Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Bí mật chiến thuật giành thị trường của Apple với siêu phẩm phần cứng tiếp theo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Apple dự kiến ra mắt siêu phẩm phần cứng tiếp theo của mình trong tháng 6 tới đây.
“Nhà Táo” chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn bán 1 triệu thiết bị trong 12 tháng đầu tiên, tương đương doanh thu 3 tỷ USD (3.000 USD/chiếc), con số rất nhỏ so với tổng doanh thu 400 tỷ USD của công ty trong năm ngoái, cũng như thấp hơn nhiều so với doanh số iPhone và Apple Watch trong năm đầu tiên ra mắt. Nhưng điều này không đồng nghĩa gã khổng lồ iPhone sẽ bỏ ngỏ thị trường VR non trẻ.
Mục tiêu khiêm tốn che giấu tham vọng lớn
Apple có lịch sử lâu dài về việc bắt đầu chậm chạp khi tham gia vào các danh mục sản phẩm mới, trước khi nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vài năm sau đó.
FT cho biết, mặc dù đặt mục tiêu doanh số khiêm tốn, nhưng Apple đang chuẩn bị một chiến dịch tiếp thị chớp nhoáng cho sản phẩm mới.
Apple có doanh số iPhone khoảng 200 triệu chiếc mỗi năm và bán được 50 triệu Watch vào năm ngoái. Doanh số 1 triệu thiết bị đeo sẽ tương đương 10% thị trường VR. Theo ước tính của CCS Insight, năm ngoái toàn cầu chỉ tiêu thụ dưới 10 triệu thiết bị đeo thực tế hỗn hợp.
“Từ trước đến nay, thị trường đã đánh giá thấp tác động dài hạn của việc Apple ra mắt sản phẩm/dịch vụ mới”, các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho hay.
Amit Daryanani, nhà phân tích tại Everscore ISI, cho biết Apple thường sử dụng sản phẩm thế hệ đầu tiên để thu hút sự quan tâm của những người dùng trung thành, đồng thời đóng vai trò là chất xúc tác cho cộng đồng nhà phát triển rộng lớn của mình.
“Apple cho phép các nhà phát triển ứng dụng hiểu được cách mọi người đang sử dụng sản phẩm, từ đó họ có thể xác định những cơ hội hấp dẫn nhất”, chuyên gia này nhận định.
Năm ngoái, CEO Tim Cook cho biết, Apple có 34 triệu nhà phát triển đăng ký xây dựng ứng dụng cho các thiết bị của mình. Điều này giúp Apple có thể thực hiện cách tiếp cận “xây ứng dụng, có người dùng”, tạo tiền đề cho những lần ra mắt thành công liên tiếp nhanh chóng về sau.
“Chúng tôi nhận thấy iPhone phát triển mạnh khi có cộng đồng nhà phát triển lớn mạnh và người tiêu dùng trải nghiệm sức mạnh của ứng dụng”, Hanish Bhatia, Phó Giám đốc công ty nghiên cứu Counterpoint nói. “Do đó, chúng tôi tin rằng thiết bị mới của Apple cũng sẽ có mô hình tăng trưởng gậy hockey (thuật ngữ kinh tế chỉ sự tăng trưởng mạnh sau thời gian đi ngang)”.
Di sản “đầu tiên” của Tim Cook
Nếu được ra mắt vào tháng 6 tới đây, thiết bị đeo thực tế hỗn hợp của Apple sẽ là sản phẩm đầu tiên ra đời dưới sự chèo lái trực tiếp của CEO Tim Cook.
Sự thành công hay thất bại của thiết bị đeo lần này có ý nghĩa lớn với danh tiếng và khả năng duy trì sáng tạo của Tim Cook trên cương vị lãnh đạo công ty có vốn hoá ngàn tỷ USD. 
Các thiết bị đã làm nên tên tuổi của Apple như iPhone, iPad hay Watch đều là ý tưởng dưới thời nhà đồng sáng lập Steve Jobs, người đã qua đời vào năm 2011.
Apple đã dành tới 7 năm, gấp đôi thời gian so với iPhone để phát triển mẫu thiết bị đeo thực tế ảo tăng cường, thế hệ sản phẩm phần cứng tiếp theo được kỳ vọng sánh ngang với mẫu smartphone tạo nên thương hiệu của công ty.
Mức tăng trưởng của Apple dưới sự lãnh đạo của Tim Cook là không cần bàn cãi. Công ty đạt vốn hoá từ 350 tỷ USD vào năm 2011 lên khoảng 2,4 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, ngay cả bộ đôi sản phẩm Apple Watch và AirPods đều không giúp công ty tránh khỏi mang tiếng ỷ lại vào những “ý tưởng cũ” mà không có đột phá thực sự.
Nguồn tin nội bộ của FT cho biết, thời điểm ra mắt cũng là một vấn đề tranh cãi kể từ khi dự án được bắt đầu vào đầu năm 2016.
Nhóm điều hành của “Nhà Táo” ban đầu muốn đưa ra một sản phẩm đeo giống như kính bảo hộ trượt tuyết cho phép người dùng xem video 3D, tương tác hoặc trò truyện với hình đại diện (avatar) trên ứng dụng Facetime được làm mới.
Song nhóm thiết kế công nghiệp lại đề xuất trì hoãn cho đến khi phiên bản kính AR nhẹ hơn trở nên khả thi về mặt kỹ thuật, điều phần lớn chuyên gia trong ngành dự báo sẽ mất thêm vài năm nữa.
CEO Tim Cook đã đứng về phía Giám đốc điều hành Jeff Williams khi quyết định ra mắt sản phẩm ngay trong năm nay, thay vì chờ đợi công nghệ bắt kịp tầm nhìn của họ.
Cách đây vài năm, đi ngược lại mong muốn của đội ngũ thiết kế “toàn năng” của Apple là điều không tưởng. Tuy nhiên, kể từ sau sự ra đi của nhà lãnh đạo thiết kế kỳ cựu Jony Ive vào năm 2019, cấu trúc của Apple đã được cải tổ khi bộ phận thiết kế phải báo cáo trực tiếp với Williams.
Vai trò giám đốc thiết kế trước đây của Ive được san sẻ giữa Evans Hankey phụ trách phần cứng và Alan Dye phụ trách phần mềm. Nhưng Hankey thông báo vào tháng 10 năm ngoái về việc rút lui khỏi công ty trong vòng 6 tháng, góp phần làm thay đổi đáng kể nhân sự của bộ phận này.
Một cựu kỹ sư của Apple chia sẻ, các hoạt động nắm quyền kiểm soát nhiều hơn với quá trình phát triển sản phẩm là một “sự phát triển hợp lý” của Apple dưới thời Cook. Người này cho biết, điều tuyệt vời nhất khi làm việc tại “Nhà Táo” là nghiên cứu đáp ứng các giải pháp kỹ thuật cho “yêu cầu điên rồ” của nhóm thiết kế, đã không còn được duy trì trong những năm gần đây.
Thế Vinh (theo vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)