Nếu như Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 (Yên Bài, Ba Vì, Hà Tây) là điểm cuối cùng chất chứa những nỗi đau khổ của trẻ HIV thì nghĩa trang Việt Mông là nơi chôn cất những nỗi đau ấy. Kể từ năm 2002, khi mà trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi ở trung tâm tăng dần lên, thì số trẻ qua đời do căn bệnh thế kỷ ấy cũng nhiều hơn. Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 đã xin xã Yên Bài một khoảnh đất riêng ở góc phía tây nam của khu nghĩa trang Việt Mông làm nơi chôn cất những đứa trẻ xấu số.
Chúng là những đứa trẻ nhiễm HIV không bố mẹ, không quê quán, không tên tuổi. Tại đây, những câu chuyện bi thương về khoảng thời gian ngắn ngủi chúng tồn tại trên cõi đời này được ngân lên một lần nữa.
Sinh, tử cùng năm
Người phụ nữ tay cầm bó hương nghi ngút khói thắp lên từng ngôi mộ nhỏ bé, những ngôi mộ chỉ có năm mất mà không có ngày sinh, đã từ lâu không người chăm sóc, đầy cây hoang cỏ dại mọc.
Chị dừng lại ngồi cạnh mộ bé Đức Anh, đó là đứa trẻ chị chăm sóc đầu tiên, cái tên Đức Anh cũng chính do chị đặt. Chị là Nguyễn Thị Lập, quê ở Long Biên (Hà Nội), là mẹ nuôi của những đứa trẻ xấu số kia, chị vào làm ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 từ năm 2004. Trong bốn năm qua, người mẹ này đã ngậm ngùi đưa tiễn 8 đứa con.
Vẻ mặt hằn những nét thương đau, chị nhìn trân trân vào bia mộ: “Đức Anh… Đức Anh, ở dưới đấy con có được khoẻ không…”. Khi ngước lên trò chuyện với tôi, vòm mắt chị đã ngập tràn những giọt lệ: “Chúng là những đứa trẻ bất hạnh, bị người thân ruồng bỏ, lại mang trên mình căn bệnh hiểm nghèo. Bọn tôi coi các bé như con của mình, những đứa trẻ chỉ sống được vài năm là lìa đời. Nhìn cái cảnh chúng bị căn bệnh hành hạ vào giai đoạn cuối mà không làm gì được, thật đau lòng. Xót xa lắm!”.
Trong nghĩa trang Việt Mông có hơn 10 ngôi mộ trắng nằm quây quần một góc, cạnh con đường đi lên núi. Những cái tên Lê Minh Mẫn, Nguyễn Thị Hồng Hà, Nguyễn Thị Lúa, Nguyễn Thị Hoàng Mai, Nguyễn Bích Ngọc… đều sinh và mất cùng một năm, có một bé tên Bếp sống lâu nhất cũng chỉ được 6 tuổi, số còn lại chỉ sống đến 2-3 tuổi.
Đang mơ màng suy nghĩ, chợt có một bàn tay vỗ nhẹ lên vai khiến tôi giật mình. Đó là người quản trang, bác tên Hội. Lúc đầu bác Hội tưởng tôi là người nhà nhưng sau khi biết là phóng viên, bác thở dài: “Tôi đã trông coi khu nghĩa trang này hơn chục năm rồi mà chưa bao giờ thấy những đám tang nào hiu hắt như thế. Mỗi đám tang chỉ chừng 7-8 người đưa tiễn trong im lặng. Những ngôi mộ không bao giờ thấy người thân đến hương khói”.
Tôi đến chỗ chị Lập, chị đang thơ thẩn hết nhổ cỏ rồi lại lau bia mộ. Chị bảo: “Tôi cũng không có thời gian đến thăm chúng. Ở Trung tâm chăm sóc cho 53 đứa con nuôi như thế cũng đã không đủ thời gian rồi. Có nhiều đêm phải thức trắng vì bọn trẻ trở bệnh.
Còn nhớ quãng thời gian chăm sóc Đức Anh là vất vả nhất. Đấy là trường hợp đặc biệt mà tôi sẽ nhớ suốt đời. Đó là một ngày cuối năm 2004, trời rét căm căm, ở Trung tâm, một số chị em đã đựoc về nghỉ Tết, còn tôi ở lại ăn Tết cùng các cháu. Cuối giờ chiều, chúng tôi tiếp nhận một bé trai, vừa mới ra đời chừng vài hôm, được chuyển từ bệnh viện Nhi Trung ương lên.
Thông tin về đứa trẻ chỉ vẻn vẹn trong một mẩu giấy bên trong người: “Bị bỏ rơi, nhiễm HIV từ mẹ!”. Cháu bé bị 3 vết thương rất nặng, hai mảng đầu bị thối, bụng và chân sưng tấy, có thể do mẹ đẻ khó. Ngoài ra cháu còn bị viêm phổi và đang sốt cao. Đứa trẻ được quấn tã sơ sài, đặt vừa vặn trong một cái thùng giấy cũ. Vết thương trong người do bị nhiễm trùng, nhất là ở đầu nên thối kinh khủng, không một ai dám đến gần, da bọc xương xanh xao, thân thể co quắp.
Lúc đầu Trung tâm đã không nhận cháu vì chỉ nhìn qua đã thấy cháu không thể sống được, nhưng tôi đã xin nhận nuôi vì lúc đó tình thương của người mẹ không cho phép tôi nhắm mắt làm ngơ trước một sinh linh bị bỏ rơi, lại đang trong tình trạng hấp hối. Cảm xúc đó trỗi dậy mạnh mẽ khi tôi bế cháu lên tay để ủ ấm, cháu mở mắt lim dim nhìn tôi, ngay lập tức người tôi như có dòng điện chạy khắp sống lưng. Liền sau đó, cháu được đưa vào phòng tắm rửa bằng nước chè tươi ấm. Cháu được quấn tã, chăn mềm sạch sẽ. Sau khi uống sữa nóng chúng tôi đưa cháu đi khám toàn thân một lần nữa”.
Kể từ buổi tối ấy, chị Lập đã thức trắng 15 đêm liền để chăm sóc cho đứa bé. Chị xin trung tâm đặt tên cho cháu là Đức Anh – một việc đáng lẽ phải là những người sinh thành, nhưng chớ chêu thay đến cuộc sống của em, họ còn vứt bỏ nói gì đến việc đặt tên. Rồi người mẹ ấy đã không quản ngại khó, chăm sóc từng ly từng tý cho đứa con nuôi. Một cái Tết đầu tiên xa gia đình, cũng là cái Tết bên cạnh những đứa trẻ HIV, chị thấy thấm hơn nỗi đau của những cảnh đời bất hạnh.
Khi vết thương đã lên da non và có dấu hiệu lành lặn trở lại thì Đức Anh lại bị những trận sốt li bì hành hạ. Da bọc xương, miệng chỉ có khóc chứ chưa một lần nở nụ cười, đôi mắt đờ đẫn vì mệt, vì không hiểu chuyện gì đang đến với mình. Đức Anh gầy đến mức ngủ chiếu không được, phải kê cho cháu một cá đệm thật dày và mềm nếu không sẽ bị chảy hết ra ngay.
Những tưởng đứa con này sẽ sống khỏe mạnh bên cạnh người mẹ nuôi. Ấy thế mà ngày em ra đi thật nhanh như những đứa trẻ khác đến giai đoạn cuối của căn bệnh. Ngày 6/3/2006, Đức Anh đã chút hơi thở cuối cùng trong vòng tay người mẹ nuôi – người thân duy nhất của em.
Phía trước còn 53 đứa trẻ…
Vào Trung tâm bảo trợ xã hội 2, tôi gặp anh Chiến – cán bộ văn phòng, anh dẫn tôi đến khu trẻ em bị nhiễm HIV. Đó là 2 dãy nhà cấp 4 sạch sẽ, gọn gàng, được bố trí ở phía sau cùng của Trung tâm, sát ngay khu cai nghiện ma tuý là một đại gia đình với 19 người mẹ nuôi và 53 đứa con.
Vừa bước chân vào phòng, tôi thực sự ngỡ ngàng khi các em nháo nhác gọi lớn: “Bố ơi, bố ơi!”. Phòng này dành cho những đứa trẻ từ mấy tháng tuổi đến hai tuổi. Lúc này các bé đang ngồi chơi với những người mẹ nuôi.
Thấy tôi đưa máy ảnh ra chụp, lũ trẻ ngơ ngác nhìn ngó, rồi chúng bò đến sờ nắn cái máy ảnh và cười thích thú. Phòng bên dành cho những trẻ lớn tuổi hơn. Khi tôi bước qua, cả phòng ùa ra phía cửa, ngoan ngoãn lễ phép khoanh tay: “Chào chú ạ”. Duy chỉ có một em gái, ngồi ở góc nhà, mặt buồn thiu, gục đầu vào giường. Đó là Phương Anh, 5 tuổi, thông minh, sức khỏe của em đang yếu dần. Phương Anh là bé vào cùng ngày với Đức Anh và còn sống đến bấy giờ.
Mẹ Thanh – người mẹ nuôi của Phương Anh – cho biết em có thể ra đi bất cứ lúc nào! Bây giờ em đang bước vào giai đoạn cuối của cuộc đời. Một ngày nào đó em sẽ ra đi, sự ra đi được chuẩn bị trước, sự ra đi của một số phận đã bị đẩy đến tận cùng của nỗi đau, nỗi đau không được sống!
Tôi lại gần Phương Anh, mặt em buồn thiu, mắt nhìn xuống chực khóc. Đã 5 tuổi nhưng Phương Anh chỉ nặng chưa đến 10 kg, khuôn mặt hốc hác, chân tay khẳng khiu đến đáng thương. Thân hình tiều tuỵ, nhỏ nhắn kia đã phải chịu đựng biết bao đau đớn về thể xác, căn bệnh HIV đang ngày đêm ăn mòn cơ thể em. Có thể em không hình dung được điều đó.
Em ngồi buồn và không nói câu nào, không một cử động. Tôi bắt chuyện, tôi hỏi gì em cũng không nói, em chỉ nhìn, hết ngước lên nhìn tôi rồi lại nhìn xuống nền nhà. Vậy mà khi tôi đứng dậy đi ra ngoài, Phương Anh bỗng nói một câu, thản nhiên khiến tôi hững hờ: “Cháu sắp chết rồi phải không chú…”.
Theo Đình Thắng (Nông thôn ngày nay)
Bình luận (0)