Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Bí mật về con tàu 4.600 năm tuổi của Pharaoh nổi tiếng Ai Cập

Tạp Chí Giáo Dục

Tại một bảo tàng ở Ai Cập hiện đang trưng bày con tàu dài gần 44 m có niên đại 4.600 năm. Đây là một trong những con tàu cổ xưa nhất thế giới từng thuộc về Pharaoh Khufu.
Năm 1954, một nhà khảo cổ học Ai Cập đã phát hiện ra con tàu khổng lồ, được làm hoàn toàn thủ công bị chôn vùi bên cạnh Đại kim tự tháp Khufu. Chiếc tàu đặc biệt này thuộc về hoàng gia, là một trong những chiếc tàu cổ nhất trên thế giới. Việc phát hiện ra con tàu này đã giúp chúng ta hiểu hơn về cách đóng tàu của người Ai Cập cổ đại.
Con tàu dài 44 m, rộng gần 6 m này được cho là có niên đại 4.600 năm. Nó được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như tàu Khufu hoặc tàu của pharaoh. Nhận ra kho báu mà mình có trong tay, nhà khảo cổ học Ai Cập Kamal el Mallakh đã mất 20 tháng để khai quật được 1.224 mảnh rời rạc của con thuyền. Sau đó, Hag Ahmed Youssef Moustafa, một nhà bảo tồn của tổ chức cổ vật Ai Cập đã cùng một nhóm tái tạo lại con tàu một cách cẩn thận.
Con tàu của vua Khufu, vị pharaoh thứ hai của vương triều thứ 4 của cổ vương quốc Ai Cập.
Những người đóng thuyền ngày nay thường đóng khung một con tàu trước, sau đó thêm ván cho thân tàu. Thuyền Khufu được đóng hoàn toàn khác, lớp vỏ bên ngoài bằng ván được xếp trước, sau đó mới đến lớp gỗ bên trong và khung.
Các thợ thủ công của pharaoh Khufu đã tạo hình cho con tàu từ 30 tấm ván trong đó có những khúc gỗ dài tới gần 24 m. Họ cũng điêu khắc các tấm ván theo hình dạng của thân tàu, chạm khắc chúng theo cách mà chúng có thể "khóa" lại với nhau như những mảnh ghép.
95% gỗ của chiếc tàu của Khufu là gỗ cây tùng, có thể là tuyết tùng của Liban. Ngoài ra tàu còn dùng gỗ cây keo sông Nile và cây tamarisk. Người Ai Cập cổ đại đã nhập khẩu tuyết tùng từ khu vực phía đông Địa Trung Hải từ trước thời của Khufu. Các công nhân của pharaoh đã xẻ những khúc gỗ thô sau đó cắt gọt, mài dũa cẩn thận. Chi tiết của boong tàu thể hiện tay nghề tuyệt vời mà người xưa đã đạt được với các công cụ bằng đồng và đá lửa của họ.
Thuyền Khufu không dùng đinh. Các nhà chế tạo tàu đã kết nối các tấm ván liền kề với các khớp mộng. Họ cũng dùng dây thừng làm từ một loại cỏ gọi là halfa buộc các tấm ván trên thân tàu. Họ không lồng dây xuyên qua các tấm ván trên thân tàu vì sợ rò rỉ. Về bản chất, có thể nói, những người thợ đã "khâu" những mảnh gỗ thành một con tàu hoàn chỉnh.
Trên boong tàu là một ngôi nhà có mái che, không cửa sổ, dài khoảng hơn 9 m. Trong nhiều năm, các nhà khảo cổ luôn đặt câu hỏi: Liệu thi hài của vua Khufu có được đặt ở đây để vận chuyển qua sông Nile để chôn cất trong Đại kim tự tháp không? Có phải pharaoh định tìm nơi trú ẩn ở đây khi du hành ở thế giới bên kia? Mục đích sử dụng của con tàu hiện vẫn chưa được kết luận rõ ràng.
Các thợ thủ công của vua Khufu dường như đã thiết kế nhà boong để dễ tháo rời: Cấu trúc ngôi nhà nhỏ này bao gồm 22 tấm tuyết tùng được đóng khung riêng. Một số học giả đã cho rằng con tàu không bao giờ được vua Khufu sử dụng khi còn sống mà là để được ngài sử dụng ở thế giới bên kia. Trên thực tế, con tàu này và con tàu khác – một chiếc thuyền bị tháo dỡ thứ hai nằm trong một hố đá khác gần đó, chưa được khai quật.
Tượng vua Khufu.
Mỗi chiếc trong số 12 mái chèo của thuyền Khufu được chạm khắc từ một mảnh gỗ. Mười mái chèo gắn phía trước boong tàu. Một cặp mái chèo cuối cùng gắn vào đuôi tàu làm mái chèo lái. Một số chuyên gia cho rằng con tàu có thể chứa manh mối về việc xây dựng các kim tự tháp, điều vẫn gây ra tranh luận giữa các học giả.
Hơn nửa thế kỷ sau khi phát hiện ra con thuyền, các học giả vẫn tranh luận về mục đích của nó. Một số người nói rằng đây là một vật chứa năng lượng mặt trời mà Khufu sẽ sử dụng với tư cách là thần mặt trời Re trong chuyến hành trình hàng ngày trên bầu trời.
Những người khác cho rằng con tàu là một phương tiện vận chuyển thi thể của Khufu trên sông Nile đến nghĩa địa Giza hoặc trong chuyến hành hương cuối cùng ông đến các thánh địa. Giống như nhiều điều khác xung quanh công trình sáng tạo rất tráng lệ này, chức năng của con tàu cho tới nay vẫn là một bí ẩn.
Vĩnh Ngọc (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)