Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Biên cương in dấu chân anh

Tạp Chí Giáo Dục

Tỉnh Đắk Lắk có đường biên giới dài 73km giáp với tỉnh Mondulkiri của vương quốc Campuchia. Trong nhiều năm qua, trên dải đất biên cương đầy nắng, gió và còn nhiều gian khó này không nơi nào không in dấu chân các cán bộ, chiến sĩ biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Lắk.

Đồn biên phòng Ea H’leo đóng quân trên địa bàn xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk triển khai nhiệm vụ canh giữ biên giới trong những ngày Tết

Cứ mỗi độ xuân về, ngoài nhiệm vụ vững chắc tay súng bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn khắc phục mọi khó khăn về địa hình, thời tiết khắc nghiệt, ngày đêm âm thầm lặng lẽ giúp nhân dân lao động sản xuất và tổ chức các hoạt động vui xuân, đón Tết cùng nhân dân ở các thôn, buôn biên giới.

1. Chúng tôi trở lại xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk trong những ngày xuân đang vồn vã kéo về. Vừa đến đầu xã, thấp thoáng đã thấy hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ea H’leo, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk đang giúp dân chăm sóc vườn thanh long. Những chiếc áo xanh đã thấm đẫm mồ hôi, nhưng các anh vẫn vui vẻ giúp dân. Trung úy Thái Công Anh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Ea H’leo cho biết: “Hôm nay cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tổ chức giúp gia đình Đặng Hoàng Long, ở thôn Giồng Trôm, xã Ia Lốp chăm sóc vườn thanh long. Đây là công việc thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ đơn vị”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ea H’leo, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn anh Đặng Hoàng Long ở thôn Giồng Trôm, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp chăm sóc cây thanh long

Năm 2003, vợ chồng anh Long từ tỉnh Bến Tre lên đây lập nghiệp. Ở đây, gia đình anh có hơn 2ha đất rẫy, nhưng đất đai khô cằn, sỏi đá. Mùa mưa thì ngập lụt, mùa nắng thì khô cằn, cây cối không phát triển được. Định cư đã hơn 10 năm nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, bế tắc. Vợ chồng anh chán nản, muốn rời bỏ mảnh đất này về lại Bến Tre thì được cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ea H’leo động viên, hỗ trợ, hướng dẫn trồng giống cây thanh long ruột đỏ, một loại cây trồng hoàn toàn mới ở vùng đất này. Hiện tại, gia đình anh đã đầu tư trồng được hơn 500 trụ thanh long, mỗi năm được cán bộ, chiến sĩ biên phòng hỗ trợ 4 đến 5 đợt phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đất không phụ lòng người, trong 2 năm gần đây, mỗi vụ thu hoạch thanh long gia đình anh thu về trên 30 triệu đồng. Nhờ đó, trong dịp Tết Đinh Dậu năm nay, gia đình anh mới có điều kiện mua áo quần mới cho các con và sắm sửa trong gia đình để đón Tết. Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp Ngô Đức Thắng cho biết: Do đất đai cằn cỗi nên toàn xã hiện còn hơn 50% hộ nghèo. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ea H’leo đã chung sức đồng lòng, bằng nhiều việc làm thiết thực, tạo niềm tin cho người dân yên tâm bám đất, bám thôn. Đồn biên phòng Ea H’leo thường cắt cử cán bộ, chiến sĩ giúp dân lao động sản xuất, thu hoạch nông sản, làm đường giao thông, xây dựng nhà cửa, thăm hỏi, tặng quà những gia đình chính sách, đồng thời tham mưu cho Đảng ủy xã về chương trình giảm nghèo một cách hiệu quả… Nhờ đó, đời sống của nhân dân xã Ia Lốp từng bước cải thiện, nâng lên về mọi mặt.

2. Chúng tôi đến xã Ia Rvê dưới cái nắng nóng hừng hực của mùa khô Tây Nguyên. Nhưng tại Trạm y tế Quân dân y nằm trên địa bàn thôn 5, xã Ia Rvê vẫn có đông người dân đến khám bệnh. Chị Lâm Thị Đại, ở thôn 5, xã Ia Rvê đưa con nhỏ đến khám tâm sự: “Kể từ năm 2014, khi có Trạm y tế Quân dân y đến nay, người dân thôn 5 cũng như các thôn lân cận hết sức vui mừng vì không chỉ có nơi khám, chữa bệnh gần nhà mà khi đau ốm đều được cán bộ quân y khám, cấp thuốc miễn phí”. Đại úy Đỗ Văn Diện, phụ trách Trạm y tế Quân dân y cho biết: “Để phục vụ tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, ngoài thời gian khám tại trạm, kể cả những ngày Tết, cán bộ quân y còn ngày đêm lặn lội đến các thôn, buôn để khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân”.

Cán bộ quân y Trạm y tế Quân dân y kết hợp xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk khám bệnh cho người dân

… Dẫn chúng tôi đi thăm các buôn làng được định canh, định cư ổn định trên vùng biên giới, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rvê Nguyễn Đức Tuấn tự hào: Dù còn nhiều khó khăn nhưng so với những năm trước đây thì đời sống của đồng bào dân tộc vùng biên giới Ia Rvê đã được nâng lên rất nhiều. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới như: Nuôi bò, dê, nhím sinh sản, trồng lúa nước, bí xanh cao sản… được triển khai nhân rộng ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, Đồn Ia Rvê còn phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Ea Súp và các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu mở 4 lớp xóa mù chữ tại các thôn 11, 12, 13 và 14 cho hơn 100 học viên. Những việc làm cụ thể, thiết thực đó không chỉ tô thắm thêm hình ảnh người chiến sĩ biên phòng mà còn xây dựng nghĩa tình quân dân trên vùng đất biên cương ngày càng bền chặt hơn.

3. Trong những ngày lên thăm cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đang làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới tỉnh Đắk Lắk khi mùa xuân đang về, chúng tôi ghé thăm buôn Đrăng Phốc, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Buôn Đrăng Phốc nằm ở vùng lõi của Vườn quốc gia Yóc Đôn. Hầu hết người dân trong buôn là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên những đứa trẻ dù đã đến tuổi đi học phải lên nương, rẫy phụ giúp cha mẹ. Để giúp các em biết cái chữ, sau này thoát khỏi đói nghèo, tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, trong nhiều năm qua cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê-rê-pốc, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn mở lớp xóa mù chữ cho các em trong buôn. Thiếu tá Nguyễn Tiến Thanh, Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Sê-rê-pốc, là thầy giáo trực tiếp đứng lớp nhớ lại: “Những ngày đầu vận động các gia đình trong buôn cho con em mình đến lớp không hề đơn giản. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân và chính các em không muốn đến lớp. Song, với sự kiên trì vận động, các gia đình đã đồng ý để con em họ đến lớp học chữ. Dù vậy, để lớp học duy trì được sĩ số, bất kể trời nắng hay mưa, trước mỗi buổi học, chúng tôi lại phân chia nhau đi đón các em đến lớp, sau buổi học đưa các em về nhà”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ia Rvê, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk đến thăm hỏi, động viên người dân xã Ia Rvê, huyện Ea Súp trong những ngày giáp Tết Đinh Dậu

Trong câu chuyện với chúng tôi, khi bên ngoài mùa xuân mới đang về trên khắp dải biên cương, Thượng tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk tâm sự: Ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh còn thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự… Trên dải đất biên cương đầy nắng, gió và còn nhiều gian khó này, không nơi nào không in dấu chân của người lính biên phòng.

Nguyễn Hoài Bão

 

 

 

 

Bình luận (0)