Đà Lạt không chỉ cảnh đẹp thơ mộng mà còn có cả những nơi khiến bạn phải ngỡ ngàng khi đặt chân đến.
Tráng lệ biệt điện Trần Lệ Xuân
Trước đây người Đà Lạt thường gọi khu biệt điện của bà Trần Lệ Xuân (vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu), số 2 Yết Kiêu, Đà Lạt (Lâm Đồng) là “Dinh bà Nhu”. Được xây dựng từ năm 1958, trên ngọn đồi rợp bóng thông xanh rộng khoảng 13.000 m2, gồm 3 ngôi biệt thự kiêu sa với những tên gọi mỹ miều: Lam Ngọc, Bạch Ngọc và Hồng Ngọc.
Du khách tham quan biệt điện Trần Lệ Xuân – Ảnh: Lâm Viên
Trong đó, biệt thự Lam Ngọc là “tâm điểm” của khu biệt điện với những trang thiết bị đắt tiền được nhập khẩu từ Mỹ, Pháp, Ý. Ngoài để nghỉ ngơi, biệt thự Lam Ngọc còn có phòng làm việc, phòng họp, phòng khiêu vũ. Ngôi biệt thự này có căn hầm trú ẩn sâu hơn 2 m, rộng 2 m, dài 3 m, nắp hầm được làm bằng loại thép đạn bắn không thủng. Bên trong hầm trú ẩn vẫn còn một chiếc tủ sắt và một cánh cửa của két sắt có khóa mã. Theo nhiều người dân sống ở gần khu vực này, bà Nhu còn cho xây một đường hầm thoát hiểm từ khu biệt điện thông ra tận sân bay quân sự Cam Ly, dài khoảng 2 km để “thoát" khi có nguy biến!
Các căn phòng trong khu biệt thự đều có hệ thống lò sưởi hiện đại theo kiến trúc Pháp. Mỗi lò thiết kế theo một kiểu dáng khác nhau, không bị trùng lắp, tạo vẻ đẹp hài hòa trong kiến trúc của toàn khu biệt thự. Đặc biệt, trong phòng khiêu vũ biệt thự Lam Ngọc có chiếc lò sưởi rất độc đáo, được dát đồng đỏ từ chân lên đến đỉnh; hệ thống lò sưởi này có thể làm ấm cả căn phòng khi lò được đốt.
Chệch về bên phải, cao hơn một chút là biệt thự Bạch Ngọc, được thiết kế kính xung quanh để ngắm cảnh, đọc sách, đây là nơi giải trí của gia đình bà Nhu. Cách biệt điện Bạch Ngọc khoảng 100 m là biệt thự Hồng Ngọc với đầy đủ tiện nghi và thiết bị hiện đại được bà Nhu xây tặng cho thân phụ là ông Trần Văn Chương. Trong khu biệt điện này có khu vườn Nhật Bản độc đáo, bà Nhu đã thuê các kỹ sư người Nhật qua thiết kế theo phong cách xứ Phù Tang; giữa khu vườn là một hồ nước hình bản đồ Việt Nam. Nhưng “Dinh bà Nhu” nổi tiếng vì có một hồ bơi nước nóng độc nhất vô nhị ở Việt Nam thời đó (trước biệt thự Bạch Ngọc). Nổi tiếng là vậy, nhưng chẳng mấy ai được bước chân vào ngoại trừ các tướng lĩnh thân tín của ông bà cố vấn. Sau ngày đất nước thống nhất, một thời gian dài “Dinh bà Nhu” bỏ hoang phế, cỏ dại mọc um tùm. Chỉ khi được bàn giao cho Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, thì “Dinh bà Nhu” mới được tôn tạo, xây thêm tòa nhà 5 tầng để trở thành Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 (TTLTQG 4) bề thế, khang trang.
Nơi tham quan và nghiên cứu
Nghe cụm từ “lưu trữ quốc gia”, nhiều người nghĩ đây là “vùng cấm”, là địa chỉ khó thâm nhập. Tuy nhiên, thật sự kể từ ngày công bố thành lập TTLTQG 4, nơi đây trở thành điểm tham quan thú vị. Các nhân viên nơi đây giới thiệu một cách khách quan, trung thực và “cởi mở” về khu biệt điện Trần Lệ Xuân – TTLTQG 4 mỗi khi có khách đến thăm. Một điều khá thú vị, khi đến “Dinh bà Nhu”, du khách sẽ được thấy bản gốc Sắc lệnh số 21 của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký ngày 8.9.1945, bổ nhiệm ông Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc đầu tiên. Ông Ngô Đình Nhu là một chuyên viên về lưu trữ từng học ở nước ngoài, sau Cách mạng Tháng Tám, ông được chính quyền cách mạng trọng dụng.
Đặc biệt hơn, tại đây đang lưu giữ và bảo quản gần 35.000 tấm tài liệu mộc bản triều Nguyễn, là di sản tư liệu thế giới; trong đó có những di sản quý báu mà cha ông ta để lại như: Mộc bản khắc Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ, mộc bản khắc sự kiện vua Minh mạng đổi và đặt tên tỉnh Hà Nội năm 1831; 14 tài liệu trong khối mộc bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thử một lần đến “Dinh bà Nhu” để tiếp cận và hiểu rõ về giá trị của những tài liệu lịch sử; được giới thiệu về các hoạt động lưu trữ, nghiên cứu, dịch thuật… của một TTLTQG, bạn sẽ thấy thú vị vô cùng.
Lâm Viên (TNO)
Bình luận (0)