“Rong kinh không chỉ gây nên những cơn đau kéo dài, khó chịu mà còn gây ra hàng loạt những biến chứng như thiếu máu do thiếu sắt, hiếm muộn, triệu chứng nhiễm trùng cấp, thậm chí vô sinh nếu không được chữa trị kịp thời”.
Đó là cảnh báo của PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ nêu lên tại hội thảo: Cập nhật kiến thức về các biện pháp tránh thai hiện đại do Trường ĐH Y Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức tại Hà Nội.
Theo PGS Hinh, rong kinh là một trong những bệnh phụ khoa đáng lo lắng mà phụ nữ rất sợ và được đặt lên hàng đầu. Thực tế, có khoảng 30% phụ nữ bị rong kinh (kéo dài từ 7 ngày trở lên) ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Nếu tình trạng rong kinh kéo dài không chữa trị, lượng máu mất đi rất lớn (từ 80ml trở lên, bình thường chỉ từ 20 – 60ml/chu kỳ) gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người phụ nữ. Không những thế, nếu không chữa trị còn có thể gây nhiễm trùng cấp, thậm chí vô sinh.
Có rất nhiều nguyên nhân gây hiện tượng rong kinh, cường kinh nhưng hay gặp nhất (khoảng 50%) là do có bất thường ở tử cung như u xơ tử cung, bệnh lạc nội mạc trong cơ tử cung, tăng sản nội mạc, nhiễm khuẩn, ung thư biểu mô…
Để điều trị rong kinh có nhiều biện pháp, tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh lý của mỗi người. Tuy nhiên, rất nhiều người bệnh phải tiến hành cắt bỏ tử cung do đến viện muộn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ không còn khả năng tiếp tục làm mẹ. Ngoài ra, có thể tiến hành cắt bỏ nội mạc, sử dụng dụng cụ tử cung, điều trị bằng nội khoa như uống thuốc…
PGS Hinh lưu ý, khi có biểu hiện bất thường về kinh nguyệt như tự dưng kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường, lượng máu ra nhiều hơn các kỳ kinh trước thì nên đi khám chuyên khoa sản ngay để được sớm điều trị. Vì nếu tìm ra nguyên nhân sớm, việc điều trị sẽ đơn giản và đỡ tốn kém hơn nhiều. Trên thực tế, với bệnh rong kinh, bao giờ cũng được tiến hành điều trị bằng nội khoa (sử dụng thuốc) đầu tiên, nếu không đáp ứng tốt thì mới phải chuyển sang các phương pháp điều trị khác.
Được điều trị sớm, bệnh nhân rong kinh sẽ không gặp phải những đau đớn và nguy cơ vô sinh do phải cắt bỏ tử cung, do nhiễm khuẩn… Hiện nay, việc đặt dụng cụ tử cung để chữa rong kinh đồng thời có tác dụng ngừa thai được các chuyên gia sản khoa khuyến khích sử dụng, vì nó giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt nhẹ nhàng hơn, ngắn hơn và ít đau hơn, giúp cải thiện cuộc sống của phụ nữ bị rong kinh.
Hồng Hải (Dan tri)
Bình luận (0)