Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Bị” luyện chữ đẹp, trẻ sợ đi học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Những mẩu quảng cáo “luyện viết chữ đẹp chỉ với 10 buổi học” xuất hiện nhan nhản khiến nhiều trẻ nhỏ viết chưa vững đã bị cha mẹ bắt đi luyện chữ.

Chưa thấy “nét chữ – nết người” ở đâu, chỉ thấy hậu quả nhãn tiền là trẻ bị căng thẳng, ngủ mơ, đi tiểu lắt nhắt, đau bụng và nguy hiểm hơn là trẻ trở nên khiếp sợ chuyện đi học.
“Khép chân lại, ngẩng đầu lên!”
7g tối 14/6, trước một trung tâm (TT) luyện viết chữ đẹp trên đường Trường Sơn, Q.10, TPHCM, nhiều phụ huynh (PH) đứng chờ để đón con về. Đến ca thứ hai, chúng tôi xin được vào học thử xem thế nào, rồi sẽ đăng ký cho hai cháu bốn tuổi và sáu tuổi theo học. Một cô giáo khoảng 30 tuổi e ngại: “Không thể học thử vì lớp quá đông, chẳng còn chỗ ngồi”. Quả thật, phòng học chật kín với 23 học trò, trong đó có nhiều bé trai độ 9-10 tuổi.
Dù ngoài bảng hiệu trung tâm có ghi “chỉ nhận học sinh lớp 2” nhưng khi biết chúng tôi muốn xin cho đứa cháu bốn tuổi chưa biết chữ được vào “lớp đặc biệt cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1”, cô giáo vẫn nhận lời: “Mỗi lớp như vậy kéo dài ba tháng, học phí một triệu đồng, nhưng tạm thời hết lớp, muốn học phải chờ khóa sau”. Chúng tôi tiếp tục xin cho đứa cháu sáu tuổi sắp vào lớp 1 rất tinh nghịch, không chịu học chữ được vào TT “rèn giũa”, cô giáo trấn an: “Yên tâm, vào đây là sẽ được hết nhưng hiện chỉ còn hai lớp buổi chiều lúc 2g. Nếu học lớp 1 lên lớp 2 phải học hai khóa, mỗi khóa 10 buổi, còn học lớp 2 trở lên thì học một khóa. Mỗi khóa 550 ngàn đồng, đã bao gồm dụng cụ học tập, mỗi tuần học hai buổi, mỗi buổi 90 phút”.
Sáng 15/6, tại TT luyện viết chữ đẹp đặt ở Trường tiểu học Trần Hưng Đạo đang có  khoảng 20 bé cặm cụi tập viết. Cô giáo còn khá trẻ, thỉnh thoảng gắt gỏng: “Khép chân lại, ngẩng đầu lên!” với những bé ngồi sai tư thế. Cậu bé tròn trịa, trắng trẻo tên Bảo Lâm (7 tuổi) cứ cúi đầu sát xuống bàn nên luôn bị cô nhắc: “Ngẩng đầu lên. Tay cầm bút làm sao?”. Cậu bé viết chữ quá xấu khiến cô không hài lòng. Sau một lúc nói hoài vẫn chưa “thông”, cô giáo mất hết kiên nhẫn: “Thôi ngưng đi”.
Rồi cô bỏ dở trang cậu bé đang viết, lật sang hai trang mới của vở luyện chữ đẹp cho cậu bé tập viết nét khác. Rồi sang chỗ vài em khác, cô cằn nhằn: “Sao chỉ một đằng, làm một nẻo? Nét này phải hai ô rưỡi, chứ đâu phải hai ô, viết sai rồi”. Quay qua bé khác, cô lại la: “Tay cầm bút đâu phải như vậy. Sai rồi”.
Học sinh cặm cụi nắn nót luyện chữ trong lời nhắc nhở “khép chân, ngẩng đầu”.
Thấy các bé không tập trung viết, cô “mời” tôi ra ngoài: “Học trò em không chú ý viết khi thấy có người lạ, mời chị ra ngoài, khi hết giờ chị có thể vào”. Tôi ra ngồi đợi ở băng ghế đá cách phòng học hơn 5m vẫn nghe văng vẳng tiếng  cô cao giọng nhắc “Khép chân lại, ngẩng đầu lên”…
Luyện chữ sớm đã làm trẻ… phát bệnh
Phong trào “luyện viết chữ đẹp” đã xuất hiện khoảng vài năm nay và đang ngày càng phổ biến. Nhiều PH tự hào “khoe” con viết chữ đẹp, không ngờ việc luyện chữ sớm đã làm trẻ… phát bệnh.
Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng II TPHCM vừa tiếp nhận bé trai sáu tuổi N.M.T. mắc bệnh sợ đi học vì căng thẳng khi viết chữ. Theo lời kể của gia đình, bé T. được luyện chữ từ hơn một năm trước. Buổi tối, bé được đưa đến các TT, ban ngày thì gia đình thuê một sinh viên về nhà luyện chữ cho bé. Sau một thời gian, nét chữ bé viết vẫn không đẹp, cứ nguệch ngoạc nên hay bị đánh. Vì thế, lúc nào bé cũng căng thẳng, toát mồ hôi và rất sợ đi học vì ám ảnh luyện chữ đẹp.
Bệnh viện này cũng đã điều trị tâm lý cho một bé gái đang học lớp 4, vì mãi lo nắn nót chữ đẹp nên không viết kịp các bạn cùng lớp. Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đây vì cháu rèn chữ đẹp nên giờ luôn tỉ mỉ với từng chữ, từng ô ly vở. Do đó, cháu viết chính tả luôn thấp điểm, vì bị… mất dấu dù chữ rất đẹp. Đến giờ học chính tả, cháu lại toát mồ hôi hay ngủ mớ vào ban đêm.
Ông Lê  Ngọc Điệp – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Ngành GD-ĐT không yêu cầu tất cả HS phải viết chữ đẹp mà chỉ yêu cầu các em viết đúng chính tả. Tôi đã nhắc nhở nhiều lần với các giáo viên, trẻ em viết chữ xấu là bình thường. Ngay cả giáo viên không phải ai cũng viết được chữ đẹp, nên yêu cầu hay bắt buộc trẻ phải viết đẹp là không đúng. Người thầy đánh HS vì viết chữ xấu là phản sư phạm”.
Cũng theo ông Điệp, hiện nhiều trường học quan niệm phong trào “vở sạch chữ đẹp” là chữ phải đẹp là cách hiểu sai, vì ngành vẫn đề cao tính chính xác chứ không phải tính thẩm mỹ, không đòi hỏi chữ các em phải như “rồng bay phượng múa”. Ông Điệp cảnh báo: “PHHS không nên ép con đi học luyện chữ đẹp, sẽ gây căng thẳng không cần thiết cho trẻ. Có thể các em không có khả năng viết đẹp nhưng lại có một năng khiếu nào khác, nhưng rồi năng khiếu tiềm năng đó sẽ bị thui chột vì bị “ép” luyện chữ đẹp”.
Việc rèn chữ đẹp không có gì là sai nhưng rèn như thế nào cho phù hợp và khoa học? Tư vấn viên Xuân Điệp khuyên: Với những trẻ chưa vào lớp 1, PHHS nên cho trẻ vừa học vừa chơi chữ, nhận biết con chữ, con vật bằng những dụng cụ hoạt hình. Nếu muốn rèn chữ viết cho trẻ, phải dựa trên khả năng và sự thích thú của trẻ chứ không được gượng ép.
Ông Ngô Xuân Điệp – tư vấn viên Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng II TPHCM, cho biết năm nào cũng có trẻ nhập viện điều trị tâm lý vì bị ép rèn chữ đẹp. Việc rèn chữ chỉ nên dành cho những trẻ trên 8 tuổi, vì lúc này bộ não trẻ mới phát triển phù hợp với các hình thức vận động tỉ mỉ. Với trẻ dưới 6 tuổi, hệ thống cơ xương khớp ở tay chưa phát triển thành thục nên việc luyện con chữ nhuần nhuyễn theo các ô ly rất khó thực hiện.
Đó là chưa kể hiện nay, nhiều cơ sở dạy cách viết chữ đẹp còn đặt thêm tiêu chuẩn luyện nét thanh, nét đậm và nhận rèn chữ cho cả những trẻ chưa bao giờ học chữ… Điều này là rất nguy hiểm. Ở lứa tuổi này, não bộ của trẻ chỉ mới phát triển phù hợp với vận động thô, năng lượng tập trung cho phát triển thể lực, nên trẻ thích chạy lung tung, khám phá môi trường xung quanh hơn là tập trung học tập.
Mặt khác, nếu bắt trẻ nhỏ tập trung quá sớm, quá lâu vào việc rèn chữ, trẻ rất dễ bị cận thị do mắt bị ức chế cao độ.
Tất cả những nguyên nhân này sẽ khiến việc học của trẻ không có động cơ, hứng thú, lâu ngày trẻ rất sợ đi học. Trẻ thường biểu hiện căng thẳng, toát mồ hôi khi viết chữ, đi tiểu lắt nhắt, đau bụng và ngủ mơ.
Theo Hồng Liên – Văn Thanh
Phụ nữ TPHCM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)