Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bí quyết sử dụng mỹ phẩm

Tạp Chí Giáo Dục

Điều quan trọng trước tiên khi sử dụng các sản phẩm làm đẹp là phải hiểu bản chất và cách sử dụng. Bạn phải thận trọng nếu không mỹ phẩm sẽ gây tác hại khôn lường tới nhan sắc và làn da của bạn.

Các loại mỹ phẩm thông dụng

1. Mỹ phẩm trang điểm: Đây là loại mỹ phẩm phục vụ cho công việc hoá trang, tôn vinh vẻ đẹp, nhan sắc cho bạn gái. Đó là phấn nền, phấn phủ, kem lót, son môi, bóng mắt, mascara, chì kẻ môi – mắt, má hồng.

2. Mỹ phẩm chăm sóc da: Có tới 80% mỹ phẩm được sản xuất phục vụ nhu cầu này. Chúng mang trọng trách nuôi dưỡng làm trẻ hoá da, giúp cho da tươi nhuận, khoẻ mạnh, hạn chế sự lão hoá. Có một số loại chuyên dùng để trị bệnh về da như trị mụn, nám, tàn nhang…

Ngoài ra, mỹ phẩm chăm sóc da còn sửa chữa những khiếm khuyết của “làn thu thuỷ” như da quá nhờn, quá khô, da nhăn, sần sùi, dễ bị dị ứng.

Kem dưỡng da: Loại này có mục đích nuôi dưỡng, tái tạo tế bào, làm mịn da. Kem dưỡng có tác dụng cải thiện hoạt động của tế bào da, củng cố chức năng của lớp biểu bì, đem lại cho da những yếu tố cần thiết để khoẻ mạnh. Tên thường gọi Crème Noutritive hoặc Nourishing Cream.

Kem làm ẩm, làm mềm da: Những loại này giữ ẩm cho da, giúp da mềm mại, chống khô tróc vẩy. Đây là loại kem có công dụng giúp cho da tươi mát, mịn màng, có độ trơn láng, làm tăng cường khả năng giữ nước và mất nước cho da. Tên thường gọi Crème Hydratante hoặc Moisterizing.

Kem chống nhăn: Tác dụng chính là đẩy lùi, làm mờ các vết nhăn, tẩy lớp tế bào chết, trả lại sự trẻ trung cho làn da. Kem củng cố các mô liên kết giữa các tế bào làm cho da mềm mại và săn chắc hơn. Tên thường gọi: Crème Antirides.

Mỹ phẩm vệ sinh da: Có mục đích giữ cho da sạch sẽ, thơm tho như xà phòng, dầu gội, dầu xả, sữa tắm, nước hoa…

Ngoài ra, còn có kem chống trắng, kem dưỡng kết hợp với đặc trị bệnh ngoài da, kem dưỡng dành cho ban ngày và ban đêm.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng

Trước khi mua một loại kim dưỡng da hoặc sản phẩm đặc trị các bệnh về da, bạn cần hiểu rõ bản chất da của mình. Không nên thấy người khác dùng mình cũng mua theo. Hãy chọn mua loại hợp với chất da của người khác.

Nếu bạn thuộc loại da dễ bị kích thích dị ứng, trước khi dùng một loại mỹ phẩm nào nên thoa một lớp lên phần da mu bàn tay. Để yên trong 3 tiếng xem có bị mẩn ngứa gì không. Nếu vẫn thấy bình thường hãy sử dụng.

Trước khi dùng mỹ phẩm dành cho da mặt, bạn cần thử kỹ hơn. Bôi vào vùng da ở mặt trước theo cẳng tay, gần nếp gấp khuỷu hoặc mặt trong cánh tay.

Bôi theo chỉ dẫn trên bao bì mỹ phẩm trong một tuần liền. Nếu trong thời gian bôi, xuất hiện những phản ứng mẩn đỏ, đau rát, sưng… chứng tỏ sản phẩm đó gây kích ứng với da bạn.

Một mỹ phẩm có thể gây dị ứng cho người này nhưng không gây dị ứng cho người kia. Những người có bệnh chàm, suyễn, dễ bị dị ứng mỹ phẩm hơn những người khác.

Không nên quá lạm dụng mỹ phẩm. Không nên dùng kem liên tục suốt cả ngày vì da cũng cần được thở và bài tiết. Nếu bạn bịt kín da liên tục, các loại kem đó (dù dưỡng da hay chữa bệnh) sẽ bị kích thích, bí thở, gây nổi mụn hoặc giãn nở lớn hơn lỗ chân lông.

Đối với các bạn nữ dưới 20 tuổi, không nhất thiết phải cầu viện đến mỹ phẩm, trừ trường hợp phải trị bệnh về da. Ở tuổi này, nên sử dụng hạn chế, chỉ khi thật cần thiết như đi dự tiệc, sinh nhật và chỉ nên tô điểm nhẹ nhàng chút son môi, phấn hồng.

Những mỹ phẩm như kem chống nhăn chỉ dùng cho phụ nữ trên 30 tuổi.

Bí quyết chọn mua mỹ phẩm 

Đối với kem dưỡng, nếu thấy màu đã ngả sang vàng và có ánh bạc thì lọ kem đã quá đát sử dụng. Bạn nên phân biệt cẩn thận giữa màu hơi nâu nhạt hoặc rất nhạt của các loại kem dưỡng còn tốt, đang trong thời hạn sử dụng với màu hơi vàng của lọ kem đã quá đát.

Khi mua, bạn nhớ tuân thủ theo các tiêu chuẩn sau:

– Phải chọn loại thích hợp với bản chất da của mình. Nếu không chọn đúng thì dù có dùng loại cao cấp mấy, đắt tiền đến đâu cũng chưa chắc có hiệu quả.

– Khi mua hàng phải để ý đến bao bì. Nó không được rách nát, sờn cũ và phai màu chữ. Nếu bao bì có dấu hiệu thấm nước, loang ố thì đó là hàng hết đát bị nhà sản xuất đổ xuống biển, được vớt lên rồi bí mật đưa ra tiêu thụ ở thị trường các nước khác với giá rẻ.

– Sản phẩm phải còn nguyên dấu bảo đảm (dán kín trên nắp hộp).

– Khi mua son môi nên tinh mắt phân biệt cây son thật và giả, cũ và mới. Nếu một thỏi son đã rịn mồ hôi, không còn độ bóng thì đó là son cũ hoặc quá đát.

Nếu thoa son lên môi mà có cảm giác rít, dính dính là son đã hỏng. Nếu vẫn tiếp tục dùng sẽ có hại cho da môi. Son giả khiến bạn có cảm giác nóng ở môi, làm môi khô và không có độ mịn. Dùng một thời gian, cây son dễ gãy, bở.

Kem dưỡng da khiến người sử dụng có cảm giác nhầy, quá nhờn. Sau hai hoặc ba giờ bôi mà kem vẫn cứ nhầy bóng, không thẩm thấu qua da thì đó là hàng giả.

Theo hanoi.vnn.vn

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)