Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương là một trong 19 thành viên Hội đồng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương. ĐỨC HUY
Hôm nay (21.12), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tổ chức lễ công bố và trao quyết định công nhận hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, Hội đồng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhiệm kỳ này có 19 thành viên (tăng 2 thành viên so với hội đồng trường nhiệm kỳ trước được thành lập năm 2017). PGS-TS Ngô Văn Thuyên tái đắc cử Chủ tịch hội đồng trường, thành viên đại diện giảng viên.
Đáng chú ý là các thành viên ngoài trường gồm: GS-TS Tạ Ngọc Đôn. Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ GD-ĐT), ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup… Đặc biệt, ông Phạm Đại Dương, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Phú Yên cũng tham gia với tư cách thành viên hội đồng trường.
Ông Phạm Đại Dương (46 tuổi, quê quán Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có trình độ chuyên môn thạc sĩ Quản lý Khoa học và Công nghệ và trình độ lý luận chính trị cao cấp. Tháng 10.2015, ông Phạm Đại Dương được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ. Tháng 8 vừa qua, ông Phạm Đại Dương được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên khóa XVI bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Trước đó, một số đại diện chính quyền các địa phương khác cũng trúng cử hội đồng trường các trường ĐH. Chẳng hạn, tháng 6 năm nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa trúng cử Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trước đó, vào tháng 1, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, vừa trúng cử thành viên Hội đồng trường Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Giáo dục ĐH năm 2018, cơ cấu tổ chức của một trường ĐH gồm: Hội đồng trường, hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, hội đồng khoa học, đào tạo và hội đồng khác (nếu có)… Trong đó, Hội đồng trường có quyền quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của nhà trường; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, dân chủ ở cơ sở phù hợp với các điều luật quy định chung.
Hội đồng trường cũng có quyền quyết phương án tuyển sinh, mở ngành đào tạo mới, thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc trường và các chế độ tuyển dụng, đãi ngộ đối với cán bộ, công nhân viên chức… Số lượng thành viên hội đồng trường phải là số lẻ, tối thiểu là 15 người, gồm các thành viên trong và ngoài trường ĐH.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)