Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Biến dầu ăn phế thải thành xà phòng

Tạp Chí Giáo Dục

Xà phòng do nhóm làm ra
Với tiêu chí làm giảm hàm lượng các hóa chất độc hại đối với môi trường, đồng thời tăng khả năng tái sử dụng các hợp chất, các thành viên CLB Hóa học Trường THPT Gia Định (TP.HCM) đã chọn đề tài Điều chế xà phòng từ dầu thải tham dự cuộc thi Học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật TP.HCM năm 2013. Nhờ tính ứng dụng cao, đề tài đã dễ dàng lọt vào vòng chung khảo cuộc thi…
Giống như các bạn trẻ thế hệ 9X, các thành viên trong CLB môn hóa học của Trường THPT Gia Định luôn trăn trở với thực trạng môi trường sống hiện nay, nhất là khi xã hội ngày càng  phát triển vượt bậc.
Nguy hại từ dầu thải
Khi ghé vào các xe đẩy hàng rong để mua bánh tiêu, chả cá, cơm gà xối mỡ… Bùi Nguyễn Khánh Uyên – HS lớp chuyên hóa – thường quan sát rất kỹ chảo dầu đang sôi sùng sục trên bếp. Nếu dầu có màu vàng nhạt chứng tỏ sản phẩm đang được chiên bằng loại dầu còn mới, độ an toàn thực phẩm cao. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chảo dầu thấy có màu vàng đậm nhiều cặn đen rõ ràng người ta đang dùng dầu cũ để chiên đi chiên lại các loại thực phẩm. Giống như Khánh Uyên, Nguyễn Huỳnh Thùy Giang bao giờ cũng nói “không” với các loại thực phẩm nguy hại trên. Rùng rợn hơn, một đôi lần các em còn phát hiện ra chuyện người ta lấy lưới inox lược lại những chất cặn đen trên để tận dụng tiếp. Riêng thành viên nam Hồ Quang Minh lại khẳng định: “Nếu mình không ăn thì người khác cũng mua để dùng, như vậy thì làm sao tránh được nguy cơ bệnh tật từ việc sử dụng dầu cũ đã chiên đi chiên lại”. Theo Minh Quang, dầu ăn đã qua sử dụng rất độc hại với sức khỏe con người. Những loại dầu này tuyệt đối không được đem ra nấu nướng vì chứa hàm lượng cao các chất độc hại, những kim loại nặng và thậm chí là vi khuẩn nguy hiểm. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các loại bệnh ung thư ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Thùy Giang cũng đưa ra ý kiến, nếu lượng dầu thải này bị xả vào các nguồn nước thì sẽ gây ô nhiễm môi trường nặng do dầu khó hòa tan trong nước.
Một câu hỏi được đặt ra cho cả nhóm là phải bằng cách nào  tận dụng các loại dầu thải đó để không còn là nỗi ám ảnh của người tiêu dùng khi bất đắc dĩ phải ăn uống các chất độc hại này. Được sự gợi ý và hướng dẫn của cô Trần Thị Phương Thảo – GV bộ môn hóa – cả nhóm bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp… nội bộ. Thực ra, kiến thức điều chế xà phòng không có gì là xa lạ đối với 3 “thần dân” chuyên hóa. Trong quá trình học tập các em đã được làm quen với những bài học về các chất xút ăn da tạo nên xà phòng. Đây chính là nền tảng đầu tiên và cơ sở thuận lợi nhất để làm nên xuất phát điểm cho một hành trình nghiên cứu mới mẻ. Theo hướng dẫn của GV, quy trình thực hiện thí nghiệm qua 3 giai đoạn: Sau khi thu thập dầu thải ở nhà hay ở các quán ăn, nhóm thực hiện phản ứng xà phòng hóa dầu thải trong môi trường kiềm. Cuối cùng, xà phòng được tạo thành và kiểm tra những tiêu chí về chất lượng trước khi sử dụng. Tuy nhiên, lý thuyết vẫn chỉ là lý thuyết nếu chưa qua thực tế kiểm nghiệm.
Lên ngôi từ “rác thải”
Hy vọng ban đầu của cả nhóm bỗng xìu xuống như bong bóng xì hơi vì thất bại ở ngay giai đoạn đầu. “Thủ phạm” mà nhóm tìm ra là do cân – đo – đong – đếm lượng xút NaOH thiếu chính xác. Bên cạnh đó nhiệt độ thí nghiệm cũng chưa thật chuẩn. Cũng may là lượng dầu thải đưa vào phòng thí nghiệm chỉ có 250ml. May mắn cho nhóm là lúc này có thêm sự trợ sức của cô Lý Thị Minh Tâm nên mọi việc đâu cũng vào đó. Cô Tâm đã chỉ dẫn cho nhóm hiểu hơn về quy trình thí nghiệm và cách thức tổ chức. Mọi khúc mắc trước đây hầu như được giải tỏa, các em đã bắt đầu quen việc hơn. Từ khâu lọc tạp chất, khử mùi đến tẩy trắng bằng than hoạt tính và cả rửa bớt độ kiềm bằng nước muối… Do được đầu tư mạnh nên nhóm đã thí nghiệm những mẻ sản phẩm nhiều về số lượng và tốt hơn về chất. Sản phẩm của quá trình là xà phòng có tác dụng giặt rửa và diệt vi khuẩn hiệu quả theo kết quả xét nghiệm mẫu xà phòng tổng hợp được tại Viện Pasteur TP.HCM.
Tại triển lãm các sản phẩm nghiên cứu khoa học trưng bày ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong học kỳ 2 vừa qua, không ít khách tham quan chú ý tới gian hàng có nhiều cục xà phòng nhỏ, xinh xinh, đủ các màu xanh, trắng, hồng… Và khi nghe các thành viên thuyết trình thì mọi người càng thán phục tinh thần làm việc của các em.
Phong cách teen của các “nhà khoa học trẻ” lộ rõ trên hình hài sản phẩm vui mắt và trẻ trung. Tuy không làm ra khuôn nhưng khi đặt hàng các em đã đưa ra những mẫu thiết kế sáng tạo và ấn tượng của mình… Theo nhận xét của Ban giám khảo, ngoài tính ứng dụng thực tiễn bảo vệ môi trường, đề tài còn góp phần tiết kiệm chi phí khi sản xuất do tận dụng vật liệu phế thải.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
 
Điều đáng trân trọng khi đây còn là “tấm lưới bảo vệ” vô hình ngăn cản những hành vi gây ra các loại thực phẩm độc hại có ảnh hướng lớn đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, đề tài còn được đánh giá cao về tính nhân bản của nó.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)