“Chúng tôi không biết thưa ai và người chứng kiến cũng không dám lên tiếng”, nạn nhân quấy rối tình dục cho biết như vậy tại buổi tham vấn về chương trình can thiệp thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái tại TP.HCM do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức mới đây.
Đại biểu phát biểu tại buổi tham vấn. Ảnh: T.A |
UN Women tại Việt Nam, bà Shoko Ishikawa cho biết chương trình này đã hợp tác với hơn 20 thành phố trên thế giới nhằm giảm thiểu các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng.
Cũng theo bà Shoko Ishikawa, TP.HCM là một thành phố có nguy cơ xảy ra quấy rối tình dục rất cao. Từ thực tế, chương trình này là thỏa thuận hợp tác giữa UN Women và Sở LĐ,TB&XH TP.HCM nhằm tăng cường lồng ghép giới tại nơi công cộng để trở thành thành phố không có quấy rối tình dục và bất kỳ hình thức bạo lực tình dục nào.
Bà Trần Thị Kim Thanh – Trưởng phòng Bình đẳng giới, Sở LĐ,TB&XH TP – cho biết: “Tại KCX Tân Thuận, mặc dù có bảo vệ nhưng nữ công nhân vẫn bị quấy rối tình dục. Từ thực tế của thành phố, chúng tôi sẽ cụ thể hóa các hoạt động đề án phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2020”.
Nguyên nhân tình trạng quấy rối tình dục vẫn xảy ra ở nơi công cộng, theo kết quả tham vấn của dự án là do khoảng trống về luật và chính sách. Bà Thanh cũng kiến nghị chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và dự án chuyên đề về phòng chống bạo lực cần tăng cường cơ chế giải quyết quấy rối tình dục và bất cứ hình thức bạo lực tình dục nào tại nơi công cộng.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều luật sư cho rằng Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007; Luật về tội hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em; Quấy rối tình dục tại nơi làm việc 2015 và Luật Lao động 2015; Luật Bình đẳng giới cần luật tổng thể về quấy rối tình dục tại nơi công cộng, trong đó giải quyết các hình thức quấy rối tình dục khác nhau và với các chế tài xử phạt. Từ đó điều chỉnh Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự theo hướng kết tội tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ, bao gồm bạo lực hẹn hò, bạo lực ở nơi công cộng và quấy rối tình dục.
Một nguyên nhân nữa khiến số nạn nhân bị quấy rối tình dục ngày một tăng là do khoảng trống về hạ tầng công cộng. Cụ thể là tình trạng tối tăm và khu vực hoang vắng; không gian giải trí; số lượng và chất lượng nhà vệ sinh công cộng ở nơi an toàn hạn chế; Luật không rõ ràng cản trở việc giải quyết quấy rối tình dục trên phương tiện giao thông công cộng. Vì vậy, cần sớm cải thiện hệ thống hạ tầng công cộng để đảm bảo an toàn.
Tại đây, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chuẩn mực xã hội và chuẩn mực giới là nguyên nhân sâu xa của tình trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái như: Chuẩn mực xã hội về sự gia trưởng; Đổ lỗi cho nạn nhân; Quấy rối tình dục không được xem là vấn đề nghiêm trọng; Văn hóa im lặng với bạo lực tình dục… Cần thay đổi các chuẩn mực xã hội và nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục.
“Cho dù gia đình đã có đơn bãi nại nhưng trách nhiệm của chính quyền là phải đưa ra pháp luật để răn đe, giáo dục”, luật sư Trần Thảo Quyên – Đoàn luật sư TP.HCM – đề xuất.
T.Anh
Bình luận (0)