Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bí quyết học 2 ngành vẫn giỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Trong lúc nhiều sinh viên (SV) học một ngành đã thấy khá vất vả, thì không ít SV học cùng lúc 2 ngành nhưng vẫn đạt được kết quả cao trong học tập.

Ảnh minh họa: Hoàng Quyên

Ảnh minh họa: Hoàng Quyên

Theo quy định, một SV có học lực bình thường được đăng ký tối thiểu 14 tín chỉ trong mỗi học kỳ để phù hợp với sức học. Mức tối đa tùy từng trường quy định, từ 22 – 28 tín chỉ. Tuy nhiên, với những SV học song ngành, số tín chỉ có thể gấp đôi những người học một ngành.

Phạm Trọng Nghĩa là SV ngành hệ thống thông tin doanh nghiệp Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Sau năm thứ nhất, Nghĩa đạt điểm tổng kết là 8,24. Do yêu thích cả ngành tài chính nên Nghĩa quyết định đăng ký học thêm ngành này. Mỗi học kỳ, Nghĩa học khoảng 30 tín chỉ, tức tầm 9 – 12 môn trong khi các bạn khác chỉ học khoảng 5, 6 môn.
Nghĩa cho biết: “Lúc đầu, em thấy cũng khá khó khăn trong việc sắp xếp lịch học làm sao cho vừa kịp môn lại vừa cân đối giữa hai ngành. Em luôn cố gắng chừa 2 ngày thứ bảy và chủ nhật để có thời gian thư giãn, tham gia các hoạt động khác cho cân bằng. Cao điểm nhất là khi bước sang năm 3, cứ sáng thì học ngành 1, chiều lại học ngành 2 khá căng thẳng”. Đến thời điểm này, điểm trung bình của Nghĩa ở hai ngành là 8,0.
Nguyễn Thị Cẩm Tú, SV Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, học cùng lúc hai ngành kỹ thuật môi trường và công nghệ thực phẩm. Có những ngày Tú học kín mít từ sáng đến chiều với 12 tiết, tối lại đi học Anh văn. Thời gian thi là căng thẳng nhất vì dồn nhiều môn vào cùng một lúc. Thế nhưng, kết quả học tập trung bình của hai ngành của Tú hiện nay là trên 8,0.
Trong khi đó, Nguyễn Phương Thảo, SV năm 3 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM học cùng lúc hai ngành tiếng Trung và tiếng Anh, với 28 tín chỉ/học kỳ, luôn cảm thấy thoải mái. Điểm tổng kết hai ngành của Thảo được 3,62, đạt loại giỏi.
Bí quyết của các SV này là sắp xếp thời gian một cách khoa học và có sự chuẩn bị tốt. Phạm Trọng Nghĩa chia sẻ: “Các bạn có ý định học thêm ngành 2 chỉ cần phân bổ thời gian hợp lý và đừng quá chú trọng hay học lệch ngành nào cả. Sẽ có những lúc cảm thấy áp lực, nhưng đừng nản chí mà hãy nghĩ đến những thuận lợi của việc học song ngành, đó là biết được nhiều kiến thức hơn, tốt nghiệp đi xin việc sẽ có nhiều cơ hội hơn”.
Còn Nguyễn Phương Thảo thì đưa ra lời khuyên: “Thường lịch học sẽ được trường công bố trước cả tháng. Bạn cần nghiên cứu lịch học, môn học rồi chọn những môn phù hợp, đủ số tín chỉ mà bạn có thể theo, sao cho các môn của hai ngành không trùng nhau. Bạn cũng cần lưu ý là mỗi trường thường có đến 2, 3 cơ sở học, môn này học cơ sở này, môn kia lại học cơ sở khác. Khi lên kế hoạch, bên cạnh việc phân bổ thời gian hợp lý, cũng cần lưu ý đến địa điểm học của các môn để tránh một ngày phải chạy đi chạy lại nhiều nơi”.

Mỹ Quyên/TNO

Bình luận (0)