nhập ra, đó còn là học hỏi kinh nghiệm và tăng cơ hội va chạm với thực tiễn, nhưng khi thực tế cầm cân, bán hàng, nhiều sinh viên vẫn thấy… hụt hẫng vì độ rủi ro trong kinh doanh là quá lớn. Nhóm Nguyễn Thị Hằng – SV năm cuối ĐH Thủy lợi – vẫn chưa hết tiếc nuối vì 2/3 số hoa bày bán trong ngày 8.3 bị công an Phường Thanh Xuân Bắc tịch thu do bày bán hàng trên vỉa hè. Dù cố gắng lắm nhóm mới thu hồi được vốn, còn công sức chuẩn bị thì coi như… đi tong.
“Trong dịp bán hoa ngày 20.11 năm ngoái, dù mình đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nhưng đùng cái, do sự cố phương tiện, mình không chuyển được hàng cho khách như đúng hẹn. Bị khách mắng và hủy hợp đồng. Toàn bộ số hoa đó đành bán tháo, vớt vốn” – Hồng chia sẻ thêm.
Nhưng đó vẫn chưa phải là những rủi ro lớn nhất mà các “tiểu thương SV” gặp phải. Nguyễn Thị Hải Yến – SV Trường CĐ Sư phạm Hà Nội – còn nhớ như in buổi chiều 8.3 năm ngoái, khi cô đứng bán hoa tại gần cổng Trường ĐH Thương mại, thì một thanh niên vẻ lịch thiệp đến hỏi mua hoa. Lấy lý do muốn tạo bất ngờ cho bạn gái, gã thanh niên này ngỏ ý nhờ Yến mang hoa đến điểm hẹn cho hắn. Được trả giá hấp dẫn, số lượng nhiều, Yến nhận lời.
Đến giờ hẹn, Yến chờ sẵn ở đầu đường Mễ Trì, rồi tá hỏa phát hiện điểm hẹn gần một cánh đồng vắng người qua lại. Hoảng hồn, nhưng cô vẫn cố đợi. Mãi lâu sau, cô thấy từ xa chập chờn bóng một đàn ông, chứ không phải là đôi nam nữ như đã hẹn. Quá sợ hãi, cô liền bỏ lại hoa và quay xe đạp chạy. Gã thanh niên cũng chạy theo, nhưng không đuổi kịp cô. Về nhà, nghe bạn bè nói từng có nhiều trường hợp bị lừa kiểu đó, Yến mới hú vía… Rồi còn hàng loạt những rủi ro khác mà không ít các “tiểu thương SV” gặp phải như bị trêu ghẹo, sàm sỡ…
Dù không phải là nhiều, nhưng đây cũng là một bài học kinh nghiệm nhớ đời với các SV đang tập tành theo con đường kinh doanh.
Theo Vũ Loan
Lao Động
Lao Động
Bình luận (0)