Học sinh Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Đắk Nông
|
Là một tỉnh Tây Nguyên, được thành lập hơn 10 năm nhưng Đắk Nông đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Một trong những lĩnh vực nổi bật nhất là GD-ĐT. Đầu tư GD, phát triển nguồn nhân lực làm nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế, xã hội luôn được xem là quyết sách của Đắk Nông. Trước thềm năm mới, Giáo Dục TP.HCM có cuộc trò chuyện với ông Trần Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông xoay quanh vấn đề này…
PV: Đắk Nông được thành lập mới 10 năm – thời gian chưa phải là dài – xin ông cho biết ngành GD-ĐT của tỉnh trong các năm qua có những bước phát triển và những mặt hạn chế như thế nào?
– Ông Trần Quốc Huy: Thực hiện nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), kết luận số 242-KL/TW, ngày 15-4-2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về phương hướng phát triển GD đến năm 2020; sự nghiệp GD-ĐT tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả quan trọng: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của GD-ĐT trong xã hội được nâng lên, nhân dân đồng tình, chung sức phát triển sự nghiệp GD-ĐT; mạng lưới trường, lớp và quy mô GD từng bước ổn định và phát triển (năm học 2003-2004, toàn ngành có 174 trường, với 105.020 HS các cấp học; đến nay, đã có 358 cơ sở GD, với 148.825 học sinh; sau 10 năm, Đắk Nông đã có trường thpt chuyên, trung tâm GDTX); cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đã được quan tâm đầu tư, diện mạo trường học có nhiều thay đổi tích cực; đội ngũ GV, cán bộ quản lý được bổ sung, bồi dưỡng, chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ, đồng bộ về cơ cấu đáp ứng yêu cầu đổi mới GD; chất lượng GD có sự chuyển biến tích cực; kết quả chống mù chữ – phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập GD THCS được củng cố, duy trì và giữ vững; công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi đang được triển khai tích cực. Công bằng xã hội trong GD được chú trọng; con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ để các em an tâm đến trường.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực thì sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế, bất cập và đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, như: Việc gắn kết 3 môi trường GD chưa thực sự đồng bộ, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng GD toàn diện cho HS; chất lượng GD vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn chưa thật sự ổn định, thiếu bền vững; tỉ lệ HS có học lực yếu, HS bỏ học còn cao… Cơ cấu đội ngũ GV chưa đồng bộ; năng lực chuyên môn một bộ phận GV, cán bộ quản lý còn yếu, bất cập.
Mặt khác, trước yêu cầu đổi mới GD, mở rộng mô hình tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày, phổ cập GD, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học chưa đáp ứng điều kiện bảo đảm tối thiểu, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều trường học thiếu phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, nhà công vụ cho GV, công trình nước sạch và nhà vệ sinh, thiết bị dạy học…
Xã hội hóa GD là một chủ trương lớn của Nhà nước, là lãnh đạo cao nhất tỉnh, xin ông cho biết trọng tâm phát triển và đầu tư cho ngành GD-ĐT trong tương lai của tỉnh nhà?
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Trần Quốc Huy |
– Có thể khẳng định rằng, xã hội hóa các hoạt động GD, y tế, văn hóa, thể dục – thể thao, môi trường là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, Tỉnh ủy đã lãnh đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức và nhân dân về các quan điểm, mục tiêu, biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực GD, y tế, văn hóa và thể dục – thể thao theo tinh thần nghị quyết 05/NQ-CP, ngày 18-4-2005 và nghị định 69/NĐ-CP, ngày 30-5-2008 của Chính phủ; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tuyên truyền, giới thiệu các chủ trương, chính sách mới về xã hội hóa, những mô hình mới, những cách làm hay, những điển hình tiên tiến để nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh. Thông qua đó, nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội được nâng lên, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu, đề xuất thực hiện chủ trương xã hội hóa của Chính phủ nhằm huy động tối đa các nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết số 32/2010/NQ-HĐND, ngày 23-12-2010 quy định chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực GD, y tế, dạy nghề, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong thời gian tới, trọng tâm phát triển và đầu tư cho ngành GD-ĐT tập trung vào hoàn thiện mục tiêu PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị trường học và xây dựng đội ngũ nhà giáo để thực hiện đổi mới GD, phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia, cụ thể:
– Huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, lãnh đạo nhân dân, khắc phục khó khăn, phát triển GDMN, hoàn thành kế hoạch PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015.
– Tập trung đầu tư trường, lớp, trang thiết bị dạy và học ở những địa bàn còn thiếu, địa bàn đông dân cư nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân; tập trung đầu tư cho GDMN, GD vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; từng bước thu hẹp chênh lệch về chất lượng GD và điều kiện học tập giữa các vùng khó khăn với vùng đô thị, các dân tộc; xóa phòng học tạm ở vùng sâu, vùng xa; sớm khắc phục tình trạng trường học thiếu nhà vệ sinh và nước sạch. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy; sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý; bảo đảm yêu cầu phát triển, tăng tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở MN và phổ thông.
Trong những năm tới, theo hướng đổi mới của ngành GD-ĐT, với đặc thù của một tỉnh Tây Nguyên, theo ông, ưu tiên phát triển về mặt nào?
– Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) ban hành nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”; đây là bước đột phá quan trọng, đánh dấu giai đoạn mới cho sự phát triển GD-ĐT nước nhà nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng. Theo đó, ngành GD-ĐT tỉnh Đắk Nông tiếp tục mở rộng quy mô, chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, góp phần đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Mục tiêu đến năm 2020, GD Đắk Nông đạt mức trung bình chung của cả nước, có một vài lĩnh vực vượt trội (GD học sinh dân tộc thiểu số). Vì vậy, ngoài định hướng, chính sách của Trung ương, ngành GD-ĐT Đắk Nông cần phải tập trung thực hiện giải pháp tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số, xây dựng trường lớp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, ban hành chính sách thu hút GV để họ yên tâm công tác; các chính sách hỗ trợ học phẩm, học cụ, kinh phí khi các em tham gia học tập xa nhà như THPT, trung cấp, CĐ, ĐH, học nghề; đặc biệt, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, từng bước HĐH trang thiết bị, đáp ứng điều kiện tối thiểu cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Tôi tin tưởng rằng, sự nghiệp GD-ĐT Đắk Nông sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Xin cám ơn ông!
Lương Đình Mai (thực hiện)
Bình luận (0)