Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Bí kíp chạy nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Tạp Chí Giáo Dục

Còn 2 ngày nữa thôi, cuộc 'vượt vũ môn' tuổi 18 – kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 – sẽ chính thức diễn ra với những bài thi quyết định ngã rẽ nghề nghiệp, định hướng tương lai của hàng triệu sĩ tử trên cả nước.

Áp lực học hành suốt mấy tháng nay, áp lực thi cử sắp tới khiến học sinh (HS) càng lo âu. Giờ là lúc phụ huynh bình tĩnh và vững dạ cùng con “chạy nước rút” cho kỳ thi căng thẳng sắp đến.

Dinh dưỡng khoa học, không gian học tập thuận lợi

Xây dựng một kế hoạch ôn tập hợp lý là điều tiên quyết tạo cơ hội cho chúng ta chạm tay vào chiến thắng. Nhiều HS thường tăng tốc ôn luyện, mải miết học hành, thức thâu đêm suốt sáng để chiến đấu với đống bài vở vào chính thời khắc cần hơn hết thời gian biểu học hành, nghỉ ngơi dưỡng sức cần thiết. Vì vậy phụ huynh hãy cùng con phác thảo thời khóa biểu ôn luyện hợp lý, chú trọng vấn đề then chốt để ôn luyện, trau dồi thêm năng lực tiếp cận với nhiều dạng đề khác nhau.

Bí kíp chạy nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp THPT - ảnh 1

Phụ huynh động viên trước khi con bước vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2021. NGỌC THẮNG

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và tạo không gian học tập thuận lợi cho con chính là cách đồng hành và hỗ trợ con trẻ hữu ích nhất. Dinh dưỡng cho con trong mùa thi cần được phụ huynh chăm chút nhiều hơn, vừa đảm bảo có nguồn dưỡng chất cần thiết cho việc học tập, ghi nhớ, vừa tránh cho con rơi vào tình huống ăn uống thất thường làm cơ thể suy nhược. Bên cạnh đó, quỹ thời gian quý giá cho việc ôn luyện này cần được HS tận dụng hợp lý và chúng ta hỗ trợ con bằng cách tạo môi trường học tập thuận lợi: bố trí phòng học mát mẻ, hạn chế các hoạt động vận động khiến trẻ mất tập trung…

Bầu không khí gia đình thuận hòa, ấm áp và vui vẻ sẽ dưỡng nuôi cảm xúc tích cực của HS trong chính thời khắc cần hơn hết điểm tựa tinh thần. Kỳ thi càng đến gần càng tạo áp lực tâm lý đè nặng cảm xúc của HS. Bài vở dồn dập, thành tích của bản thân và kỳ vọng của mẹ cha, nỗi lo lắng, hoang mang, tự vấn bản thân về kỳ thi sắp diễn ra, ngã rẽ tương lai sắp đến… khiến HS cùng cả gia đình đều mệt nhoài. Vậy nên, đây là lúc cần hơn hết không khí hòa nhã, thân thiện, cởi mở giữa các thành viên trong gia đình.

“Con hãy cố gắng hết mình là được”

Trao lời động viên chân thành và ghi nhận nỗ lực, sự cố gắng của con chính là cách thiết thực nhất để truyền niềm tin và động lực phấn đấu cho con. Thành tích trong kỳ thi sắp đến sẽ mang tính quyết định về giảng đường đại học mơ ước, về ngành nghề ấp ủ bấy lâu nay. Dù vậy, chúng ta đừng cố dội thêm áp lực vô hình khiến con thêm quay quắt với lời khuyên bảo “phải thi thật tốt”, lời dặn dò “phải giành điểm cao”, lời đe nẹt “phải vào trường tốp đầu”…

Bao nhiêu chữ “phải” là bấy nhiêu đá tảng đeo mang khiến việc ôn luyện của con thêm nhọc nhằn, việc thi cử thêm ám ảnh.

Những ngày này, phụ huynh cần bình tĩnh ghi nhận nỗ lực của con suốt bao ngày qua để thủ thỉ “Con đã làm rất tốt!”… Mong mỗi phụ huynh đều sáng suốt cảm nhận áp lực thi cử của con trong phòng thi để động viên “Con hãy cố gắng hết mình là được!”… Mong mỗi mẹ cha an yên và bằng lòng với thành tích, năng lực thực tế của con để trao cho con nụ cười khích lệ, cái xoa đầu an ủi và vòng tay ôm choàng xoa dịu cho con bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến rất gần.

Cẩn thận với các dạng đề thi “tiên đoán”

Để việc ôn tập đạt hiệu quả, HS không nên có thái độ quá chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng. Phải tự tin, bình tĩnh, ôn tập chậm mà chắc, ôn đến đâu nắm vững kiến thức trọng tâm đến đó.

Việc ôn tập các môn phải hài hòa, cân đối. Không tập trung nhiều thời gian vào môn này mà xem nhẹ, bỏ rơi môn kia. Vì như thế, đến gần ngày thi tâm lý sẽ hoang mang vì có môn chưa kịp ôn được gì. Đề thi những năm gần đây sát với chương trình lớp 12, năm nay có phần giảm tải do dịch Covid-19. Cho nên HS cần nắm chắc nội dung ôn tập, bám sát đề thi minh họa 2022 của Bộ GD-ĐT.

Việc sử dụng tài liệu tham khảo cũng phải cân nhắc. Nên lựa chọn tài liệu sát với trọng tâm ôn tập, theo gợi ý của giáo viên. Tham khảo thêm đề thi trên mạng là điều tốt nhưng tránh ôm đồm kiến thức, vì dễ rơi vào trạng thái quá tải. Cẩn thận với các dạng đề thi “tiên đoán” để tránh ôn bài lệch hướng, chủ quan.

Hạn chế tham gia các hoạt động thể thao quá sức; tránh lạm dụng trà, cà phê, chơi game quá nhiều. Tham gia các trang mạng xã hội với mức độ vừa phải.

Quan trọng nhất là khi thấy bão hòa kiến thức phải biết nghỉ ngơi. Nếu cứ học ép học dồn, khi vào phòng thi, đã có nhiều học sinh không còn nhớ gì cả.

Trần Nhân Trung

Theo Trang Hiếu/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)