Thời tiết năm nay diễn biến xấu nhất trong 10 năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ đã giảm xuống thấp đến mức nhiều gia súc và gia cầm chết vì lạnh. Nguồn thực phẩm thông thường giảm của những con người nơi đây giảm đáng kể. Việc giảm lượng mưa làm việc canh tác lúa gạo càng tồi tệ hơn.
Và thiên nhiên thì không có lòng trắc ẩn. Địa hình dốc đứng, cùng với độ che phủ rừng quá thưa đã khiến lũ quét xuống những ngọn đồi và những vách núi mà không hề bị cản trở. Các trận lũ đã cuốn đất đá xuống các khu vực dân cư đông đúc, lắp đầy các con sông trong khi gây ra những vết nứt trên mặt đất những nơi mà chúng đã rời đi. Với 6 vết nứt lớn, bị xúc tác bởi các sườn núi không đồng đều, Kep A chứa đựng nhiều nguy cơ sạt lở đất, có thể gây chết người. Dân làng sống trong sợ hãi, các phương pháp dự báo thiên tai truyền thống của họ không còn hiệu quả do lượng mưa thất thường và sự xuất hiện của lũ quét nhanh.
Trải nghiệm của Kep A không phải là duy nhất. Việt Nam đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu, theo báo cáo của German Watch. Các đặc điểm địa lý không thuận lợi khiến Việt Nam dễ bị thiên tai tàn phá hơn. Miền Bắc Việt Nam là một vùng núi đặc biệt, và cũng là nơi mà các con sông chiếm ưu thế. Lũ lụt cực đoan và các thảm hoạ thiên nhiên khác trong khu vực này đã gây thiệt hại kinh tế mỗi năm ước tính 1-1,5% GDP.
Do lịch sử di dân, miền núi phía Bắc hiện có 50 trong số 53 dân tộc thiểu số của cả nước, ngoại trừ người Hoa, Khmer và Chăm là những dân tộc tập trung vào các khu đô thị có nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã xây dựng hệ thống hỗ trợ nhưng khu vực miền núi phía Bắc, mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 – 70%. Sinh kế của họ vẫn chủ yếu xoay quanh chặt cây và đốt rừng – lối làm nông truyền thống nghìn đời. Tuy nhiên, họ đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng.
CSDM đã làm việc với các cộng đồng dân tộc ở Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hà Tĩnh và Hà Tây để “bảo tồn văn hóa dân tộc” trong điều kiện phải thường xuyên đối mặt với thiên tai. Ông Việt cho rằng trong số các cộng đồng dân tộc mà ông đã làm việc, người H’Mong là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu vì họ sống "trên đỉnh núi", gần sông và suối. Ngay cả khi chính quyền địa phương cảnh báo họ về nguy cơ thiên tai sắp xảy ra, họ cũng không muốn di tản. "Nếu họ di chuyển chỗ ở, điều đó có nghĩa là không có nước, không có sinh kế", ông Việt giải thích.
Vừ Pat Ly, một người H’Mong sống ở Sông Mã, Sơn La kể về câu chuyện tuổi thơ của mình lớn lên cùng lũ lụt. "Cả đời tôi đã sống cùng gia đình tôi ở Sông Mã 29 năm nay", anh nói, "Nhiều lần, nhà của chúng tôi cùng với gia súc và hoa màu bị dòng nước lũ cuốn trôi. Bây giờ, con người đã quen với điều đó, nó được xem như là một điều bình thường ở đây”.
Anh Ly đã từng chứng kiến nhiều bò, trâu chết cóng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng xuất lao động của cha anh, người phải nuôi gia đình bằng nghề nông, vì con trâu là lực kéo cày cho mảnh ruộng của gia đình.
Cách đó 326km về phía Bắc, ở thị trấn biên giới Sa Pa, Lào Cai, nhà giáo Tạ Văn Thượng sống cùng vợ và ba con. "Sống ở đây, bạn mới có thể tận mắt chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu đối với những người xung quanh bạn, thậm chí những người thân yêu, gần gũi của bạn", thầy Thượng cho biết.
Ngoài lũ lụt, lượng mưa thất thường ở Sa Pa cũng gây ra hạn hán khắc nghiệt vào mùa khô, dẫn đến xung đột giữa người dân về việc tiếp cận nguồn nước cho sử dụng cá nhân và tưới tiêu. Thầy Thượng nhớ lại với một chút tự hào, Sa Pa đã từng nổi tiếng về khí hậu lý tưởng cho nghỉ dưỡng, nơi khách du lịch thường tìm đến để tránh cái nóng của khí hậu nhiệt đới tại các vùng đồng bằng Việt Nam. Trong năm 2011, Sapa trải qua trận hạn hán đầu tiên. Trước đó, 5 cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở Sa Pa – H’Mong, Dao, Giáy, Phố Lư và Tày – đã luôn luôn có thể bắt đầu mùa vụ chính xác sau cơn mưa đầu trong tháng 3, nhưng kể từ trận hạn hán lịch sử nói trên, các gia đình đã bắt đầu mùa vụ của mình ngày càng sớm, sớm hơn láng giềng của họ để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu. "Lúa là lương thực chủ yếu ở Sa Pa. Mọi người đều ăn cơm cả trong 3 bữa sáng, trưa và tối. Chúng tôi không biết phải làm gì nếu không có gạo?”, thầy Thượng nói trong lo lắng.
Tác động rõ ràng khác của biến đổi khí hậu thể hiện ở sức khỏe con người. Sự bùng phát của các trận dịch bệnh nhiệt đới như sốt rét và sốt xuất huyết do siêu vi trùng thường trùng thời điểm khi thời tiết và lượng mưa thay đổi đột ngột. Người dân thường sử dụng phương pháp điều trị "truyền thống". Nếu cha mẹ chúng muốn đưa con đi điều trị y tế đúng cách, họ sẽ phải đưa con từ trên núi đến bệnh viện tỉnh. Chi phí đi lại, viện phí và thuốc men thường quá khả năng của họ.
Chính phủ đã dự liệu được những vấn đề này, mối liên hệ giữa các hoạt động của con người, biến đổi khí hậu và thiên tai. Tháng 9-2002, Việt Nam đã phê duyệt Nghị định thư Kyoto, đặt mức trần tỷ lệ phát thải carbon hàng năm. Kể từ đó, nhà nước đã nỗ lực đưa ra luật và các quy định, bao gồm chiến lược quốc gia về phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, được coi là văn kiện toàn diện nhất về kiểm soát thiên tai, với định nghĩa "sẵn sàng ứng phó và hồi phục từ các hậu quả do thiên tai gây ra để đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, an ninh quốc phòng".
Cùng với chiến lược này, Chính phủ đã thực hiện các chương trình liên quan đến biến đổi khí hậu, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, từ năm 2015, Việt Nam đã lập kế hoạch 61 dự án cấp bách, không thể trì hoãn với tổng kinh phí khoảng 19.000 tỷ đồng. Các dự án ưu tiên xây dựng hệ thống hồ tích trữ nước ngọt; phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; đầu tư hệ thống quan trắc môi trường, dự báo khí tượng thủy văn; di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm…
Tại Hà Giang, CSDM và các chuyên gia về khí hậu, chính quyền địa phương kết hợp với Đại sứ quan Phần lan đã thực hiện chương trình cài đặt kỹ thuật dự báo sớm trong các trạm dự báo thời tiết, nâng cấp các thiết bị hiện có và cung cấp cho hộ gia đình các phương tiện để hỗ trợ cảnh báo và liên lạc cần thiết từ 2008-2010.
Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chính phủ cần có động thái mạnh mẽ hơn về việc quy trách nhiệm cho một số tổ chức, công ty có hoạt động gây ra thay đổi khí hậu trực tiếp hoặc gián tiếp. Theo bà Nhi Thới, Giám đốc Chương trình của Change.vn, một tổ chức phi chính phủ liên quan đến vận động các chính sách về biến đổi khí hậu, “việc ưu tiên phát triển các nhà máy nhiệt điện, và than đá” là một phần hy sinh môi trường sống của Việt Nam.
Liệu rằng Việt Nam có thể phát triển các nguồn năng lượng thay thế để giảm thiểu những hậu quả nhìn trước được của việc hy sinh môi trường không? "Tôi nhìn thấy tương lai trong các nguồn năng lượng thay thế", bà Thới nói.
Vấn đề thay đổi môi trường và tác động của nó đối với miền núi phía Bắc Việt Nam là một vấn đề đa chiều; giải pháp ngăn ngừa thiệt hại thêm và giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số hồi phục từ những bài học trong quá khứ đang đến từ các cơ quan ban ngành địa phương và các tổ chức phi chính phủ.
Cộng đồng quốc tế cũng có một vai trò quan trọng trong việc kêu gọi sự hỗ trợ cho các quốc gia đang đối phó với việc biến đổi khí hậu nhưng thiếu nguồn lực về con người, kiến thức, kinh nghiệm và ngân sách. Các nhà hoạch định chính sách trong Bộ Tài nguyên và Môi trường biết rằng việc đào tạo con người có kiến thức và nhiệt huyết là những giải pháp tốt nhất để giải quyết các vấn đề làm sao cân bằng sự tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
MAI HOÀNG/SGGP
Bình luận (0)