Làm thế nào để chọn ngành học phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện gia đình; làm thế nào để tìm được một công việc có mức lương cao khi ra trường… Những thắc mắc của học sinh nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã được các chuyên gia làm rõ trong chương trình tư vấn hướng nghiệp trực tuyến “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022.
TS. Lê Thị Thanh Mai tư vấn trong chương trình
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT), Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF).
Hiểu mình để chọn đúng ngành
TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) chia sẻ, có hai xu hướng tính cách trong lựa chọn ngành nghề, đó là tính cách khối ngành tự nhiên và tính cách khối ngành xã hội.
Với những người thích tìm tòi, khám phá máy móc; thích điều tra, nghiên cứu; thích con số, tính toán; tuân thủ các nguyên tắc, chỉn chu, ngăn nắp; thích làm việc độc lập… được xem là nhóm tính cách khối ngành tự nhiên, phù hợp với các ngành nghề về kỹ thuật, khoa học tự nhiên, điện, nghiên cứu, tài chính… Trái lại, những người yêu thích nghệ thuật, thích tương tác với con người, yêu văn chương, lịch sử, có khả năng làm việc đồng đội, thích hợp tác… lại phù hợp với nhóm tính cách khối ngành xã hội, có thể chọn các ngành nghề thiết kế, kinh doanh, marketing…
Theo TS. Tùng, để xác định được mình phù hợp với nhóm tính cách nào thì các em học sinh phải hiểu, biết bản thân yêu gì, thích gì, có thế mạnh, sở trường ở lĩnh vực gì. Ngoài việc hiểu bản thân, trong câu chuyện lựa chọn ngành nghề, TS. Tùng cũng khuyên các em học sinh cần hướng tới sự trải nghiệm càng nhiều càng tốt, bằng cách tận dụng lợi thế của bản thân, hoàn cảnh xung quanh mình để trải nghiệm. “Các em có thể quan sát những người thân trong gia đình mình với các công việc mà mọi người đang làm. Thậm chí, gia đình đang bán tạp hóa cũng là cơ hội để các em trải nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, quản trị, marketing. Muốn làm giáo viên thì hãy nhìn chính thầy cô mình để hiểu hơn về công việc này, những áp lực cũng như đòi hỏi của công việc để xem mình có phù hợp hay không…”, TS. Tùng nêu ví dụ.
Cùng chung nhìn nhận, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, UEF) cho rằng chọn ngành nghề phù hợp phải xác định rõ giá trị bản thân, có thể tham khảo qua các kênh trắc nghiệm. Tuy nhiên, mọi kênh trắc nghiệm đều phải có sự tham chiếu từ ba mẹ, thầy cô, chuyên gia, hay những người đang làm trong công việc, lĩnh vực mà các em có dự định lựa chọn. Quan trọng là cần có sự trải nghiệm ngay trong cuộc sống hàng ngày. “Khi chọn ngành nghề mà không tìm hiểu tố chất của bản thân soi chiếu vào ngành nghề thì khả năng thành công không cao, chưa kể có thể sẽ phải bỏ học giữa chừng, chuyển ngành học… Mỗi ngành nghề đều cần đến những tố chất cốt lõi khác nhau, nếu không có tố chất đó thì khó có thể theo đuổi được”, ThS. Nguyên nói.
TS. Nguyễn Thanh Tùng trao đổi với học sinh tại chương trình
Bên cạnh đó, ThS. Nguyên cũng chỉ ra khi chọn ngành nghề, người học cần tìm hiểu kỹ nhu cầu về nguồn nhân lực trong tầm nhìn từ 5-10 năm tới, đánh giá lĩnh vực ngành nghề, khả năng phát triển ngành nghề. “Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự lên ngôi của công nghệ thông tin, chắc chắn sẽ có nhiều ngành nghề mới sinh ra và nhiều ngành nghề mất đi, dịch chuyển. Khi nhìn xa về ngành nghề, các em sẽ có sự chuẩn bị, chủ động để có thể thích ứng với đòi hỏi của nguồn nhân lực”, ThS. Nguyên cho biết.
Nguyên tắc đúng khi chọn ngành nghề
Câu chuyện chọn sai ngành nghề không phải là mới nhưng lại luôn là “câu chuyện nóng” trong mỗi chương trình tư vấn hướng nghiệp. ThS. Phạm Doãn Nguyên cho rằng khi chọn ngành nghề sao cho phù hợp với năng lực, người học cần nắm được nguyên tắc chọn, tuân thủ theo đúng thứ tự: Chọn nghề – chọn ngành học – chọn bậc học – chọn trường học – chọn tổ hợp môn xét tuyển, phương thức xét tuyển. “Tuân thủ đúng nguyên tắc sẽ giúp các em học sinh chọn được môi trường học tập phù hợp với khả năng bản thân, điều kiện gia đình, chọn được phương thức xét tuyển để tăng khả năng trúng tuyển. Đặc biệt là không ảo tưởng khi chọn ngành nghề là ra trường có việc làm ngay, bởi phụ thuộc vào giá trị năng lực của bản thân khi học”, ThS. Nguyên lưu ý.
“Chúng ta không thể bắt cá leo cây được”, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (đại diện HUTECH) chia sẻ. Chuyên gia này cho rằng mỗi ngành học đều có nhiều cơ hội việc làm, ở những mảng chuyên sâu khác nhau, tuy nhiên lại phụ thuộc vào bản thân người học có đáp ứng được hay không. Đơn cử như ngành tâm lý học hiện nay đang rất được quan tâm. Tâm lý học nghiên cứu thế giới nội tâm của con người, với rất nhiều vị trí việc làm như tư vấn tâm lý, giáo viên tư vấn học đường… Song, để theo học thì các em phải xem bản thân mình có tố chất trao đổi, kết nối, có thể tâm sự, tư vấn hay không. “Câu hỏi ra trường có việc làm hay không phụ thuộc vào năng lực và giá trị hành nghề của mỗi người”, ThS. Luyện nhấn mạnh.
TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) khẳng định, tùy bản thân người học yêu thích trong lĩnh vực nào thì chọn môi trường học phù hợp. Lương cao hay thấp phụ thuộc vào năng lực của chính người học. Theo đó, TS. Mai gợi ý, có nhiều nhóm ngành nghề có sự giao thoa với nhau. Khi chọn ngành học, người học có thể tham khảo để tăng khả năng trúng tuyển trong lĩnh vực mình yêu thích.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)