Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Bia” quá gần dễ gì trật!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo thống kê giữa năm 2013 của các hãng bảo hiểm ở California -Mỹ, gần 10% dân số bên đó phải thường xuyên nghỉ bệnh vì dị ứng, đau đầu, viêm kết mạc, bội nhiễm đường hô hấp, chóng mặt…

Đáng nói là 80% trong số đó làm việc trong văn phòng có gắn máy lạnh ở cao ốc! Cũng theo thống kê của các hãng bảo hiểm y tế ở xứ này, số người bị bệnh ở nhóm thường làm thêm ngoài giờ cao gấp 3 lần số đối tượng hết giờ là nghỉ.
Người làm việc trong văn phòng đóng kín tuy được tiếng cách ly với môi trường gọi là ô nhiễm bên ngoài nhưng trên thực tế lại là tấm bia lãnh đạn của hàng trăm loại vi khuẩn sống ẩn núp trong lưới lọc bụi của máy lạnh. Bia mà phơi trần như thế với cự ly trong tầm tay thì xạ thủ có tệ mấy cũng có lần bắn trúng. Chẳng những thế, gặp ẩm độ trong văn phòng chật hẹp, vi khuẩn không muốn cũng như rồng trên mây. Thêm vào đó là hóa chất trong nước sơn, thảm chùi chân, xà phòng lau nhà, nước lau kính, thuốc xịt phòng, bụi mực in và nhất là khói thuốc lá…, tất cả hòa quyện để người làm việc trong văn phòng cao ốc chẳng khác nào món “thịt ướp lạnh có tẩm đủ thứ hương liệu bảo quản” trước mắt vi khuẩn háu đói đang chực chờ lây lan từ bàn phím máy vi tính, trong phòng vệ sinh, trên nút bấm cửa thang máy… Không lạ gì nếu bệnh trong văn phòng dễ lây lan hơn ngoài chợ!
Biết rõ mức độ tai hại của tình trạng nay đau mai yếu vì văn phòng đóng cửa quá kín, nhiều nhà nghiên cứu về y học môi trường đã khuyên:
– Cao ốc có nhiều văn phòng máy lạnh cần có thêm khoảng không gian thoáng khí trên sân thượng cho nhân viên nghỉ giữa giờ, tất nhiên với điều kiện là nhiệt độ ở đó đừng quá sai biệt với phòng làm việc.
– Máy lạnh phải được làm sạch định kỳ, tối thiểu 3 tháng/lần.
– Giới hạn mọi hình thức sử dụng hóa chất gia dụng có chất bảo quản trong văn phòng kín.
– Không hút thuốc trong giờ làm việc.
– Giảm nhiệt độ trong phòng khi bắt đầu làm việc một cách hòa hoãn. Tăng dần nhiệt độ trước khi ra về, chẳng hạn bằng cách tắt máy lạnh và mở cửa thông khí khoảng nửa giờ trước khi tan sở, thay vì rồ ga tối đa để bên trong lạnh cóng, bên ngoài như trong lò bánh mì.
Khả năng thích ứng với khác biệt nhiệt độ của hệ thần kinh giao cảm tùy thuộc vào cường độ và thời gian chịu trận của gia chủ. Đừng quên thiếu nhiệt lượng vì phòng làm việc quá lạnh là đòn bẩy làm tăng hoạt tính của vi khuẩn làm bội nhiễm đường hô hấp, siêu vi cảm cúm, nấm mốc gây bệnh ngoài da… Xài chi máy lạnh đến độ ngã bệnh vì sức kháng bệnh đóng băng?
theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)