Nhịp cầu sư phạmGương sáng

“Biến áp lực thành động lực”, chàng trai trẻ nhận được 3 học bổng đại học danh giá về âm nhạc tại Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Trần Phúc Tín sinh ngày 10-8-2006, vừa tốt nghiệp Trường Trung học Australian International School Saigon. Sinh ra trong một gia đình không ai theo nghệ thuật, thế nhưng với khả năng thiên bẩm và niềm đam mê âm nhạc, Phúc Tín đã giành được học bổng của 3 trường đại học ở Mỹ: Boston Conservatory at Berklee, University of Illinois Urbana-Champaign và Lawrence university. Trần Phúc Tín quyết định chọn Nhạc viện Boston (Boston Conservatory) để học chuyên môn Pha-Gốt dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Margaret Phillips.


Phúc Tín nhận được 3 học bổng đại học danh giá về âm nhạc tại Mỹ

Trước khi lên đường sang Mỹ du học, theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp, trong một buổi biểu diễn tại Nhạc viện TP.HCM, Phúc Tín đã có những chia sẻ về hành trình theo đuổi đam mê cũng như định hướng sắp tới của mình.

Xin chào Phúc Tín, xin chúc mừng em với 3 học bổng của đại học âm nhạc tại Mỹ. Để có được thành tích này, em đã có những nỗ lực như thế nào?

Dạ em xin cảm ơn! Để đạt được thành tích này, trước tiên là em rất biết ơn sự hỗ trợ, động viên từ gia đình, thầy cô và bạn bè, giúp em tìm được nguồn động lực và hướng đi đúng đắn trong hành trình theo đuổi đam mê của mình. Thứ hai, em rất biết ơn hồng ân đã ban cho em sự may mắn để em có đủ nghị lực vượt qua mọi thử thách làm tốt hồ sơ và các bài thi, đặc biệt là các phỏng vấn để đáp ứng tốt các yêu cầu của chương trình học bổng. Em cảm thấy rất vui, rất hạnh phúc vì đã được vào hành trình mình yêu thích nhất, thỏa chí đam mê con đường âm nhạc và nghệ thuật.

Cơ duyên nào để em biết rằng mình có năng khiếu với âm nhạc?

Nhân duyên em đến với âm nhạc là từ nhà thờ. Sinh ra trong một gia đình có gốc Công giáo, hàng tuần cả nhà sẽ đi lễ và nghe những bài thánh ca được hát trong nhà thờ, em rất thích thú và yêu những bài thánh ca, em từng ước ao được đàn, hát các bài thánh ca ấy. Giấc mơ đó đã thành sự thật, giờ đây em đã được vào ca đoàn chuyên nghiệp để chơi nhạc và đệm nhạc. Nhờ may mắn mà em đạt được học bổng của 3 trường đại học ở Mỹ, em đã quyết định vào Nhạc viện Boston (Boston Conservatory) để học chuyên môn Pha-Gốt dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Margaret Phillips (Bè 3 Pha-Gốt của Dàn nhạc giao hưởng Boston).


Nhờ tham dự một số chương trình văn hóa văn nghệ của CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ do cố GS.TS Trần Văn Khê thành lập vào năm 2014 Phúc Tín được học nhiều bài học hay về thuần phong mỹ tục

Hiện tại, bên cạnh việc học, em có tham gia các hoạt động âm nhạc nào khác không?

Hiện tại em đang hoạt động cho rất nhiều band, như là band ở trường học, band của bạn bè từ Nhạc viện TP.HCM. Thường thì em thích chơi trống, nhưng khi tham gia ICO (Dàn nhạc và ca đoàn Quốc tế), Saigon Winds (Dàn kèn Saigon) và HBSO (Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, em sẽ chơi cây kèn Bassoon/Pha-Gốt.

Sinh ra trong một gia đình có điều kiện thuận lợi để theo đuổi việc học, nhưng bản thân em có cảm thấy áp lực lớn nhất nào mình cần phải vượt qua không?

Từ khi còn nhỏ, em đã phải đối mặt với nhiều áp lực. Áp lực lớn nhất của em chính là nỗi sợ về kỹ năng giao tiếp, cảm giác nỗi sợ về sự cô đơn một cách vô cớ, không biểu cảm được. Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng nhớ tính cách và cách nói chuyện của chúng ta hồi còn bé. Trường hợp của em, khi vào tuổi dậy thì, em đã bắt đầu có xu hướng cố gắng nói chuyện nhiều hơn với mọi người. Nhưng vì trước đó em đã thiếu nhiều kinh nghiệm về giao tiếp, dù chỉ là một cuộc đối thoại ngắn cũng có nhiều áp lực rồi. Nhưng sau này, qua sự cổ vũ và hỗ trợ của gia đình, bạn bè, em đã kèm thêm sự quyết tâm để bước ra khỏi vùng an toàn của mình, đã bắt đầu nói chuyện, dần dần thì áp lực của việc cô đơn, lạc lõng đã đỡ hơn rất nhiều.

Vậy em đã làm gì để vượt qua được những áp lực đó?

Đối với em, 2 từ “quyết tâm” rất quan trọng. Mỗi người sẽ có sự nổi bật riêng và sẽ có những chướng ngại trong đời mình, sẽ rất gian nan để vượt qua. Nhưng em tin rằng bằng sự quyết tâm nỗ lực hết mình, chúng ta sẽ càng lớn lên và vượt trội trong môi trường và lĩnh vực mình yêu thích. Ở trường hợp của em, không chỉ là âm nhạc hay là học tập không, em nhận ra kỹ năng giao tiếp, nói chuyện, suy nghĩ và sự thấu cảm đã rất tiến bộ hơn so với vài năm trước đây.

Gia đình em thì không có ai theo ngành nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Nhưng không hiểu sao em lại rất yêu âm nhạc, khi được khám phá, chạm vào chiều sâu âm nhạc qua những buổi biểu diễn thì em đã phải biết cách tập, dợt và diễn theo phong cách của nghệ sĩ chuyên nghiệp. Chẳng hạn như là sự tập trung, cách giao tiếp và sự tiếp nhận từ những thầy cô nghệ sĩ vào dịp diễn ở Nhà hát TP.HCM. Em đã bị cuốn hút để lĩnh hội những lời khuyên từ thầy cô và chỉ huy dàn nhạc. Tuy rằng những lời khuyên đó thuộc về chuyên môn âm nhạc nhưng có rất nhiều giá trị có thể vận dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình, giúp mình trở thành một con người biết nhìn nhận, quan sát vấn đề cuộc sống, nâng cao khả năng xử lý. Em tin rằng những giá trị ấy vốn dĩ bắt nguồn từ tinh thần quyết tâm của mình.


Trần Phúc Tín (áo dài đỏ) biểu diễn trong một sự kiện

Thêm nữa, em có nhiều lần được tham dự một số chương trình văn hóa văn nghệ của CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ – CLB do cố GS.TS Trần Văn Khê thành lập vào năm 2014. Tại đây, em được học rất nhiều bài học hay, thấy được chuỗi giá trị cao quý về thuần phong mỹ tục mà ông bà mình xưa đã dày công kiến tạo. Em nhận ra rằng, việc học hay việc làm nào cũng cao quý, nhưng có lẽ với em hạnh phúc lớn nhất chính là được học, được làm việc vì mục tiêu được khám phá nhiều hơn sự thú vị của cuộc sống, được góp phần bảo tồn và kết nối, chung tay xây dựng sự phát triển bền vững từ nền tảng nếp nhà và vươn xa ra tầm thế giới.

Phải rời xa Việt Nam để sang đất nước xa xôi theo đuổi việc học, em có thể chia sẻ cảm xúc của mình lúc này?

Khi rời Việt Nam để chuyên tâm học tập ở môi trường quốc tế, em có nhiều cảm xúc đan xen nhưng có lẽ cảm xúc lớn nhất là tình cảm gia đình, quê hương Việt Nam. Em cảm nhận sâu sắc về giá trị công ơn của cha mẹ, tình anh chị em, bạn bè. Ngay cả, khi đến với cơ quan nơi ba mẹ em làm việc, em cũng không sao quên được những giá trị tuyệt vời về tinh thần lao động, sự đoàn kết và vượt khó nhằm kiến tạo những công trình xanh cho quê hương Việt Nam. Thiết nghĩ, nếu đời của ba mẹ đã dầy công xây dựng giá trị vật chất, thì em và tương lai của em sẽ có trách nhiệm tiếp tục vun bồi sự nghiệp gia đình bằng giá trị tinh thần, vì âm nhạc cũng mang lại rất nhiều cái đẹp và lợi ích vị nhân sinh.

Xin cảm ơn Trần Phúc Tín đã chia sẻ. Chúc em gặt hái được nhiều thành công lớn hơn trên con đường theo đuổi đam mê âm nhạc!

Hồ Trinh (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)