Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa qua các cột mốc lịch sử: Kỳ 2: Khai thác biển Đông dưới thời nhà Nguyễn

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu năm 1802, Nguyễn Ánh đánh thắng quân Tây Sơn ở Thuận Hóa, đăng đàn xưng đế hiệu Gia Long rồi tiến ra Bắc diệt được Trần Quang Toản chấm dứt nhà Tây Sơn. Gia Long liền tổ chức lại cai trị lãnh thổ thống nhất Tổ quốc.
Ngày 1 tháng 7 năm Quý Hợi (1803), sử Thực Lục ghi: Gia Long “lấy cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngữ cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), sai mộ dân ngoại tịch làm đội Hoàng Sa” (trích trang 136 Quốc sử quán, Đại Nam thực lục, tập III, NXB Sử học).
Đầu năm 1815, sử Thực Lục ghi: Gia Long “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển” (trích trang 323 Quốc sử quán, Đại Nam thực lục).
Cuối tháng 6 năm Đinh Sửu (1817), Gia Long “sai bọn Hữu tham tri bộ Công Nguyễn Đức Huyên và Tả tham tri Đoàn Viết Nguyên làm sách Duyên Hải Lục, phía Nam đến Hà Tiên phía Bắc đến Yên Quảng. Phàm các cửa biển, mực nước khi triều lên triều xuống sâu nông thế nào, dặm đường xa gần bao nhiêu, đều phải ghi chép cả. (Bộ sách ấy gồm 2 quyển, chép cả thảy 4 sinh, 15 tấn, 143 cửa biển, dài 5.902 dặm, mỗi dặm là 540 trượng)” (trích trang 324 Quốc sử quán, Đại Nam thực lục). Sách Thông Quốc Duyên Cách Hải Chử có nội dung y như sách Duyên Hải Lục.
Tháng 6 năm Minh Mạng 11 (1830), sử Thực Lục ghi: “Thuyền buôn của Đô-ô-chi-ly người Pháp bị bão chìm ở phận biển Đà Nẵng. Nhà vua sai Quảng Trị cấp cho 100 quan tiền, 50 phương gạo, tìm chỗ cho ở. Nhân tiện cho đi về nước” (trích trang 124 Quốc sử quán, Đại Nam thực lục, tập X).
Tháng 8 năm Quý Tỵ (1833) sử Thực Lục ghi: Minh Mạng “bảo hộ Công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường bị hại (mắc cạn). Nay nên dự bị thuyền mành, sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối” (trang 52-53, tập XIII).
Tháng 3 năm Giáp Ngọ (1834), sử Thực Lục ghi: Minh Mạng “sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ” (trang 180-181, tập XIV).
Tháng 6 năm Ất Mùi (1835) sử Thực Lục ghi: “Dựng đền ở đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng… Năm ngoái, vua (Minh Mạng) toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây mới sai cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở nguyên vật liệu đến dựng miếu. Bên tả miếu dựng bia đá, phía trước miếu dựng bình phong, 10 ngày làm xong rồi về” (trang 31, tập XVIII).
Ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng 17 (1836), vua ghi lời Châu phê “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ, dài 4-5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ: Năm Bính Thân (1836), họ tên cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để làm dấu. Bản phúc tấu còn ghi Chánh đội trưởng Phạm Hữu Thuật được phái từ Thuận An vào Quảng Ngãi để đi Hoàng Sa” (trang 331, tập XXVIII).
Tháng 12 năm Bính Thân (1836), sử Thực Lục ghi: “Thuyền buôn Anh Cát Lợi mắc cạn, vỡ và đắm; hơn 90 người đi thuyền tam bản đến Bình Định” (trang 330, tập XVIII). Minh Mạng sai chu cấp rất hậu và cho Nguyễn Tri Phương đưa họ về Hạ Châu (Singapore).
Ngày 19 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), tập tấu ghi “Xin chiếu lệ miễn thuế năm nay cho 2 chiếc bồn chinh thuyền đã đưa bình dân đến Hoàng Sa đo đạc giáp vòng từ hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 6, hoàn tất công vụ nay đã trở về” (Châu bản Minh Mạng, trang 518).
Phúc tấu Bộ Công ngày 26 tháng 1 Thiệu Trị 7: Tháng 6 Thiệu Trị 5 (1845) phụng sắc về việc đình hoãn vãng thám Hoàng Sa. Nay phúc tấu đợi chỉ có nên vãng thám Hoàng Sa kỳ này hay không? Châu phê “Đình hoãn” (Châu bản Thiệu trị, trang 83).
Văn khao lề thế lính Trường Sa. Năm Đinh Mão đời Tự Đức thứ 20 (1867), những thủy quân Trường Sa hy sinh được vua tôn phong là Hùng binh: Hùng binh Trường Sa đi tuần trên biển, Hùng binh Trường Sa đi đánh cá, Hùng binh Trường Sa ôm lưới, Hùng binh Trường Sa giữ kho, Hùng binh Trường Sa giữ trại, Hùng binh Trường Sa nấu ăn” (Quốc triều chính biên, trang 197).
Hầu như năm nào, các chúa Nguyễn rồi các vua triều Nguyễn cũng ra lệnh cho thủy quân công tác ở Hoàng Sa và Trường Sa để khai thác các mối lợi và thực thi chủ quyền vững chắc trên các hải đảo xa xôi thuộc biển Đông.
Linh Vy  (Trích lược theo nhà nghiên cứu, GS. Nguyễn Đình Đầu)
* Tư liệu từ Thư viện Tổng hợp TP.HCM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)