Thị trường lao động ngày một khó khăn và “chật chội” hơn trước. Do kinh tế suy yếu, các công ty phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, dẫn đến hàng triệu người có tay nghề cao cũng như lao động bình thường bị mất việc.
Nếu muốn ứng tuyển vào vị trí lãnh đạo trong thời buổi hiện tại, bạn cần có thêm những "công cụ" khác ngoài yếu tố năng lực và kinh nghiệm. Trong cuốn "Executives pocket guide to ROI Résumés and Job Search", tác giả Louise Kursmark và Jan Melnik đã khuyến khích những ứng viên dạng này nên làm theo những bước sau trong quá trình tìm việc:
Viết một bài phát biểu quảng bá bản thân
Theo Kursmark và Melnik, một ứng viên giỏi là người phải viết được một bài phát biểu khoảng 30 giây tóm tắt về bản thân, trong đó phải thể hiện được bốn yếu tố chính: Tôi là ai? Tôi làm nghề gì? Tôi đang tìm kiếm gì? Kinh nghiệm và mục tiêu nghề nghiệp của tôi là gì?
Bạn có thể thực hành bài phát biểu này tại các hoạt động xã hội, các cuộc họp, bữa tiệc… Điều này giúp bạn vừa thể hiện được giá trị bản thân, vừa thể hiện được khả năng giao tiếp trước đám đông.
Tận dụng và phát triển các mối quan hệ
Mối quan hệ càng rộng thì việc tìm kiếm công việc của bạn càng nhanh chóng và dễ dàng hơn. Vì thế việc lên một kế hoạch cho việc phát triển các mối quan hệ là điều cần thiết.
Các mối quan hệ thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau sẽ giúp bạn trả lời được những điều còn băn khoăn của bản thân như: Bạn muốn làm việc trong lĩnh vực nào? Lĩnh vực nào hiện tại có nhiều tiềm năng hơn cả? Cơ hội thăng tiến ra sao? Những người bạn quen biết sẽ giúp bạn có được những thông tin ở mức nào?… Tất cả sẽ tạo cho bạn một nền tảng để đưa ra quyết định và lập chiến lược thực hiện quyết định đó.
Một tài liệu về khả năng lãnh đạo của bạn
Một bản tài liệu 1 – 2 trang là công cụ khá mới trong quá trình tìm việc giúp ứng viên có thể tiếp thị bản thân về khả năng, kinh nghiệm lãnh đạo của mình. Trong bản tài liệu, bạn chỉ cần liệt kê ra 3 – 5 câu chuyện thực tế miêu tả các tình huống cụ thể hoặc thử thách khó khăn nào đó bạn từng trải qua. Từ những câu chuyện này sẽ thể hiện bạn có hay không những tố chất mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
Lập một hồ sơ ấn tượng và chuyên nghiệp
Hãy lập hồ sơ như một trang mạng cá nhân hay danh mục về từng quãng thời gian trong đời bạn, từ đi học đến đi làm… Hồ sơ càng chuyên nghiệp và thành thạo bao nhiêu thì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao bạn bấy nhiêu.
Tóm tắt mục tiêu nghề nghiệp
Nhờ mục tiêu này mà chính bạn sẽ tự tìm ra được kiểu nhà tuyển dụng và ngành nghề bạn đang muốn xin vào làm. Bạn có thể dùng nó trao đổi, nói chuyện với những người bạn quen biết trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau khi gặp gỡ hay hội họp; họ có thể cho bạn ý kiến nhằm hoàn thiện hơn.
Theo TTO
Bình luận (0)