Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bị ngành y tế làm khó, doanh nghiệp chuyển từ sản xuất 4.0 về 0.4

Tạp Chí Giáo Dục

Quy định về bổ sung iôt, sắt, kẽm… trong chế biến thực phẩm đang làm nhiều doanh nghiệp thực phẩm điêu đứng, thậm chí có doanh nghiệp phải chuyển từ sản xuất tự động về sản xuất thủ công chỉ để đáp ứng quy định này.

Bị ngành y tế làm khó, doanh nghiệp chuyển từ sản xuất 4.0 về 0.4 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp nước mắm cho biết việc bổ sung muối iôt vào nước mắm truyền thống đã làm ảnh hưởng đến màu sắc, mùi vị của nước mắm nên việc tiêu thụ gặp khó khăn – Ảnh: Q.ĐỊNH

Thông tin trên được nhiều doanh nghiệp và hiệp hội thực phẩm phản ảnh tại hội thảo "Đánh giá tác động việc bổ sung vi chất dinh dưỡng trong chế biến thực phẩm" do Hiệp hội Thực phẩm TP.HCM (FFI), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), Hội nước mắm Phú Quốc và Hiệp hội Thực phẩm minh bạch tổ chức ngày 25-6.

Thủ công hóa dây chuyền tự động

Phát biểu tại hội thảo, ông Asahira Keita, phó giám đốc khối marketing Công ty CP Acecook VN, cho hay quy định bổ sung sắt, kẽm trong bột mì theo nghị định 09 (có hiệu lực từ đầu năm 2017) đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và ngành chế biến thực phẩm.

Cơ quan chức năng đang quản lý theo kiểu nhà có 3 đứa con, trong đó chỉ 1 đứa viêm họng nhưng bắt cả 3 đứa uống kháng sinh

Ông Nguyễn Hoài Nam (phó tổng thư ký VASEP)

Khi sử dụng bột mì có bổ sung vi chất sắt/kẽm, màu sắc sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn sản phẩm bị xỉn màu hơn so với bột mì thường, các tính chất dai, giòn, trơn bóng cũng bị giảm khiến khách hàng không ưa chuộng sản phẩm. 

"Để làm ra sản phẩm với các tính chất như cũ, chúng tôi phải đầu tư nghiên cứu các công thức khác nhau rất tốn kém" – ông Asahira Keita nói.

Đặc biệt, việc đáp ứng quy định này đã ảnh hưởng lớn đến khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp. Nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng các vi chất mà VN bắt buộc hoặc muốn xuất khẩu vào nước họ phải xin phép, công bố, chứng minh vô cùng rắc rối. Quy định phải ghi trên bao bì là có sắt, kẽm… Khi đó, người tiêu dùng nước ngoài sẽ không mua nữa.

"Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ phải ngưng xuất khẩu vào những thị trường đã đầu tư phát triển nhiều năm qua và nhường lại thị trường cho doanh nghiệp các nước xung quanh vì họ không có quy định như ở VN" – ông Asahira Keita cho hay.

Một giải pháp mà các doanh nghiệp đưa ra là tách hai phần sản xuất là bột mì không bổ sung cho xuất khẩu và dây chuyền có sử dụng bột mì bổ sung vi chất cho thị trường trong nước. 

Nhưng làm như vậy sẽ gây khó khăn, tốn kém, thậm chí đi ngược lại với quá trình đầu tư tự động hóa đã áp dụng trước đây.

Ông Asahira Keita cho biết hoạt động chế biến của doanh nghiệp này, nhất là trong khâu phối trộn bột mì, được thực hiện qua hệ thống Silo tự động thay thế phương thức cấp bột thủ công trước kia. Do chi phí đầu tư cao, nên mỗi nhà máy chỉ đầu tư một hệ thống Silo.

Do hệ thống thiết kế tự động hóa mà phải đưa bột mì bằng thủ công nên tốn nhiều chi phí, thời gian mà hiệu quả lại thấp

Ông Asahira Keita (phó giám đốc khối marketing Công ty CP Acecook VN)

Với việc phải bổ sung các vi chất dinh dưỡng, doanh nghiệp phải dành hệ thống này cho sản xuất mì tiêu thụ nội địa, còn hàng xuất khẩu phải đưa vào thủ công dạng bao vì nước nhập khẩu không chấp nhận sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng mà VN quy định. 

"Do hệ thống thiết kế là tự động hóa mà phải đưa bột mì bằng thủ công nên tốn nhiều chi phí, thời gian mà hiệu quả lại thấp" – ông Asahira Keita cho biết.

Bà Hồ Kim Liên, chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, cho rằng kể từ khi áp dụng chính sách bổ sung vi chất trong thực phẩm, iôt trong chế biến nước mắm là gần 2 năm gian nan của nước mắm truyền thống. Việc thêm iôt trong chế biến thực phẩm ảnh hưởng đến chất lượng, cảm quan của nước mắm truyền thống, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Dù đã kiến nghị nhiều lần, nhưng đến nay cơ quan soạn thảo là Bộ Y tế vẫn chưa thay đổi.

Bộ Y tế kéo dài thời gian sửa đổi?

Cũng theo các doanh nghiệp, thực tế cho thấy một số loại thực phẩm không thể sử dụng muối iôt làm nguyên liệu để chế biến do tạo ra trạng thái cảm quan, màu sắc, mùi vị không bằng so với việc sử dụng muối thường (không bổ sung iôt). 

Do đó, doanh nghiệp gặp rất nhiều bất cập, dẫn đến ách tắc trong quá trình sản xuất, công bố trên nhãn sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.

Ông Lâm Bá Nhĩ, giám đốc quản lý chất lượng Công ty cổ phần VN Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết sau khi đưa muối iôt vào sản phẩm (xúc xích, thịt hộp, sản phẩm đông lạnh…) theo quy định, doanh nghiệp đã thử nghiệm lại với kết quả cho thấy tồn dư iôt trên sản phẩm còn rất ít. 

Điều này có nghĩa khi bỏ iôt vào sản phẩm thì chưa chắc khi đi test iôt vẫn còn trong sản phẩm, cũng không đạt được mục tiêu bổ sung muối iôt như Bộ Y tế mong muốn. 

"Nếu bổ sung không đúng liều lượng cũng không phù hợp với quy định đặt ra" – ông Nhĩ nói.

Điều bức xúc của các doanh nghiệp là trong nghị quyết 19-2018/NQ-CP về các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo ban hành vào tháng 5-2018, Chính phủ đã giao Bộ Y tế "nghiên cứu, sửa đổi bổ sung nghị định 09". 

Theo đó, bãi bỏ quy định "muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iôt" và "bãi bỏ quy định bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm". Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký VASEP, cho rằng nghị quyết 19 ban hành ngày 15-5 vừa qua thực ra là lần cập nhật thứ 4 kể từ năm 2014, vì những quy định gây khó cho ngành thực phẩm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên quy định trách nhiệm của Bộ Y tế. 

"Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế sớm sửa đổi nghị định 09 theo tinh thần nghị quyết 19-2018/ND-CP, không bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải sử dụng muối tăng cường iôt, mà chỉ khuyến khích" – ông Nam nói.

Không thể buộc phải bổ sung muối iôt trong thực phẩm

dn1

Nêm thức ăn bằng muối iôt – Ảnh: N.C.T.

ThS Vũ Thế Thành, chuyên gia về dinh dưỡng, cho rằng thiếu hay thừa iôt đều bất lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, không thể lấy khảo sát của một vùng mà bắt toàn dân dùng muối iôt, bắt tất cả doanh nghiệp thực phẩm phải dùng muối iôt trong thực phẩm.

Thay vào đó, chỉ cần bổ sung iôt ở những khu vực thiếu iôt trong thực phẩm, những người ăn nhiều thực phẩm chứa goitrogens (đậu nành, họ cải…), người không dùng muối iôt, phụ nữ có thai và cho con bú. Trong thực tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không bắt buộc sử dụng muối iôt trong chế biến công nghiệp thực phẩm. Doanh nghiệp nào dùng để chế biến đều phải kê khai trên nhãn mác.

TRẦN MẠNH – TRẦN VŨ NGHI/TTO

 

Bình luận (0)