Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bị kiện lây từ doanh nghiệp láng giềng

Tạp Chí Giáo Dục

Việc Ấn Độ vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng máy ép đùn, phun nhựa xuất khẩu từ VN đã gây không ít bất ngờ cho các doanh nghiệp sản xuất nhựa.

Phần lớn doanh nghiệp sản xuất trong ngành nhựa đều sử dụng máy ép nhựa nhập khẩu từ nước ngoài. Trong ảnh: sử dụng máy ép nhựa nhập khẩu từ Đài Loan của Công ty TNHH Nhựa Chợ Lớn – Ảnh: T.T.D.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, nguy cơ Việt Nam sẽ bị mất thị trường xuất khẩu khi tình trạng không ít doanh nghiệp đăng ký lấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước, nhằm lẩn tránh thuế.

Chưa làm được vẫn bị kiện

Là người làm trong ngành nhựa lâu năm nên khi biết thông tin Ấn Độ khởi xướng điều tra mặt hàng máy ép đùn, phun nhựa xuất khẩu từ Việt Nam, ông Trần Việt Anh – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần XNK Nam Thái Sơn – tỏ ra khá bất ngờ, bởi hầu hết loại máy ép đùn, phun nhựa hiện nay đều nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan hoặc Ấn Độ.

“Các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất một số thiết bị, máy móc của ngành nhựa. Nhưng riêng với các loại máy ép nhựa nói chung thì ngành cơ khí Việt Nam chưa tự sản xuất được” – ông Việt Anh khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Trí – giám đốc Công ty TNHH cơ khí Lập Phúc, hiện công ty ông có nhập khẩu một số chủng loại máy ép nhựa từ Trung Quốc và Đài Loan.

“Trình độ cơ khí của chúng ta không thể sản xuất được máy ép nhựa. Nhưng nếu nhập linh kiện về lắp ráp, sau đó gắn tên thương mại lên sản phẩm để lấy C/O xuất đi thì cũng có thể. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh là chỉ nhập linh kiện về và lắp ráp, chứ không thể sản xuất bất kỳ chi tiết cơ khí nào của cái máy này tại Việt Nam” – ông Trí thông tin.

Thật ra máy ép nhựa chỉ là một trong những mặt hàng mà thị trường Việt Nam đang bị vạ lây từ làn sóng “kiện tụng” trong lĩnh vực phòng vệ thương mại của các nước ngày một nhiều, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là kiện chống bán phá giá.

Và rất trùng hợp khi những mặt hàng Việt Nam bị khởi kiện, từ lĩnh vực may mặc cho đến cơ khí, điện tử, nhựa… thì hàng sản xuất cùng loại tại Trung Quốc hoặc Đài Loan cũng bị điều tra, hoặc đang bị áp thuế.

Thực tế những năm qua cho thấy các sản phẩm như bật lửa gas, đĩa ghi CD-DVD, giấy màng BOPP, mắc áo thép, tuôcbin điện gió… xuất khẩu từ VN bị nhiều quốc gia kiện chống bán phá giá phần lớn đều do các doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, Đài Loan sản xuất.

Nguy cơ lẩn tránh thuế

Theo bà Trần Thị Thu Hương – giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI), lâu nay VCCI rất cảnh giác với nhiều mặt hàng đang bị nhiều quốc gia áp thuế chống bán phá giá (hoặc liên quan đến các trường hợp kiện phòng vệ thương mại khác) đối với nhiều nước trong khu vực lân cận Việt Nam.

Đặc biệt từ thị trường Trung Quốc, Đài Loan “nguy cơ về gian lận thương mại sang Việt Nam rất cao, bởi khi kiểm tra lại thì thấy rất nhiều sản phẩm nước họ đã hoặc đang bị áp thuế ở nhiều nước khác” – bà Hương nhấn mạnh.

Chẳng hạn với sản phẩm máy ép nhựa nói trên, Ấn Độ cũng đang áp thuế chống bán phá giá đối với Trung Quốc ở mức thuế 60-174%. Trong khi nếu áp dụng Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ giai đoạn 2012-2014 thì thuế xuất khẩu của mặt hàng này từ Việt Nam sang Ấn Độ là 0%, và thuế nhập khẩu vào Ấn Độ cũng 0%.

Thậm chí, Việt Nam cũng phải trả giá từ việc mất hẳn thị trường xuất khẩu. Như trường hợp túi PE xuất khẩu sang thị trường Mỹ bị áp thuế chống phá giá 52,3-76,11%, còn bị chồng thêm thuế chống trợ cấp từ 5,28-52,56%, dù trước đó mặt hàng này có thuế xuất rất thấp vào Mỹ.

Nguyên nhân là do bị đơn bắt buộc chính trong vụ kiện là Công ty Advance Polybag đột ngột rút khỏi vụ kiện bằng cách không hợp tác điều tra. Sau đó không lâu doanh nghiệp này cũng “mất tích” không còn hoạt động tại Việt Nam. Hậu quả sản phẩm túi PE xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ bị “đóng băng” hoàn toàn, mất khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nhựa sang thị trường Mỹ.

Bà Thu Hương cho rằng khi các nước trong khu vực áp dụng biện pháp áp thuế với các nước hay bị khởi kiện hay điều tra, ngay lập tức lại có làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam thành lập doanh nghiệp mới, hoặc chuyển cả nhà máy sang Việt Nam sản xuất.

“Chuyện này cũng không thành vấn đề gì nếu việc chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam thật sự được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư có chiều sâu, sản phẩm làm ra đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Sợ nhất là các trường hợp chỉ có danh mà không có thực lực, lập nên những cơ sở hoặc thuê mướn mặt bằng làm cơ sở, chỉ chọn Việt Nam làm những công đoạn gia công đơn giản (như đóng gói bao bì, dán nhãn…) thì không thể chứng nhận rằng sản phẩm này đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ hàng hóa” – bà Thu Hương phân tích.

Lưu ý diện “tình nghi”

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, để giảm thiểu tối đa các rủi ro từ việc “đi dường vòng” nhằm lẩn tránh thuế, giai đoạn tiền cấp giấy phép đầu tư cần được quan tâm và siết chặt hơn nữa.

Chẳng hạn ở Bộ KH-ĐT, ngay từ khâu cấp giấy phép đầu tư sẽ phải đưa ra những cảnh báo về danh mục những mặt hàng có nguy cơ gian lận thương mại cao cho các địa phương, nhằm chủ động kiểm tra kỹ hơn hồ sơ cấp phép đối với các mặt hàng đang nằm trong diện “tình nghi”.

Cũng theo bà Hương, hiện không ít doanh nghiệp FDI còn tận dụng quy định chuyển đổi mã số HS hàng hóa để xin cấp C/O. Quy tắc chuyển đổi mã số HS hàng hóa này cho phép doanh nghiệp nhập khẩu 100% linh kiện, nguyên liệu vào VN với điều kiện là quy trình sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh phải vượt qua những công đoạn gia công đơn giản, vốn đã được luật hóa theo danh mục quản lý.

“Vấn đề ở đây là cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, kiểm soát thế nào về việc doanh nghiệp có sản xuất hay không, hoặc công đoạn nào là sản xuất thật sự, chứ không chỉ làm những phần việc hết sức đơn giản. Vì quy định cũng nói rất rõ mã số HS của nguyên liệu nhập khẩu và mã số HS của thành phẩm khi xuất khẩu phải khác nhau về mặt tính năng, công dụng thì mới được cấp C/O” – bà Hương lưu ý.

Xuất sang 12 thị trường

Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2013 cho đến tháng 9-2014, đã có 421 bộ máy ép đùn, phun nhựa (gọi tắt là máy ép nhựa) xuất khẩu từ Việt Nam sang 12 thị trường trong và ngoài khu vực, trong đó có thị trường Ấn Độ, nơi Việt Nam vừa bị khởi kiện chống bán phá giá.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chỉ có một doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc đặt tại KCN VSIP 2 (Bình Dương) tự giới thiệu “là nhà sản xuất máy ép nhựa chính thức duy nhất tại VN”.

Tuy nhiên, khi được đề nghị tìm hiểu về chủng loại máy mà công ty này đang sản xuất dưới hình thức nào: nhập khẩu 100% linh kiện, thiết bị về gia công lắp ráp hay có tổ chức sản xuất công đoạn, chi tiết cơ khí nào tại Việt Nam thì nơi này cho biết khi nào có thông tin sẽ trả lời.

LÊ THANH – T.V.N.

TRẦN VŨ NGHI

(TTO)

Bình luận (0)