Trưa 16/1, tại siêu thị Go! (quận Bình Tân, TPHCM), nhân viên giới thiệu sản phẩm tại khu vực rượu, bia cầm tấm bảng khuyến mãi chờ đón khách. Tuy nhiên, hầu như rất ít khách hàng quan tâm.
Quầy kệ rượu, bia tại nhiều siêu thị khác như Coop Mart Phú Lâm, MM Mega Market, Lotte, Satra… cũng ê hề bia trong nước và nhập khẩu. Giá bia đang khuyến mãi sâu như bia Budweiser Sleek giá 455.500 đồng/thùng 24 lon giảm còn 379/000 đồng/thùng; bia Carlsberg giá 225.800 đồng/thùng 12 lon giảm còn 218.800 đồng/thùng và tặng kèm thêm hộp bánh Danisa 200gr; bia Tiger lon cao giá 346.000 đồng/thùng 24 lon giảm còn 340.000 đồng/thùng;… “Năm ngoái khách nườm nượp đến mua bia. Nhiều tiệm tạp hóa còn canh bia giảm giá mua trữ hàng. Tuy nhiên, năm nay khách rất thưa thớt, nếu có mua cũng chỉ vài lon chứ không còn số lượng lớn như trước” – chị Minh Thy, nhân viên giới thiệu sản phẩm tại siêu thị Emart (quận Gò Vấp) nói.
Khách hàng tham khảo bia có nồng độ cồn thấp hoặc nước trái cây lên men để thưởng thức dịp Tết. Ảnh: U.P
Tại các đại lý bia còn vắng vẻ hơn. Bà Trần Thị Lan, đại lý bia – nước giải khát trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình) thở dài: “Khách mua bia ít lắm! Tiệc tất niên cuối năm chủ yếu đặt nước ngọt, nước suối thôi. Người mua bia giảm tới 80%”.
Người dân e dè với bia không cồn
Giữa lúc khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia đã tìm nhiều cách thu hút người tiêu dùng như sản xuất các loại đồ uống có nồng độ cồn thấp, bia không cồn hoặc các loại cocktail, nước trái cây lên men… Một số siêu thị thông tin, sức mua các loại bia không cồn, nước trái cây lên men có mức tăng trưởng khá tốt, giá các sản phẩm trung bình từ 20.000 – 130.000 đồng/chai.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành bia đang gặp nhiều khó khăn từ đại dịch COVID-19 và các chính sách quản lý đang siết chặt quy định về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, người dân thắt lưng buộc bụng do kinh tế khó khăn. Những lý do trên ảnh hưởng đến sức tiêu thụ bia trong thời điểm cuối năm. |
Tuy nhiên, anh Võ Văn Tuấn (42 tuổi, ngụ quận 10) vẫn lo lắng: “Có lần tôi chỉ uống nước trái cây lên men hoặc ăn tỏi ngâm giấm, nhưng khi kiểm tra nồng độ cồn vẫn thấy lên. Do đó, tôi vẫn băn khoăn với các loại bia quảng cáo không có cồn”.
Uống bia không cồn cơ thể có nồng độ cồn không? Trả lời PV, TS. BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới Bệnh viện Chợ Rẫy nói: “Lâu nay chúng tôi chỉ nghiên cứu các trường hợp bị ngộ độc bia rượu để phục vụ cho điều trị chứ chưa nghiên cứu về việc uống bia không cồn thì trong hơi thở hay trong máu có nồng độ cồn hay không nên chưa thể khẳng định”.
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh TPHCM cho biết: “Sau khi nhận được câu hỏi của phóng viên, chúng tôi đã hội ý với khoa Dược và các bác sĩ nhiều chuyên khoa. Chúng tôi nhận định đây là vấn đề khó và chưa có câu trả lời cụ thể. Theo quy định của pháp luật hiện nay, nếu người tham gia giao thông bị kiểm tra mà trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn thì sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, những người sử dụng các loại thực phẩm lên men cũng có thể phát sinh nồng độ cồn trong hơi thở. Vấn đề uống bia không cồn có nồng độ cồn trong hơi thở hoặc trong máu hay không thì cần phải có nghiên cứu cụ thể”.
Theo Uyên Phương – Vân Sơn/TPO
Bình luận (0)