Đau mắt đỏ do vi-rút đang tăng lên trong những ngày gần đây tại Hà Nội. Bệnh dễ lây lan và có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Lây lan rất nhanh
Anh N.T.S, 30 tuổi, đến khám tại BV Mắt Hà Nội kể: "Thoạt đầu tôi thấy cộm mắt, sưng, có cảm giác nhức chói. Đến sáng ngủ dậy mắt rất nhiều ghèn. Lúc đầu đau một bên mắt, sau lan sang hai bên. Mấy ngày sau nữa lây luôn sang vợ". Theo các bác sĩ, có gia đình, cả nhà 3-5 người cùng bị đau mắt đỏ.
Theo thống kê tại BV Mắt Hà Nội, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 35-40 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám, cá biệt có ngày lên đến gần 70 ca, chiếm 20-30% số bệnh nhân đến khám mắt trong ngày. Số đau mắt đỏ tăng 20-40% so với hai tuần trước đây.
Bác sĩ Cao Xuân Hòa, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Mắt Hà Nội cho biết, triệu chứng ban đầu của bệnh đau mắt đỏ là: kết mạc cương tụ, mắt đỏ, nóng rát trong mắt, sợ ánh sáng và có kèm theo chảy nước mắt.
Có thể người bệnh thấy nước mắt màu hồng (do thoát huyết hòa với nước mắt), ghèn mắt đọng lại thành cục, thành đám rất dính, có khi hình thành sợi dài dai, có thể có mủ, thường đọng ở hai góc mắt làm bệnh lây lan nhanh. Ở trẻ em còn hay gặp viêm kết mạc họng hạch: kết mạc phù nề mọng lên; có trường hợp sưng lòi hẳn ra khe mi, mắt không nhắm kín được.
Bác sĩ lưu ý: Trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ có thể biểu hiện ở mức độ nặng hơn như: mi sưng nề, đỏ và có thể có giả mạc. Nếu trẻ vẫn đi nhà trẻ trong thời gian bị bệnh thì nguy cơ lây lan ra cho các trẻ khác là rất lớn. Vì vậy, trẻ cần được nghỉ ngơi, chăm sóc tại nhà. Việc điều trị cho trẻ bao gồm dùng thuốc tại mắt và bóc giả mạc. Giả mạc sẽ tái phát rất nhanh, vì vậy cần khám lại sau 2-3 ngày để bóc giả mạc tái phát.
Chữa trị, đề phòng
Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây đau mắt đỏ, nhưng hiện tại đa phần bệnh này do vi-rút Adeno gây ra. Bệnh có thể trở thành dịch; thường xuất hiện vào thời gian mùa hè, sau lũ lụt, gió cát khô, bụi bẩn, nguồn nước ô nhiễm.
Nếu điều trị đúng và vệ sinh cá nhân tốt, bệnh sẽ khỏi sau 5-10 ngày. Nếu không, bệnh gây biến chứng viêm giác mạc, viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào tăng nhãn áp và dẫn tới mù.
Trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh. Bác sĩ Cao Xuân Hòa lưu ý, bệnh nhân đau mắt đỏ phải tra thuốc đúng chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa và có ý thức phòng bệnh cho người xung quanh: hạn chế giao tiếp, không dùng chung khăn mặt, chậu. Đặc biệt khi bị đau mắt đỏ không đi tắm ở bể bơi. Nên giặt khăn bằng xà phòng và phơi khăn dưới nắng.
Người bệnh không được tự ý nhỏ thuốc vào mắt, nhất là các thuốc corticoid, mà phải có sự hướng dẫn của nhà chuyên môn. Vì sử dụng thuốc không đúng sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm ở mắt.
Theo Thanh Niên
Bình luận (0)