Ở tuổi 26, Đặng Thị Thảo My cùng lúc sở hữu hai bằng cử nhân và một bằng thạc sĩ loại xuất sắc trong những chuyên ngành vốn là thế mạnh của các bạn nam. Đặc biệt, cô gái này vừa giành danh hiệu thủ khoa cử nhân CNTT trong chương trình liên kết giữa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (KHTN) TP.HCM với ĐH Công nghệ Auckland – AUT (New Zealand).
Đặng Thị Thảo My (thứ 2 từ trái qua) nhận bằng tốt nghiệp cử nhân CNTT của ĐH AUT |
Năm 2013, Thảo My tốt nghiệp cử nhân tài năng ngành vật lý tại Trường ĐH KHTN TP.HCM. Với số điểm tích lũy đứng đầu lớp chuyên ngành, bạn tiếp tục được tuyển thẳng vào chương trình cao học chuyên ngành vật lý năng lượng cao của trường. Cùng năm, cô gái trẻ này còn muốn thử sức theo đuổi đam mê trong chương trình liên kết ngành CNTT giữa Trường ĐH KHTN TP.HCM và ĐH AUT. Tháng 10-2017, Thảo My tốt nghiệp cao học với số điểm tích lũy và luận văn đứng đầu lớp, đồng thời giành được danh hiệu thủ khoa ngành CNTT. Đây là nữ thủ khoa đầu tiên và là thủ khoa có điểm tích lũy trung bình (GPA) cao nhất trong tất cả các chương trình liên kết của ĐH AUT ở nước ngoài.
Hứng thú với CNTT ngay từ khi còn là học sinh phổ thông, Thảo My còn xác định rất rõ CNTT sẽ là một kỹ năng thiết yếu trong thời buổi hiện đại. Đó là lý do khiến Thảo My quyết tâm theo đuổi tấm bằng cử nhân CNTT dù thời điểm đó bạn đang học thạc sĩ ngành vật lý năng lượng cao. Khi được hỏi tại sao là nữ nhưng lại chọn học ngành thường vốn dành cho nam giới, Thảo My vui vẻ chia sẻ: “Theo tôi, giới tính không quyết định được việc một người có giỏi trong lĩnh vực CNTT hay không, miễn mình có đam mê là được. Thực tế có rất nhiều bạn nữ làm rất tốt trong ngành này. Tôi tin rằng trong tương lai sẽ có nhiều bạn nữ theo đuổi nó”.
Thảo My không hề kém cạnh các bạn nam cả về kết quả học tập lẫn tầm nhìn xa. Bạn từng có ý định đi du học để mở rộng kiến thức về CNTT nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép. Thay vì bỏ cuộc, Thảo My chọn theo học chương trình liên kết CNTT của Trường ĐH KHTN TP.HCM và ĐH AUT nhằm hiện thực hóa giấc mơ du học ngay tại quê nhà. Bạn cho biết: “Mặc dù học tại Việt Nam nhưng chương trình học của chúng tôi giống với chương trình của các bạn sinh viên New Zealand. Chúng tôi được học toàn bộ bằng tiếng Anh với cả giáo viên Việt Nam và giáo viên New Zealand, bằng cấp cũng do ĐH AUT trao và được công nhận quốc tế. Vừa tiết kiệm chi phí, vừa được ở cạnh gia đình, mà còn được học tập như đang du học tại New Zealand. Đây là lựa chọn không thể tốt hơn đối với tôi vào thời điểm đó”.
Để vừa hoàn thành luận văn thạc sĩ chuyên ngành vật lý năng lượng cao, vừa nỗ lực theo đuổi đam mê CNTT không phải là bài toán dễ, Thảo My cho biết bí quyết học tập của mình đó là hiểu được khả năng của bản thân và lên một kế hoạch học tập phù hợp. Bạn chia sẻ: “Với những deadline mà thầy cô đưa ra, tôi sẽ lên lịch hoàn thành trước đó chứ không bao giờ để sát ngày mới thực hiện. Còn nếu trong tuần không có buổi nào trống để làm bài thì mỗi ngày tôi chịu khó dậy sớm hơn 30 phút, hoàn thành từng phần nhỏ của bài tập đó, chỉ vài ngày là làm xong”.
Chương trình cử nhân CNTT AUT liên kết với Trường ĐH KHTN TP.HCM nằm trong kế hoạch tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia Việt Nam – New Zealand. ĐH AUT là trường có tốc độ phát triển nhanh nhất ở New Zealand, đồng thời ngôi trường này cũng nằm trong top 3% các trường tốt nhất thế giới (theo xếp hạng của QS). AUT có thế mạnh đào tạo về khoa học máy tính và CNTT, khi tham gia chương trình này sinh viên có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của New Zealand cùng những kiến thức CNTT được cập nhật liên tục… |
Một trong những động lực giúp Thảo My vượt qua rất nhiều giai đoạn khó khăn trong học tập đó là gặp được những người thầy thật sự truyền cảm hứng. Bạn kể: “Thích nhất là những tiết học của các thầy cô New Zealand. Những bài học của thầy cô luôn rất thực tiễn, nội dung bài học được biến chuyển linh hoạt theo những ý tưởng phát biểu của các bạn trong lớp. Đặc biệt dù ý tưởng của bạn có “điên rồ” đến đâu, thầy cô cũng luôn lắng nghe và hướng dẫn các bạn thực hiện ý tưởng đó”.
Thảo My dự định trong tương lai sẽ học lên cao nữa ở nước ngoài và thực hiện ước mơ trở thành giảng viên, truyền cảm hứng cho thế hệ sau như những gì thầy cô của mình đã từng làm.
Ngọc Thanh
Bình luận (0)