Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Bí mật” thật sự của giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, nhiều giáo viên (GV) than phiền rằng: Đa phần học sinh (HS) giờ không còn ngoan như trước đây, ít tôn trọng thầy cô hơn, không ham học cũng không chịu khó học. Các em chỉ lo chơi và khi GV nhắc nhở thì phản ứng lại vì có cha mẹ đứng ra… che chở. Rất nhiều GV đã cho rằng thành tích đi xuống của HS là lỗi ở các em chứ không phải ở… thầy cô. Tôi phải công nhận điều này ngay vì hiện trạng của số nhiều HS như than phiền là đúng. Tôi cũng cảm nhận được áp lực và suy nghĩ của mỗi GV khi đứng lớp trong trạng thái khó chịu với những HS như vậy trong lớp mình dạy. Nhưng tôi phản bác lại nhận định của GV: “Kết quả học tập thấp là do HS ham chơi không chịu học”. Nếu GV chỉ dạy lớp toàn HS ngoan hiền, ham học thì thật vui, thật khỏe nhưng chưa chắc đã thú vị, mà trên thực tế cũng chẳng có mấy lớp học toàn những em ngoan hiền, học giỏi. Một lớp học có 30 hay 40 và có thể 50 HS thì sẽ có chừng ấy tính cách khác nhau. Sự khác biệt trong tính cách và khả năng hấp thụ chương trình giáo dục là hoàn toàn khác nhau. Vậy, nhiệm vụ cao cả của người thầy là đảm bảo mọi HS đều có thể phát triển theo thiên hướng cá nhân mà vẫn đảm bảo những yếu tố kiến thức, kỹ năng nền tảng đồng thời tôn trọng, đối xử công bằng với tất cả HS bao gồm HS có tính tình mềm mại và hiếu động.

John Locke từng nói trong Vài suy nghĩ về giáo dục là: “Người nào tìm được phương pháp làm cho đứa trẻ giữ được tính dễ dãi, linh hoạt, phóng khoáng và cùng một lúc tránh được những ham muốn  có thể đem lại cho nó những tình huống khó khăn, người đó đã biết cách hòa hợp các điều trái ngược nhau và đã tìm được bí mật thật sự của giáo dục (đoạn 46)”. Hiện nay HS có nhiều công cụ để học tập và tiếp nhận kiến thức cũng như có nhiều lựa chọn vui chơi, các em sao nhãng nhiệm vụ học tập cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề đặt ra cho người thầy không phải là than phiền về HS như thế này hay thế kia, mà tìm giải pháp phù hợp để dung hòa các yếu tố tác động lên các em nhằm đạt kết quả giáo dục. Trong khi các em thích chơi hơn thích học vì chưa hiểu hết được giá trị của việc học, còn GV thì cứ ép các em phải học cái này, làm bài tập kia nếu không sẽ bị phạt… Mâu thuẫn ở chỗ trò thích chơi còn thầy thì bắt từ bỏ chơi để học. “Ai mà không chán ghét những trò chơi mà mình không ưa nhưng cứ bị bắt phải làm?” (John Locke – Vài suy nghĩ về giáo dục).

Nếu GV bất lực trong việc tìm ra phương pháp sẽ dẫn tới xung đột giữa thầy và trò. John Locke chỉ hướng cho người làm giáo dục rằng: Thay vì xem việc học là nhiệm vụ thì biến nó thành một trò chơi, một thú tiêu khiển, và có thể làm cho trẻ thích học hơn. Đồng thời, tìm hiểu từng tính tình cá nhân HS để gieo vào đầu óc các em những ý tưởng hầu làm cho các em tự thích việc học. Sự khéo léo và nghệ thuật của người thầy là loại bỏ mọi ý tưởng về những đam mê các trò chơi ảnh hưởng tới lứa tuổi, hãy chỉ cho trẻ mối lợi của việc học, được học là một đặc ân thì khi đó người thầy mới dễ dàng dạy cho trẻ được. Cái tài khéo léo lớn nhất của người thầy là biết gây nên và giữ sự chú ý của HS, với sự chú ý ấy thì người thầy giúp các em hấp thụ kiến thức, kỹ năng nhanh chóng.

Nguyễn Minh Thanh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)