Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Bi kịch lỡ cỡ ở giảng đường

Tạp Chí Giáo Dục

Thích ĐH Ngoại ngữ nhưng thi thiếu 2 điểm, Ngọc Quyên, cựu SV  nộp đơn vào ĐH Kinh doanh và Công nghệ. 4 năm học, 3 lần bảo lưu, từng định "đá ngang" sang Sân khâu Điện ảnh và bây giờ là nghỉ học hoàn toàn để tự tìm cho mình một hướng đi mới. Đó là kết quả từ việc chọn nhầm đường. 
Cha mẹ định hướng, anh chị đi trước khuyên, trường vừa sức học… không ít học sinh lớp 12 đã lấy đó làm tiêu chí chọn trường, chọn nghề… khi nộp hồ sơ đăng ký thi đại học. Để rồi sau gần 4 – 5 năm học, khi đã sắp tốt nghiệp, nhiều bạn mới nhận ra rằng mình chẳng phù hợp với nghề.
Suy nghĩ kỹ trước khi đặt bút đăng ký hồ sơ dự thi ĐH sẽ tránh được tiếc nuối "mình không hợp với nghề". Ảnh: Lê Anh Dũng

“Vì mẹ mình thích…”

Mai Linh, SV năm cuối lớp Truyền hình, Học viện báo chí và Tuyên truyền đã trải qua gần 4 năm "đời SV" với tâm trạng chán nản. Năm lớp 12, học khá tiếng Anh và có niềm đam mê với ngoại ngữ, Linh mong muốn được thi vào ĐH Ngoại ngữ (nay là ĐH Hà Nội). Tuy nhiên, vốn thích báo chí, lại muốn con theo làm truyền hình, mẹ Linh đã một mực khuyên cô nên thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Lý lẽ của bà là: Học Ngoại ngữ sau này ra trường chỉ biết tiếng, chẳng có kiến thức chuyên môn của một ngành nào. Trong khi đó, học báo chí thì gia đình đã có sẵn đầu ra, hơn nữa sau khi tốt nghiệp, có thể vừa đi làm vừa đi học thêm ngoại ngữ cũng chưa muộn.
Nghe lời mẹ, Linh nộp hồ sơ, quyết định gắn tương lai của mình với nghề báo và trúng tuyển với điểm số khá cao (22,5 điểm). Tuy nhiên, sau khi nhập học một thời gian, cô bắt đầu thấy hối hận. Chương trình học không thú vị khiến cô càng chểnh mảng học hành.
Năm thứ 2, khi tỉnh ngộ và tính đến chuyện thi lại thì đã quá muộn. Kiến thức rơi vãi nhiều cộng với sự quyết tâm đã nguội dần khiến Linh quyết định an phận với ngành nghề hiện tại.
“Thấy mình học hành bê tha quá nên mẹ mình mất ngủ bao nhiêu đêm vì hối hận đã hướng nhầm đường cho mình. Thế nên mình nghĩ dù thế nào thì bây giờ cũng phải cố gắng, nếu không thì càng khổ cho mẹ”, Linh tâm sự.
Cố gắng là một chuyện, nhưng cô vẫn không làm sao tìm được niềm đam mê với nghề. Nhìn bạn bè thi nhau cộng tác, viết bài cho các báo đài, cô ngậm ngùi cố gắng học nốt cho xong mấy tháng cuối.
Chia sẻ về dự định tương lai, Linh cho biết: “Bây giờ mình chỉ mong mau mau tốt nghiệp ra trường, kiếm một công việc trong truyền hình, rồi học tiếp lên nếu có điều kiện. Nhìn chung là chưa có gì cụ thể cả…”
Chọn nhầm trường vì… thiếu nửa điểm tốt nghiệp
Khác với Linh, sai lầm của Lê Minh, lớp Luật Kinh tế, ĐH Luật Hà Nội lại ở chỗ thiếu tự tin.
Vốn là học sinh giỏi suốt 3 năm phổ thông, Minh đủ điều kiện để được cộng điểm trong kì thi đại học nếu điểm thi tốt nghiệp cao và không có môn nào dưới 7.
Ngày nhận kết quả thi tốt nghiệp, theo cậu “là ngày đánh dấu bước ngoặt cuộc đời”. Tất cả các môn khác, Minh đều được điểm cao như dự kiến, duy nhất điểm 6,5 môn Lý đã đánh mất cơ hội quý giá được cộng điểm thi đại học.
Mất điểm cộng, Minh không đủ can đảm để đăng kí vào Học viện Quan hệ quốc tế, vốn là ngôi trường mơ ước. Mặt khác, được bố định hướng, Minh quyết định nộp hồ sơ thi ĐH Luật Hà Nội dù chưa hề có một ý niệm gì về ngành này.
“Ngày nhận điểm thi ĐH lại là một cú sốc thứ 2. Mình được 22 điểm. Năm đó, Học viện Quan hệ quốc tế cũng lấy đúng 22 điểm.” – Minh nhớ lại.
Sau mấy ngày đầu trải qua cảm giác tiếc nuối,  cậu vui vẻ bắt đầu cuộc đời một tân sinh viên trường Luật. Tuy nhiên, càng học càng thấy nản.
Giờ đây, khi đang trong những ngày chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp, Minh lại càng cảm nhận rõ hơn rằng mình chưa có đủ sự say mê để gắn bó với nghề. Theo Minh: “…nghề luật đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ từng chút một, không phù hợp với tính cách của mình.”
Đổi ngành học là giải pháp mà cậu đang tính đến. Học tiếng Anh, kiếm một học bổng đi nước ngoài học thạc sĩ ngành tài chính hoặc ngân hàng, đó là dự định tương lai của cậu. Tuy nhiên, “cứ phải tốt nghiệp cho xong cái đã”.
Sai một ly, đi một dặm…
Chọn nhầm trường, nhưng rất nhiều bạn sinh viên như Linh hay Minh vẫn còn may mắn vì đã không lãng phí vô ích 4 năm đèn sách.
Trong khi đó, số ít trường hợp như Ngọc Quyên, cựu SV ĐH Quản lý kinh doanh (nay là ĐH Kinh doanh và Công nghệ), thì những gì thu được chỉ là kinh nghiệm từ những lần vấp ngã. 4 năm học, 3 lần bảo lưu và bây giờ là nghỉ học hoàn toàn để tự tìm cho mình một hướng đi mới, đó là kết quả từ việc chọn nhầm đường.  
Thích làm báo, nhưng lựa chọn cuối cùng của Quyên lại là ĐH Ngoại ngữ, khoa tiếng Trung. Lý giải cho quyết định này, theo Quyên vì thi Ngoại ngữ tiếng Anh được nhân đôi. Trong khi tiếng Anh của cô rất khá, còn Toán thì không được tốt lắm.  
Ngày nhận kết quả, biết mình thiếu 2 điểm, Quyên rất buồn và đã nghĩ ngay đến chuyện thi lại. Tuy nhiên, được mọi người động viên, cô quyết định nộp đơn xin xét tuyển nguyện vọng 2 vào trường ĐH Quản lý kinh doanh.  
Trúng tuyển, Quyên nhập học, quyết chí học thật tốt và không nghĩ đến việc thi lại nữa. Thế nhưng, sau những háo hức ban đầu, càng học, cô càng thất vọng. Đúng vào lúc này, Quyên thấy hứng thú với nghề diễn viên và quyết định thử sức mình. Bảo lưu kết quả ở trường cũ, Quyên nộp hồ sơ thi ĐH Sân khấu điện ảnh.  
Càng vào đến vòng trong càng thấy khó, Quyên nhận ra đây chỉ là ham thích nhất thời và mình chưa đủ năng khiếu để theo nghề diễn viên. Bỏ dở cuộc thi, cô quay trở lại trường. 
Việc học tập không chút khả quan, lại thêm môi trường mới giữa những SV không cùng độ tuổi một lần nữa khiến Quyên thêm chán nản. Cô lao vào làm thêm, khi thì cho một công ty truyền thông, lúc lại là nhân viên tư vấn mỹ phẩm. Kéo theo đó là 2 lần xin bảo lưu kết quả để chú tâm vào công việc. Đến lần bảo lưu thứ ba, không thể cố học thêm nữa, thì cánh cổng trường đại học đã chính thức khép lại.  
Gặp Quyên trong những ngày đang bận rộn lên kế hoạch mở một cửa hàng nhỏ của mình, thử sức với con đường kinh doanh, cô cho biết: “Tuy cuối cùng phải bỏ dở việc học, nhưng ít nhất mình cũng được làm điều mình thích. Bây giờ, mình chỉ muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng đại học không phải là con đường duy nhất để bước vào đời”. 
Linh, Minh, hay Quyên, mỗi người đều có một dự định riêng cho tương lai. Tuy nhiên, họ đều có chung câu trả lời “Chắc chắn là có” cho câu hỏi “Nếu trở lại lớp 12, bạn có chọn lại con đường đi cho mình?”.
Riêng Ngọc Quyên chia sẻ: “Mỗi bạn nên tự khám phá bản thân, xem mình phù hợp với nghề nào.  Các bậc phụ huynh cũng cần hiểu rõ cá tính và khả năng mà định hướng đúng đắn cho con. Không nên để rơi vào hoàn cảnh như mình, đúng là “sai một li, đi một dặm".
Đừng để tấm bằng thành vật kỉ niệm 
Mắc sai lầm đáng tiếc khi định hướng nghề nghiệp, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn còn thời gian để lựa chọn những giải pháp khắc phục. Đó là học thêm một ngành nghề yêu thích. Hoặc lao vào công việc và tạm bằng lòng với cuộc sống của mình. Tuy nhiên, có những người đã thực sự lãng phí nhiều năm trời đèn sách chỉ vì một lần chọn lựa sai.  
Chú Hồng Vân (45 tuổi, Bạch Đằng – Hà Nội) tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân hơn 20 năm về trước. Tuy nhiên, tấm bằng tốt nghiệp thì vẫn chưa một lần được sử dụng. Học giỏi và được cả nhà đặt nhiều kì vọng, nhưng ngày đăng kí thi ĐH, anh lại chưa có định hướng gì cho tương lai của mình. 
Hồi tưởng lại quá khứ, chú tâm sự: “Hồi đấy tôi thi theo phong trào thôi. Vào được ĐH cốt là để có cái bằng. Vả lại,  thiếu thông tin thành ra cứ đăng kí bừa.” 
5 năm ròng ăn học, có trong tay tấm bằng danh giá nhưng anh không thấy thiết tha với nghề. Sau mấy năm trời thất nghiệp, anh  bắt đầu lao vào buôn bán. Giờ đây, khi đã an phận với một cửa hàng bánh kẹo nhỏ tại nhà, tấm bằng ĐH mới tinh chỉ còn là một vật kỉ niệm.

Ngọc Khanh (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)