Y tế - Văn hóaThư giãn

Biến gốc cây cổ thụ thành tác phẩm nghệ thuật

Tạp Chí Giáo Dục

Bằng đôi tay khéo léo và đôi mắt tinh tường, 2 anh em Nguyễn Văn Tài và Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Văn Giáo, H.Tịnh Biên, An Giang) đã biến những gốc cây cổ thụ thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Anh Thanh đang hoàn thiện tác phẩm Tứ Linh
Anh Thanh đang hoàn thiện tác phẩm Tứ Linh – Ảnh: Đặng Ngọc

Lấy công làm lời

Vào nghề chỉ hơn 5 năm nhưng anh Thanh, anh Tài đã tạo hàng trăm tác phẩm nghệ thuật từ gốc, rễ cây cổ thụ. Hiện xưởng chế tác của các anh đang có hơn 40 tác phẩm đã thành hình, trong đó có nhiều tác phẩm độc đáo, có giá trị như: Bát Tiên bằng gỗ hương phải đục đẽo suốt 4 tháng mới hoàn thành; bộ bàn ghế bằng rễ cây rộng gần 3 m; bộ cá chép hóa long bằng gỗ lim… mỗi tác phẩm có giá từ 50 – 200 triệu đồng.

“Do đồng vốn còn hạn hẹp nên anh em tôi chỉ làm gia công cho các đại gia mê chơi đồ gỗ tạo hình ở ĐBSCL và miền Đông Nam bộ, kiếm lời từ 10 – 100 triệu đồng/bộ tùy theo độ tinh xảo, kỳ công của tác phẩm mà mình tính tiền với khách”, anh Thanh chia sẻ.

Mặc dù đã có những thành công nhất định nhưng anh Thanh và anh Tài cho rằng mình đến với nghề chỉ vì “chén cơm, manh áo” và lòng đam mê, chứ  chưa qua trường lớp đào tạo nào cả.

“Mỗi lần có hội chợ,  hai anh em rủ nhau đi xem các vật dụng chế tác từ gốc cây rồi về mày mò làm thử. Nhờ chịu khó và có chút khéo tay nên sản phẩm của anh em chúng tôi làm ra ngày càng được khách hàng tín nhiệm”, anh Tài tâm sự.

Đưa chúng tôi đi xem những tác phẩm của mình, anh Thanh giới thiệu đây bộ Tứ Linh mà anh khá ưng ý được làm từ gốc cây hương cao 1,2 m, ngang gần 2 m do một ông chủ lớn ở An Giang mang đến thuê gia công với giá 80 triệu đồng. Sau 4 tháng một mình anh đục đẽo, tạo hình… đến nay hình dáng long, lân, quy, phụng đã “hiện ra” rất uy nghiêm. Tuy nhiên, theo anh Thanh, phải mất thêm khoảng 2 tháng hoàn thiện tác phẩm mới có thể giao cho khách.

Kề bên là tác phẩm Độc Thiềm Thừ của anh Tài. Anh Tài cho biết đã gia công tác phẩm này 2 tháng nhưng mới hình thành một “chú cóc” đúng nghĩa. Còn phải mất thêm thời gian để biến những hình dáng đẹp sẵn có từ gốc cây bình linh cộng thêm chút tạo hình riêng biệt mới có thể biến “chú cóc” sần sùi này thành tác phẩm nghệ thuật. Cũng vì lý do này mà anh Tài chưa tiết lộ giá của tác phẩm.

Sẽ có những tác phẩm riêng mình

Theo anh Tài và anh Thanh, cái khó của nghề này chính là phải thực hiện từ nguyên liệu do khách mang tới và làm theo ý đồ của họ một cách nhanh nhất.

“Đối với những trường hợp này, chúng tôi phải tư vấn cho khách hàng để làm sao tạo ra tác phẩm có giá trị thẩm mỹ mà không làm mất đi tính tự nhiên của gốc, rễ cây”, anh Tài nói.

Cũng theo lời anh Tài, tính đến nay, 2 anh em đã chế tác được hàng trăm sản phẩm từ gốc cây, rễ cây; chủ yếu là bàn ghế đai, Tứ Linh, Bát Tiên… trong đó nhiều tác phẩm có giá bán lên đến hàng trăm triệu đồng.

Sau một thời gian theo nghề, anh Tài và anh Thanh đã có chút vốn liếng để có thể tự “săn” nguyên liệu về tạo hình rồi bán cho khách hàng. Cách làm này mang lại  hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 – 3 lần so với làm gia công như trước đây.

Chỉ đống gốc cây, rễ cây “khổng lồ” chất xung quanh nhà, anh Thanh cho biết 1/3 trong số này là do 2 anh em lặn lội vào rừng ở Bảy Núi (An Giang) mua về có giá từ 1,5 – 10 triệu đồng/gốc; số còn lại là do khách hàng mang đến thuê gia công.

“Hiện hợp đồng gia công chế tác rất nhiều, thậm chí có lúc chúng tôi phải từ chối vì sợ lãnh nhiều quá không làm kịp mất uy tín với khách hàng”, anh Thanh nói.

Đặng Ngọc (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)