Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bí quyết để đạt điểm cao môn sử

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám ôn thi tốt nghiệp chiều 2-4.Ảnh: D.B

Nhiều thí sinh tỏ ra khá bất ngờ và lo lắng khi biết trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2010 có cả 2 môn sử và địa. Vậy, làm thế nào để học tốt môn sử?
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy (Tổ trưởng bộ môn sử, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa)
Có nhiều mốc thời gian nên dễ nhầm lẫn
Trong môn sử, các sự kiện đều có sự gắn kết với nhau. Do đó, nếu thí sinh học tốt và nắm vững kiến thức các phần trước thì phần sau sẽ dễ dàng tiếp thu, khi học và làm bài thi cũng dễ tư duy hơn. Các em nên ghi chép, học và hiểu bài ngay trên lớp, sau đó xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau. Môn sử cũng là môn có nhiều mốc thời gian và sự kiện, làm bài thi rất dễ bị nhầm lẫn. Vì thế trong khi ôn tập, các em nên học theo từng giai đoạn lịch sử, học đến đâu kẻ bảng và hệ thống lại kiến thức đến đó. Việc làm này đòi hỏi sự sáng tạo của cả học sinh lẫn người truyền đạt. Khi lập bảng thống kê, các em nên liệt kê đầy đủ các mốc thời gian, sự kiện, diễn biến của từng giai đoạn lịch sử. Riêng đối với các chiến dịch, chiến lược, bên cạnh việc lập bảng thống kê, các em cần so sánh sự giống và khác nhau giữa các âm mưu của địch, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của mỗi chiến dịch, chiến lược…
Trước khi làm bài thi, các em cần đọc kĩ đề và gạch chân những từ “trọng điểm” để tránh lạc đề. Sau đó, viết ra giấy nháp dàn bài chính rồi triển khai ra thành bài làm của mình. Cách làm này giúp các em tránh những nhầm lẫn đáng tiếc và không để sót các mốc thời gian, sự kiện. Đề thi trong những năm gần đây thường không khó, chỉ cần hiểu và nắm vững kiến thức trong cuốn Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng môn sử lớp 12, các em có thể làm bài đạt kết quả cao.
Cô Bùi My Thúy (Tổ phó bộ môn sử – Trường THPT Gia Định)
Ngày, tháng, năm phải chính xác
Tôi thấy nội dung cuốn sách chuẩn kiến thức lớp 12 bộ môn sử đã gói gọn được toàn bộ kiến thức cả năm học bằng cách hệ thống hóa giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản trong SGK. Dù tóm lược chương trình nhưng sách chuẩn kiến thức vẫn bám vào SGK chứ không bỏ bài, chương nào. Trong quá trình học, các em phải nắm chắc từng phần, học tới đâu nhớ tới đó. Suy nghĩ “khi nào thi mới học” là một sai lầm không nên có. Cách đơn giản nhất là sau một chương, chúng ta tóm tắt hệ thống hóa bài lại. Ví dụ như chương 1 thì hệ thống lại kiến thức về phong trào giải phóng dân tộc, hệ thống sự phát triển các nước tư bản. 5 mục La Mã là 5 “chỗ” quan trọng mà HS cần phải xoáy vào. Phải học hết các chiến dịch lớn trong SGK với các nội dung như: hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả và ý nghĩa… Các em phải nắm được dạng bài, có nhận định, biết nhận xét thông qua hoàn cảnh lịch sử, diễn biến. Ví dụ sau khi học bài về sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945, HS phải rút ra được tính chất, đặc điểm nổi bật của sự kiện đó.
Ngoài ra HS phải biết so sánh các giai đoạn lịch sử với nhau. Ví dụ, khi so sánh chiến tranh đặc biệt và chiến tranh cục bộ trong thời kỳ chống Mỹ, các em phải tìm được điểm chung của 2 cuộc chiến (đều là chiến tranh xâm lược kiểu mới của Mỹ), nhưng điểm khác là chiến tranh đặc biệt chỉ ở chiến trường miền Nam còn chiến tranh cục bộ thì diễn ra trên cả 2 miền Nam – Bắc.
HS có thể thiếu phần mở rộng nâng cao, chưa liên hệ được bài này với bài khác, yếu trong thao tác tổng hợp kiến thức, chưa có tầm nhìn bao quát nhưng những mốc thời gian như “ngày, tháng, năm” phải nhớ chính xác. Riêng số liệu, nếu nhớ cụ thể thì tốt còn không có thể duy trì ở mức tương đối. Ví dụ, trong chiến dịch Điện Biên Phủ quân và dân ta diệt được 16.200 tên địch thì nói hơn 16.000 cũng có thể chấp nhận được.
Ngọc Quang – Ngọc Anh (ghi)

Bình luận (0)