Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa qua các cột mốc lịch sử: Kỳ cuối: Những cuộc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa

Tạp Chí Giáo Dục

Sau thế chiến thứ 2 (1939-1945), lợi dụng lúc Việt Nam đang chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc, có mấy nước ngang nhiên xâm lấn một phần lãnh hải và Hoàng Sa – Trường Sa.

Trung Quốc lợi dụng khi nước Việt Nam tạm chia cắt đã đem quân chiếm phía Đông quần đảo Hoàng Sa, tức nhóm An Vĩnh (Groupe de l’Amphirite) năm 1956 và đem thủy quân hùng hậu đến đánh chiếm nhóm Lưỡi Liềm (Groupe de Croissant) năm 1974, gây tử vong 74 lính Cộng hòa bảo vệ. Vậy là toàn thể quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc.
Ý đồ xâm chiếm toàn bộ hải đảo trong biển Đông của Trung Quốc hầu như đã có từ lâu: Năm 1948, Trung Hoa dân quốc đem ra phổ biến một bản đồ chiếm gần hết biển Đông bằng một khuôn như chữ U gồm 11 đoạn mà người ta gọi là Đường lưỡi bò! Các nước Philippines, Malaysia, Việt Nam đều lên tiếng phản đối. Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa làm chủ lục địa. Trung Hoa dân quốc chạy sang Đài Loan nhưng vẫn nắm giữ chủ quyền trên đảo Itu Aba (Ba Bình) – một hòn đảo khá rộng trong quần đảo Trường Sa có thể đủ chỗ cho 1.000 quân chiếm cứ – mà họ đã chiếm từ 1945 khi sang giải giáp quân đội Nhật.
Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục đưa Đường lưỡi bò nhằm thôn tính hết biển Đông, nhưng năm 1953 cắt đi hai đoạn vịnh Bắc bộ, còn 9 đoạn vẫn như cũ.
Năm 1982, công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UN Convention on Law of the Sea, UNCLOS) được ký và có hiệu lực từ năm 1992 với nội dung tóm tắt quy định các phần nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mỗi quốc gia có địa phận tiếp giáp với vùng biển.
Tháng 3-1988, ở khu vực quần đảo Trường Sa, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các nhóm đảo và đá ngầm gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Xu Bi, sau khi đánh chìm ba tàu lớn của Hải quân Việt Nam khiến 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh. Trung Quốc còn ngăn chặn không cho tàu mang chữ thập đỏ ra cứu quân Việt Nam (sách Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam).
Đến ngày 5-9-2009, Trung Quốc mới đưa trình bản đồ Liên Hợp Quốc với nhiều điểm hiển nhiên vi phạm công ước. Để củng cố ý đồ xâm chiếm biển Đông, ngày 24-7-2012, Trung Quốc tuyên bố thiết lập thành phố Tam Sa (cấp địa khu trên cấp huyện, dưới cấp tỉnh) gồm 3 quần đảo: Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và Trung Sa, với hai bãi Mắc Len Phiên (Macclesfield) và bãi Hoàng Nhan (Scarborough). Thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam lấy đảo Phú Lâm (Woody Island) làm thủ phủ. Như vậy, thành phố Tam Sa lấy Đường lưỡi bò chiếm gần hết biển Đông làm biên giới. Các nước và vùng lãnh thổ Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan cùng tức thời lên tiếng tố cáo các hành động phi pháp trắng trợn của Trung Quốc.
Ngày 2-5-2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 với hàng trăm tàu, kể cả hạm đội hộ tống, hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vừa trắng trợn vi phạm công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vừa vi phạm chủ quyền lịch sử từ nhiều thế kỷ và theo công pháp quốc tế…
Cuộc đấu tranh trên biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa vì toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thật cam go và phức tạp. Sao cho công lý và hòa bình cùng được thực hiện – Đó là nhiệm vụ thiêng liêng của chính quyền và của mỗi công dân trong cương vị và khả năng của mình.n
(Trích lược theo nhà nghiên cứu, GS. Nguyễn Đình Đầu)
Linh Vy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)