TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, giải đáp các thắc mắc cho thầy cô và HS Trường THPT Trưng Vương
|
Năm 2015, học sinh (HS) lớp 12 sẽ trải qua kỳ thi THPT quốc gia với nhiều thay đổi so với kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ những năm trước. Vì thế mối quan tâm hàng đầu của HS là sau khi có điểm thi THPT quốc gia thì nộp hồ sơ đăng ký vào các trường ĐH, CĐ thế nào dễ trúng tuyển nhất?
Đây cũng là sự quan tâm của các em HS Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” vừa tổ chức tại trường này.
Tận dụng triệt để nguyện vọng “con”
Tại chương trình, không chỉ HS mà cả thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô chủ nhiệm cũng chăm chú nghe chuyên gia tư vấn thông tin về những quy định mới trong dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015. Trong đó nhiều thầy cô giáo lấy giấy bút ghi lại những nội dung mà mình còn băn khoăn. Ngoài những điều chưa hiểu về cụm thi, cấu trúc đề thi…, các em HS còn băn khoăn về việc đăng ký xét tuyển như thế nào để có cơ hội cao vào trường ĐH, CĐ. Em Nguyễn Quỳnh Như (học lớp 12A2) hỏi: “Em dự định đăng ký khối D6 (tiếng Nhật) của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Vậy em có thể đăng ký thêm ngành khác của trường này không?”.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, phân tích: “Sau khi có kết quả, HS thi ở cụm thi nào thì cụm thi đó in cho mỗi em 4 giấy chứng nhận kết quả. Các em đã nghe thông tin mỗi thí sinh có 4 nguyện vọng (NV) “mẹ” và 16 NV “con” nhưng thật ra mỗi thí sinh chỉ có 1 NV “mẹ” và 4 NV “con”. Bởi mỗi thí sinh nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi khác nhau bằng mã vạch, số phiếu để nhận diện từng thí sinh, từng đợt thi. Theo quy định, với 4 giấy chứng nhận này Bộ GD-ĐT sẽ công bố những khoảng thời gian đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Ví dụ, đợt 1 các trường công bố xét tuyển thì tất cả HS có phiếu đăng ký NV đều phải nộp, mỗi em chỉ được nộp 1 phiếu số 1 chứ không thể nộp 2-3 phiếu vào các trường. Như vậy, thực chất mỗi em chỉ có 1 NV vào 1 trường và mỗi trường như vậy các em có 4 NV “con” tùy theo môn thi đã đăng ký trước”. Đối với trường hợp của Quỳnh Như, TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Ngoài đăng ký vào ngành tiếng Nhật ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, em vẫn còn 3 ô trống còn lại để đăng ký vào các ngành khác cùng trường. Vì vậy em nên tận dụng triệt để chứ đừng để trống”.
Đồng tình với ý kiến này, ThS. Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác HS-SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng: “Mỗi phiếu điểm có 4 NV là Bộ GD-ĐT muốn tạo nhiều cơ hội cho thí sinh. Vì vậy các em nên tìm hiểu kỹ từng trường, đừng nên bỏ trống 3 NV còn lại mà trong từng đợt nên tận dụng tối đa NV cho phép. Ngoài ra các trường ĐH đều có đề án tuyển sinh riêng, các em nên vào website của từng trường để tìm hiểu thêm”.
Trong khi đó, ThS. Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt, lưu ý: “Với các môn tự chọn, các em không nên quá ôm đồm mà thấy mình có thế mạnh môn nào thì đăng ký thi môn đó để tránh học quá nhiều dẫn đến đuối sức, kết quả không như mong muốn…”.
Mơ hồ về tỷ lệ “chọi”
Tại buổi tư vấn, nhiều em HS đã lo xa khi không chỉ thắc mắc về cách thức đăng ký NV mà còn quan tâm đến tỷ lệ “chọi” để có “chiến lược” đăng ký hiệu quả nhất.
Năm 2015, trong số khoảng 450 trường ĐH, CĐ trên cả nước, có gần 200 trường dùng kết quả học tập THPT và kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, 250 trường còn lại chỉ dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. |
Em Lưu Đức Hoàng Long (học lớp 12A11) nêu thắc mắc: “Với cách thức thi như thế, đặc biệt là mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả nhưng mỗi đợt chỉ được xét tuyển vào một trường thì có phải là: Cứ một người vào ĐH sẽ có 4 người rớt hay không?”. Về thắc mắc này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa thẳng thắn cho biết: “Những năm trước, có hàng triệu lượt thí sinh đăng ký dự thi nhưng đến khi chính thức thi chỉ có khoảng 1 triệu em. Với việc tổ chức đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ như đã nêu ở trên, Bộ GD-ĐT sẽ khống chế được tỉ lệ “ảo”. Năm 2015, sẽ giống như những năm trước là có khoảng 1,2 triệu HS thi; số em đỗ tốt nghiệp THPT, theo chúng tôi dự đoán là hơn 90%, trong số này các trường ĐH, CĐ sẽ xét tuyển khoảng 64.000 em (kể cả thí sinh thi rớt ĐH năm trước). Như vậy, cứ khoảng 2 em thi sẽ có 1 em rớt ĐH, CĐ. Tuy nhiên, hệ thống GD-ĐT Việt Nam có nhiều cấp bậc, nếu điểm thi THPT quốc gia thấp, các em nên chọn những con đường khác như vào TCCN, CĐ nghề… bằng cách chỉ xét tuyển học bạ THPT”.
Quả thật, dù học ở cấp bậc nào thì HS cũng có thể xin được việc làm ổn định nếu như các em có động cơ học tập đúng đắn và quyết tâm cao. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI), cho hay: “Thị trường lao động nước ta đang rộng mở, các em không nhất thiết phải bằng mọi giá vào được ĐH mà phải biết chọn trường vừa sức với mình. Bằng cấp không phải là thiết yếu, quan trọng nhất vẫn là giỏi tay nghề. Theo cơ cấu thị trường lao động nước ta hiện nay, ĐH chiếm tỷ trọng 13%, CĐ chiếm khoảng 10-15%, TC chiếm đến 35%, số còn lại là sơ cấp, công nhân kỹ thuật…”.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, kinh tế Việt Nam đang ổn định và bắt đầu hội nhập cao nên cơ hội việc làm mở rộng trong tương lai. Năm 2015, nước ta sẽ mở rộng thị trường lao động với Nhật Bản và hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN thì cộng đồng này cần khoảng 14 triệu lao động, Việt Nam chiếm tỷ lệ 1/6 nên tổng số việc làm chúng ta sẽ tăng khoảng 28%. Như vậy, thị trường lao động sẽ rộng mở nhưng vấn đề là tính cạnh tranh nhân lực sẽ rất cao, vì thế người lao động phải giỏi tay nghề…
Bài, ảnh: Minh Châu
“Năm 2015, sẽ giống như những năm trước là có khoảng 1,2 triệu HS thi, số em đỗ tốt nghiệp THPT, theo chúng tôi dự đoán là hơn 90%; trong số này các trường ĐH, CĐ sẽ xét tuyển khoảng 64.000 em (kể cả thí sinh thi rớt ĐH năm trước). Như vậy, cứ khoảng 2 em thi sẽ có 1 em rớt ĐH, CĐ”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết.
|
Bình luận (0)