Chiều 22-8-2023, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cùng đoàn công tác của Thành ủy Cần Thơ đến làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT thành phố.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu – Bí thư Thành ủy Cần Thơ và đoàn công tác thăm Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai
Tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố báo cáo những kết quả đạt được cũng như khó khăn của ngành trong năm học vừa qua; công tác chuẩn bị năm học mới. Năm 2023, Sở đã khởi công đầu tư xây dựng 5 dự án, với tổng kinh phí trên 193,8 tỷ đồng; phối hợp với các đơn vị có liên quan, các đơn vị trực thuộc nâng cấp, sửa chữa 8 trường THPT, với kinh phí 14,5 tỉ đồng… Chuẩn bị cho năm học 2023 – 2024 Sở đã xem xét, bố trí đội ngũ GV theo yêu cầu thực tiễn của các trường, trong đó điều chuyển nội bộ 20 giáo viên; phối hợp với Sở Nội vụ đề nghị UBND thành phố điều chuyển số lượng người làm việc ở 16 đơn vị. Để hỗ trợ học sinh khó khăn có điều kiện đến trường, ngành GD-ĐT phối hợp một số đơn vị trao trên 26.000 bản sách giáo khoa (SGK) cho học sinh (HS) và sẽ tiếp tục tặng SGK cho thư viện các trường phổ thông; kết hợp các tổ chức, trao tặng hàng ngàn suất học bổng và phương tiện học tập cho các em HS… Hiện ngành còn thiếu 680 giáo viên (GV) các cấp học dù các quận, huyện đã tổ chức tuyển dụng GV nhưng số đăng ký còn ít, đặc biệt là GV các chuyên ngành mỹ thuật, âm nhạc, tin học.
Quang cảnh buổi làm việc ở Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu ghi nhận, biểu dương nỗ lực của ngành giáo dục trong năm học qua và khẳng định GD-ĐT là một trong những lĩnh vực quan trọng trong quá trình phát triển của thành phố. Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị UBND thành phố sớm ban hành văn bản chỉ đạo cho năm học mới (đội ngũ giáo viên, nhân sự, cơ sở vật chất…) để bước vào năm học mới với khí thế mới. Các cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể cần tích cực chăm lo cơ sở vật chất, trang thiết bị. Theo Bí thư Thành ủy, nếu có điều kiện thì đầu tư tới nơi nhưng việc này phải có sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền thành phố cho hoạt động GD-ĐT, nhất là trang bị cơ sở vật chất và máy móc trang thiết bị, trong đó có thiết bị nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học. Về đội ngũ nhà giáo, ngành giáo dục phối hợp các sở, ngành hữu quan giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên, có chính sách hỗ trợ giáo viên, chính sách thu hút sinh viên sư phạm ra trường làm việc cho thành phố… Bí thư Thành ủy Cần Thơ mong ngành giáo dục TP.Cần Thơ phải lọt Top 10 của cả nước chứ không phải Top 20, nếu Top 20 cũng mới là cấp tỉnh. “Mình là thành phố trực thuộc Trung ương, do đó Sở phải quán triệt, triển khai tâm thế để nâng cao chất lượng GD-ĐT của TP.Cần Thơ cao hơn, không bằng lòng với những cái đang có. Quyết tâm nỗ lực cao hơn nữa thì chúng ta mới xứng tầm với thành phố” – Bí thư Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu chỉ đạo tại buổi làm việc
Ngành y tế, giáo dục và một số ngành có số lượng cán bộ quản lý, viên chức đông nhưng khó khăn về nhà ở rất nhiều, Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Xây dựng khi triển khai các dự án nhà ở xã hội phải quan tâm đến lực lượng này và nhấn mạnh: "Phải có danh sách rõ ràng, có ưu tiên, có thông tin đầy đủ cho các cơ quan để cán bộ đăng ký. Từ đó, anh em cán bộ an tâm công tác, đóng góp cho sự phát triển của thành phố".
Liên quan đến đội ngũ GV và các em HS có hoàn cảnh khó khăn, Bí thư Thành ủy chỉ đạo: "Thành phố phải dang tay ra, ngành giáo dục phải lo phần nào, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị lo phần nào, cấp ủy địa phương, hội khuyến học lo phần nào… Tất cả chung tay cùng lo để không vì khó khăn mà bỏ dạy, bỏ học. Đặt ra tiêu chí đó để cố gắng phấn đấu hết mức".
Ông Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ báo cáo những kết quả đạt được cũng như khó khăn của ngành
Theo thống kê thành phố có hơn 110 trung tâm ngoại ngữ, tin học và các cơ sở giáo dục ngoài công lập, lãnh đạo Thành ủy đề nghị Sở GD-ĐT cần thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo dịch vụ chất lượng GD-ĐT TP.Cần Thơ là dịch vụ chất lượng cao. Ngoài ra thành phố phải có mô hình trường quốc tế với đủ 3 cấp học để không chỉ con em TP.Cần Thơ mà cả ĐBSCL có điều kiện học, không phải đi xa. Chương trình đào tạo này tiếp cận với chương trình đào tạo quốc tế, khi HS tốt nghiệp THPT có thể được tuyển vào các trường đại học ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ngành cần tăng cường xây dựng một số trường trọng điểm của từng cấp học với chất lượng cao làm điểm sáng để các trường khác học tập; đồng thời rà soát mạng lưới trường lớp, chú ý các điểm trường lẻ, nếu manh múm quá thì phải quy hoạch lại thành một trường trung tâm khang trang, theo từng địa bàn, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề hiệu quả… Ngành GD-ĐT cũng phải gắn với phục vụ phát triển kinh tế xã hội, chuyển biến tương xứng với sự chuyển động theo hướng mà TP đang quyết liệt thực hiện là phát triển công nghệ, xây dựng và dịch vụ thương mại, nông nghiệp công nghệ cao.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT nghiên cứu, thành lập giải thưởng tuyên dương các thầy cô giáo tiêu biểu, nhằm kịp thời biểu dương và tạo động lực cho các nhà giáo trên địa bàn thành phố.
Trước đó, đoàn công tác đã thăm và nắm tình hình thực tế tại Trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai), Trường Mầm non Phước Thới (huyện Ô Môn) và Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều).
Tại Trường THPT Thới Lai, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu đến thăm các GV đang ở tại khu tập thể của trường, động viên thầy cô giáo cố gắng phấn đấu. Với Trường Mầm non Phước Thới, Bí thư Thành ủy đề nghị các cô giáo chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cho trẻ. Tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Bí thư Thành ủy động viên tập thể sư phạm phấn đấu để Trường trở thành trường điểm của thành phố, nhưng lưu ý: Trường điểm không có nghĩa là tạo khoảng cách với các trường khác mà là kiến tạo mô hình sư phạm điển hình, nổi bật với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học cho toàn thành phố.
Đan Phượng
Bình luận (0)