Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bi hài văn mẫu

Tạp Chí Giáo Dục

“Bà ngoại em vẫn chưa già
Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường
Mắt bà vẫn rất tinh tường
Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày”.

Giờ học văn của học sinh lớp 5 Trường TH Lê Văn Sĩ, TP.HCM (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: A. Khôi

Bài văn tả về bà trên đã gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua. Câu chuyện văn mẫu một lần nữa lại được nhắc lại. Phải chăng chúng ta đang dạy học sinh của mình… nói dối?
Rập khuôn hay… giả dối?
Một vị trưởng phòng giáo dục tiểu học kể lại câu chuyện trong một lần dự giờ ở trường nọ. Các đại biểu và giáo viên chủ nhiệm đã không khỏi bật cười trước bài văn tả con đường đến trường của một học sinh chỉ vỏn vẹn hai câu: “Nhà em ở sát cạnh trường. Hàng ngày em vượt qua tường để vào trường”. Không biết các giáo viên sẽ chấm điểm như thế nào với bài văn trên nhưng vị trưởng phòng cho rằng bài văn đó không sai. Đối với giáo viên, khi gặp những tình huống như trên cần hướng dẫn học sinh cách tư duy, cách quan sát. Có thể con đường tới trường chỉ ngắn vài bước chân nhưng vẫn có thể có được bài văn dài và hay.
Quay trở lại câu chuyện dạy văn ở tiểu học hiện nay, không ít phụ huynh chia sẻ, sau một thời gian để con tự đánh vật với những bài văn ngô nghê đã bị cô giáo nhắc nhở rất thật, rằng: “Các con ở lứa tuổi này chưa thể tự làm được một bài văn ngắn, mà phụ huynh phải hướng dẫn chi tiết cho các con theo đúng… chương trình, gợi ý trong SGK”. Một phụ huynh chia sẻ cô giáo cho các con kể lại một việc tốt đã làm. Khi con về nhờ mẹ gợi ý, vị phụ huynh liền nói con giúp mẹ trông em để nấu cơm cũng là việc tốt. Tuy nhiên, cậu con giãy nảy lên cho biết phải theo một trong 5 gợi ý của cô dù mẹ có giải thích thế nào. Một phụ huynh khác thì buồn rầu khi cô giáo ra đề văn tả về dòng sông quê hương, con trai anh đã tả con sông Kim Ngưu, ngay gần nhà với những câu như “Dòng sông trong xanh, nước chảy lững lờ, rồi vắt ngang như một dải lụa”. Trong khi, con sông này luôn “đứng đầu” trong những dòng sông bị ô nhiễm của Hà Nội, nước đen ngòm, luôn bốc mùi khó chịu. Anh có góp ý thì cậu con trai hồn nhiên: Cô nói tả dòng sông thì phải như vậy mới hay!
Nhiều phụ huynh đã rất bức xúc trước thực tế, học sinh giờ đây tả văn rập theo khuôn mẫu, như kiểu tả dòng sông thì phải trong mát, cánh đồng thì bát ngát, lúa trổ đòng đòng, ông bà thì tóc phải bạc phơ, dáng đi chậm chạp, da nhăn nheo, miệng móm mém. Còn khuôn mẫu để tả con vật là phải so sánh đầu, tai, mũi, đuôi giống cái gì, to bằng gì. Chính vì thế nên có chuyện, một học sinh lớp 3 khi tả con lợn đã “dũng cảm” ví von: “Đầu con lợn to bằng đầu bố em, mũi con lợn bẹp gí như mũi bố em, tai con lợn to bằng tai bố em… Và đuôi con lợn giống em vì bố nói em là cái đuôi của bố”.
Rồi nữa, ngay trong làm văn lớp 3 học về viết thư cho bạn để làm quen, bao giờ cũng là kết thúc bằng câu: “Thôi thư mình viết đã dài, mình xin dừng bút ở đây”… mặc dù cả thư được vài dòng ngắn ngủn, sáo rỗng. Chưa kể, bài văn đúng chuẩn mẫu đến cuối mỗi bài phải nói lên cảm nghĩ của mình: “…Xin hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi để vui lòng…”.  Hoặc đã tả về một cây gì thì phải có câu em thích nhất cây này, hoa này, hoa kia. Thế nên mới có chuyện bi hài khi có học sinh hồn nhiên viết: “Trong vườn nhà em có rất nhiều loại hoa, nhưng em thích nhất là hoa… mít”.
Cần xem lại chương trình

Nếu sử dụng không đúng cách thì văn mẫu trở nên có hại cho học sinh. Ảnh: Khôi Anh

Đã có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề một bộ SGK như hiện nay. Đứng ở góc độ khoa học, thì một bộ SGK cho tất cả vùng miền là không hợp lý. Cộng với việc phải tả theo cô đã dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười. Ở thành phố, có phụ huynh than thở khi cô giáo bắt tả con gà, cậu con trai đã tả luôn con gà quay mẹ mua ở chợ. Còn phụ huynh khác thì kêu ca khi cô giáo yêu cầu con tả cánh đồng lúa, chị đã gợi ý mọi cách cho con nhưng vẫn không ăn thua vì con chị chưa nhìn thấy lúa bao giờ. Ngược lại, những học sinh ở nông thôn, chưa một lần được đi biển thì rất khó tả cảnh biển. Một phụ huynh có con học lớp 2 cho biết cô giáo yêu cầu tả cảnh biển sáng sớm. Không còn cách nào khác, chị đành đọc cho con chép. Nhưng bài văn vẫn bị điểm thấp và được cô giáo phê văn người lớn. Cô chỉ tấm hình cảnh biển buổi sáng trong sách Tiếng Việt lớp 2, yêu cầu con về viết lại.
Không có nét đặc trưng giữa các vùng miền đã dẫn đến những khó khăn đối với người học và người dạy. Ngay cả bản thân giáo viên, họ cũng rất vất vả với những bài văn mà học sinh chưa bao giờ được quan sát. Có giáo viên cho biết đã phải dành cả một ngày nghỉ để dẫn học sinh dạo quanh Hồ Gươm (Hà Nội) và hướng dẫn các em quan sát các loài cây để về tả cho sinh động. Vị giáo viên này cũng cho hay, đối với học sinh lớp 1, lớp 2, cái quan trọng khi dạy học sinh viết văn đó là cấu trúc câu, sử dụng từ đúng ngữ nghĩa. Có thể chỉ là những câu ngắn nhưng với một bài văn dù có 5-7 câu cũng phải đầy đủ mở bài, thân bài, kết luận. Đó là phương pháp để hướng dẫn học sinh cách tư duy đồng thời để tránh những bài văn cười ra nước mắt. Nhưng nếu cứ dạy theo cách rập khuôn, máy móc như hiện nay, có thể thấy “cá tính” của học sinh muốn thể hiện trong làm văn sẽ bị thui chột ngay từ những năm đầu đi học.
Văn mẫu đã thành cứu cánh cho phụ huynh và cả giáo viên. Hiện nay, trên thị trường sách tham khảo, văn mẫu chiếm một tỷ lệ không nhỏ từ lớp 1 đến lớp 12. Thế mới có câu chuyện thật như đùa trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006. Kỳ thi năm đó, dư luận đã bất ngờ về bài văn dự thi vào ĐH Đà Nẵng được điểm 10. Khi bài văn được đưa trên phương tiện truyền thông thì “bí quyết” học giỏi môn văn của thí sinh này đã bị phát hiện giống hệt bài văn mẫu in trong cuốn Kiến thức cơ bản văn học 12. Hội đồng tuyển sinh đã bị đặt trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhận định thí sinh này không có lỗi, không vi phạm quy chế tuyển sinh nên vẫn phải công nhận điểm cho thí sinh.
Hiện nay, thi tốt nghiệp, thi ĐH, CĐ đề văn đã có câu hỏi mở. Tuy nhiên, các giáo viên đều đã bắt được “bài” của thể loại này. Do đó, dù có mở thì cấu trúc của nó cũng không nằm ngoài mấy dạng mà giáo viên đã “tóm” được.
Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn quan niệm văn học là nhân học, văn học là tấm gương phản chiếu tâm hồn. Nhưng xem ra, với tình trạng học và dạy văn như hiện nay thì tất cả học sinh đều có một “tâm hồn” giống giáo viên.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)