Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng: Không thể đánh giá chất xám “bằng cách đếm chữ”

Tạp Chí Giáo Dục

“Không thể đánh giá chất xám các nhà khoa học bằng cách đếm số chữ, số trang giấy mà phải dựa vào chất lượng của công trình phản biện. Đối với khoa học thì không có nhà khoa học già, mà chỉ có nhà khoa học lớn tuổi với nhiều kinh nghiệm và vẫn còn đam mê, cống hiến”.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Đó là khẳng định của Bí thư Thăng tại buổi làm việc với Liên hiệp Các hội Khoa học – Kỹ thuật (LHCHKHKT) TP.HCM ngày 13-6.

Trả lại chức năng phản biện cho nhà khoa học

Tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch LHCHKHKT cho biết: “Một trong những chức năng chính của đơn vị là tư vấn phản biện xã hội các chương trình khoa học của TP. Tuy nhiên, trên thực tế các chủ dự án không thích nhà khoa học phản biện, vì vậy TP cần thể chế hóa việc tư vấn phản biện các dự án. Phải có quy định rõ, một dự án có kinh phí bao nhiêu, tác động đến bao nhiêu người dân bắt buộc phải có phản biện độc lập của các nhà khoa học. Hiện nay việc phản biện là do các cơ quan thuộc các sở, ngành thực hiện nên tác dụng không nhiều. Nếu liên hiệp tham gia phản biện sẽ độc lập, không bị ràng buộc từ các đơn vị khác nên sẽ nói thẳng, nói thật. Bên cạnh đó, việc thành lập một hội đồng khoa học để tham mưu cho TP các vấn đề lớn sẽ giúp hoạt động tư vấn phản biện thuận lợi hơn. Để các nhà khoa học đóng góp cho sự phát triển của TP, các nhà khoa học phải biết những dự định của TP để tham gia góp ý, phản biện không phải đợi đến khi có sự cố mới tham gia phản biện”.

Liên quan đến vấn đề đào tạo, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch LHCHKHKT kiến nghị, cần thể chế hóa mối liên kết giữa đào tạo – nghiên cứu khoa học và sản xuất. TP có đội ngũ nghiên cứu trẻ năng động, sáng tạo nhưng lại thiếu “men xúc tác” là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Vấn đề hiện nay là không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích mà cần thể chế hóa liên kết giữa đào tạo – nghiên cứu khoa học và sản xuất.

Để nâng cao hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học, GS.TS Giao cho biết, cứ hai năm một lần, LHCHKHKT tổ chức thi sáng tạo kỹ thuật nhằm tuyển chọn những đề tài có thể đem lại lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên mức giải thưởng theo quy định của Nhà nước, chưa tạo hứng thú cho các nhà khoa học tham gia và kinh phí hỗ trợ các đề tài đạt giải ứng dụng thực tế còn ít.

Đổi mới cơ chế chi trả kinh phí phản biện khoa học

Về vấn đề kinh phí, PGS.TS Phan Minh Tân – Phó Chủ tịch LHCHKHKT – cho rằng: “Cách trả kinh phí phản biện hiện nay là không khoa học khi tính theo số trang giấy. Vấn đề nằm ở chỗ chất lượng công trình phản biện chứ không phải đếm số trang. Chuyện này phải tính sòng phẳng với nhà khoa học, theo kinh tế thị trường. Nên để liên hiệp vào cuộc ngay khi bắt đầu thành lập dự án, thẩm định dự án chứ không phải khi dự án được duyệt rồi liên hiệp mới phản biện thì không hiệu quả”.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã nêu cụ thể các giải pháp về khoa học – công nghệ (KH-CN); UBND TP đã ban hành chương trình phát triển về KH-CN, vì vậy cần tập trung thực hiện các nội dung này. Đề nghị UBND TP phối hợp Đảng Đoàn LHCHKHKT rà soát lại chương trình, chính sách của TP về KH-CN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học hoạt động nghiên cứu. Các nhà khoa học cần chủ động, lựa chọn đề tài, chương trình nghiên cứu đóng góp cho sự phát triển của TP. Việc thể chế hóa tư vấn phản biện là cần thiết để lãnh đạo TP yên tâm hơn khi ra các quyết định, chính sách, vì vậy các đơn vị chức năng cần xem xét thực hiện nội dung này. Bên cạnh đó, cần thể chế hóa việc liên kết giữa đào tạo – nghiên cứu khoa học và sản xuất, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu để phát huy tiềm năng khoa học của TP; đồng thời đổi mới cơ chế chi trả kinh phí phản biện khoa học”.

Bài, ảnh: Quang Huy

Bình luận (0)