Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bí mật giếng làng Khủm – không chỉ là chuyện làng

Tạp Chí Giáo Dục

Sân khấu IDECAF vừa ra mắt vở Bí mật giếng làng Khủm (tác giả Trung Dân, đạo diễn Thanh Thủy) với một màu sắc "hương xa" nhưng lại đầy tính thời sự.

Làng Khủm chỉ là một địa danh hư cấu, nhưng những vấn đề của nó đã vượt quá tầm cỡ ao làng, khiến người ta phải đau đáu nghĩ suy. Dù vở kịch đã chọn màu sắc hương xa rực rỡ và phong cách biểu diễn hài hước để làm nhòe bớt sự cay đắng trực diện, nhưng có lẽ khán giả vẫn nhận ra nỗi niềm của tác giả gửi gắm vào đó, và hình như đó cũng là nỗi niềm của khán giả.

Bí mật giếng làng Khủm - không chỉ là chuyện làng - Ảnh 1.

Cảnh trong vở Bí mật giếng làng Khủm. Ảnh: H.K

Câu chuyện bắt đầu khi có bọn lái buôn tới làng Khủm đề nghị mua đất sét quý giá tại làng, trong lúc vị "hoàng thướng" (cách gọi trong vở diễn) còn chưa ra quyết định thì nội bộ con cái và chức sắc đã nhao nhao phân hóa. Hai vị "hoàng thái tứ" (cách gọi trong vở diễn) mê vật chất, hám tiền, đã cho đào lấy tài nguyên bán ngay. Họ và vợ con còn chấp nhận giao dịch buôn bán những thứ kỳ dị như móng vuốt mèo, lưỡi chó. Ngay cả việc bọn lái buôn cho binh lính trà trộn vào các công trình đào đất để chuẩn bị lực lượng xâm chiếm làng Khủm, cũng làm người ta giật mình. Và hoàng tộc làng Khủm đã độc quyền chiếm lấy giếng nước quý giá trong làng, dân nghèo bắt buộc phải mua từng ngụm nước với giá cắt cổ. Tiếng rên xiết liệu có tới tai "hoàng thướng"?

May sao, đó vẫn là một vị lãnh đạo có tâm, và bên cạnh ông vẫn còn những vị tướng tài đức. Họ cùng nhau lật đổ âm mưu của bọn lái buôn ngoại bang, giữ vững quê hương, cứu dân thoát khổ. Chính người dân cũng ý thức được tình hình và biết đoàn kết bảo vệ mình, bảo vệ xứ sở, chứ họ không hề thụ động.

Vở diễn đã được hỗ trợ rất mạnh về âm nhạc, trang phục, cảnh trí, đặc biệt trang phục được nhà thiết kế Ngọc Tuấn thực hiện rất đẹp. Những nghệ sĩ quen thuộc như Trung Dân (vai lái buôn ngoại bang), Thanh Thủy (vai phiên dịch), Nguyễn Sơn ("hoàng thướng"), Quốc Thịnh ("hoàng thái tứ" anh cả), Quang Thảo ("hoàng thái tứ" anh hai), Bảo Trí (quan Thái sinh sự)… đều diễn rất hoạt náo như họ từng sở trường. 17 năm rời xa IDECAF, nay Trung Dân và Thanh Thủy trở lại vẫn phong độ như xưa. Trung Dân từng có những vở ấn tượng tại IDECAF như Tiếng vạc sành, Chuyện làng Ung, đều là những nỗi niềm xã hội được gửi gắm vào. Nay anh vẫn trung thành với dạng kịch ấy, đều góp một tiếng nói cảnh tỉnh và nhiệt tâm.

Theo Hoàng Kim/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)