Nhằm giúp các bạn học sinh (HS) định hướng tốt hơn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ sắp tới, Báo Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu đến các em phương pháp ôn tập của một số HS giỏi đã đạt giải quốc gia trong năm học 2009-2010.
Đoàn Hải Đăng (lớp 12 chuyên sử, Trường THPT Lê Hồng Phong, giải 3 quốc gia môn lịch sử)
Đừng để số liệu ám ảnh bạn khi ôn tập
Đoàn Hải Đăng |
Nhiều bạn nghĩ rằng, môn sử đòi hỏi phải học thuộc lòng tất cả các chi tiết về ngày tháng năm, sự kiện lịch sử… nhưng học như thế rất nặng nề và dễ quên. Theo tôi, khi học sử phải có giấy nháp kế bên để viết ra những ý chính của bài. Nội dung chính của bài thường thể hiện ở các tiêu đề. Sau khi đọc và thống kê những chi tiết quan trọng, chúng ta nên vẽ sơ đồ các sự kiện lịch sử với những mốc thời gian cụ thể để tái hiện lại kiến thức. Học như thế sẽ tránh được tình trạng quá sa đà vào những chi tiết không cần thiết, giúp nắm các ý chính trong bài kỹ càng hơn. Đề thi thường không yêu cầu quá cụ thể về ngày tháng, do đó, đừng để số liệu ám ảnh bạn khi học bài. Học làm sao để có thể trình bày mạch lạc các chuỗi sự kiện và tạo mối liên hệ giữa chúng chứ không phải học để báo cáo thống kê qua các con số được cung cấp trong bài.
Đề thi tốt nghiệp đòi hỏi các bạn HS phải nắm vững kiến thức cơ bản. Đối với môn sử, trước khi làm bài, chúng ta phải xem kỹ đề thi để khoanh vùng kiến thức. Sau đó lập những ý cần làm ra giấy nhằm tránh những thiếu sót không đáng có khi say mê viết bài. Cần nắm vững đề hỏi gì và trả lời vào đúng trọng tâm, tránh lối viết lan man. Nếu đề hỏi về diễn biến sự kiện mà sa đà vào hoàn cảnh hay ý nghĩa lịch sử thì chúng ta sẽ không đủ thời gian làm bài, dẫn đến tình trạng thiếu ý.
Bên cạnh đó, khi làm bài thi, chúng ta cần phải bình tĩnh. Nếu không thuộc hết bài thì phải nắm bắt những ý chung của các giai đoạn để có thể làm bài bằng cách suy luận, loại bỏ. Tuy nhiên, cách này khá liều lĩnh, nó có thể giúp bạn tránh được điểm liệt nhưng kết quả sẽ không cao.
Đoàn Hồng Phương Thảo (lớp 12 chuyên văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, giải khuyến khích quốc gia môn văn)
Đọc nhiều sẽ biết được cách diễn đạt, sắp xếp ý
Đoàn Hồng Phương Thảo |
Để nắm vững nội dung của một tác phẩm, bước đầu chúng ta phải rút ra những kiến thức cơ bản và suy nghĩ xem vấn đề mấu chốt của nó nằm ở đâu. Làm vậy, khi đọc tác phẩm, chúng ta dễ khám phá ra những vấn đề mới hơn. Đọc nhiều cũng là một cách hay, nó giúp chúng ta trau dồi cách diễn đạt, triển khai ý.
Hiện nay, rất nhiều bạn lao vào học dàn ý triển khai của tác phẩm trong khi không hiểu những kiến thức căn bản. Đây chỉ là cách học gạo, nếu khi vào phòng thi chúng ta quên một chữ sẽ dẫn đến quên hết bài và dễ lẫn lộn ý các bài với nhau. Để làm tốt môn văn, học bài là điều khó tránh khỏi, nhưng quan trọng là học cái gì bởi một tác phẩm bao giờ cũng có hai phần: nội dung và giá trị nghệ thuật. Nắm được hai phần này thì dù có học nhiều tác phẩm trong một thời gian ngắn, các bạn vẫn có thể phân biệt chúng với nhau.
Muốn làm bài thi môn văn đạt điểm cao, bên cạnh việc học tốt các kiến thức cơ bản, chúng ta cần nắm vững kỹ năng làm bài, hiểu rõ các bước triển khai một bài văn. Nếu có kiến thức mà không biết vận dụng thì sẽ làm tốn nhiều thời gian làm bài, và điểm chắc chắn sẽ không cao. Điều cơ bản nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải hiểu đề, triển khai đúng ý và có đủ các bước căn bản.
Một bài thi môn văn có 3 phần, mỗi phần gồm nhiều ý. Phần mở bài phải có dẫn đề, yêu cầu đề, phạm vi, tư liệu… Trong phần thân bài, trước khi phân tích hay chứng minh, chúng ta nên nói khái quát về tác giả, tác phẩm và giải thích đề một cách sơ lược. Trước khi kết luận cần có một đoạn sơ kết để tóm lại những điều mình đã nói và mở rộng ra một số kiến thức liên quan giúp người đọc có cái nhìn rõ và sâu hơn về bài làm.
Nguyễn Thanh Sang (lớp 12A5, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, giải 3 quốc gia môn hóa học)
Hạn chế tối đa viết phương trình hóa học trong bài thi trắc nghiệm
Nguyễn Thanh Sang |
Chúng ta không nên nhớ suông những kiến thức thầy cô giảng mà cần ghi chép cẩn thận trong suốt quá trình học. Nói như vậy không có nghĩa hóa là môn phải học thuộc nhiều, điều cần thiết là người học phải biết cách suy luận. Suy luận logic, chặt chẽ, chúng ta sẽ có kết quả học tập tốt.
Để làm tốt bài thi môn hóa, mỗi người cần có kinh nghiệm và phương pháp thích hợp. Chẳng hạn, những kiến thức về hóa vô cơ chỉ có học thuộc, còn hóa hữu cơ thì nhất thiết phải nắm rõ tính chất của từng nguyên tố.
Cũng giống như sử hay Anh văn, cách giúp chúng ta dễ nhớ kiến thức môn hóa là ghi các phản ứng đặc biệt ra một cuốn sổ nhỏ rồi lâu lâu lấy ra xem một lần.
Khi làm bài thi môn hóa, đối với những câu hỏi bình thường, thay vì làm theo các bước truyền thống là viết phương trình phản ứng rồi cân bằng hệ số, chúng ta có thể dùng các phương pháp như bảo toàn electron, bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố… để giải bài nhanh hơn. Nói chung, hạn chế tối đa việc viết phương trình hóa học trong bài thi trắc nghiệm sẽ tiết kiệm thời gian làm bài.
Về phần lý thuyết, các bạn nên học kỹ trong sách giáo khoa, cần chú trọng các phần đọc thêm để bổ sung nhiều kiến thức quan trọng. Theo tôi, đề thi tốt nghiệp cũng giống như các đề thi học kỳ khác, chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thì chúng ta sẽ làm bài tốt.
Dương Bình (ghi)
Bình luận (0)